Doanh nghiệp - Doanh nhân

Khát vọng khởi nghiệp của ba “bóng hồng”

Xây dựng trung tâm huấn luyện nâng cao chất lượng nguồn lực lao động và kết nối việc làm; kỳ nghỉ trả góp cho đối tượng thu nhập thấp; tạo việc làm cho người khuyết tật... là những ý tưởng khởi nghiệp của ba “bóng hồng” 9X Quỳnh Nga, Phương Đông và Tâm Anh. Họ đã giành học bổng “Smart Cities” (Thành phố thông minh) của Israel.

Những ý tưởng kinh doanh vì cộng đồng

Nguyễn Thị Quỳnh Nga (SN 1995), sinh viên trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, từng là Á khôi 1, đoạt giải hùng biện và tài năng trong cuộc thi Hoa khôi Sinh viên Việt Nam 2017 do T.Ư Hội LHTN Việt Nam tổ chức. Nga chia sẻ, từ nhỏ đã mong muốn trở thành doanh nhân, có một thương hiệu thời trang riêng. Cô từng thử sức tại nhiều cuộc thi khởi nghiệp khi còn là học sinh, có những ý tưởng gắn liền với sở thích. Tuy nhiên, sau chuyến đi Trường Sa cô có sự thay đổi nhận thức và đặt mục tiêu trở thành doanh nhân.

Chia sẻ về ý tưởng “Xây dựng trung tâm huấn luyện nâng cao chất lượng nguồn lực lao động và kết nối việc làm”, Nga cho biết, xuất phát từ thực tế bố mẹ làm trong lĩnh vực kinh doanh luôn đau đầu về vấn đề nhân lực. “Không phải họ không có tay nghề cao mà sự đam mê, trách nhiệm trong công việc còn thiếu. Điều này mình cũng gặp khi đi thực tập, tìm hiểu ở nhiều đơn vị khác. Với ý tưởng này, mình hy vọng cải thiện, thay đổi được điều gì đó”, Nga nói.

Ba cô gái giành học bổng đến Quốc gia khởi nghiệp Israel từ trái qua: Tâm Anh, Phương Đông và Quỳnh Nga. Ảnh: Xuân Tùng.

Hoàng Hậu Phương Đông (SN 1995) là gương mặt nổi bật của Học viện Ngoại giao. Năm 2016, Phương Đông lọt vào Top 5 cuộc thi tài sắc sinh viên toàn quốc; biểu diễn guitar Hawaii trong lễ tiếp đón Tổng thống Mỹ Barack Obama ở Trung tâm Hội nghị Quốc tế (Hà Nội) và bắt tay, chụp ảnh selfie với thần tượng. Cô còn tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Mặc dù học chuyên ngành Quan hệ Quốc tế, nhưng Phương Đông luôn ấp ủ những ý tưởng khởi nghiệp để mang lại điều có ích cho cộng đồng.

Ý tưởng “kỳ nghỉ trả góp” của cô đã gây ấn tượng mạnh trong cuộc thi đến Israel lần này. “Dự án hướng đến đối tượng công nhân viên chức, cũng như những người có điều kiện kinh tế, thời gian eo hẹp để đi du lịch. Hệ thống kỳ nghỉ trả góp liên kết với các công ty du lịch sẽ mang tới những chuyến đi và giúp họ không phải trì hoãn việc du lịch cùng người thân gia đình”, Phương Đông chia sẻ.

Hoàng Tâm Anh (SN 1996), sinh viên trường ĐH Ngoại thương Hà Nội mong muốn khởi nghiệp bằng dự án hỗ trợ người khuyết tật kết nối với các doanh nghiệp cần lao động phổ thông. Để thực hiện ý tưởng này, Tâm Anh dựa trên hai nền tảng trực tuyến (các web, mạng xã hội) và ngoại tuyến là các văn phòng địa phương. Với dự án này, cô mong muốn mang lại việc làm cho người khuyết tật, khi thực tế họ đang gặp nhiều khó khăn trong mưu sinh. Đồng thời, ý tưởng cũng hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện và tăng cường trách nhiệm xã hội, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tìm kiếm công nhân có chi phí thấp.

“Trong suốt quá trình học tập và va chạm thực tế cuộc sống, mình nhận thấy những người khuyết tật bị thiếu chân hoặc thiếu tay, khuyết thiếu một phần cơ thể nhưng họ vẫn còn khả năng lao động. Do đó hãy tạo cơ hội việc làm cho họ. Đây là cách tốt hơn để họ có thể cải thiện cuộc sống lâu dài, chứ không chỉ hỗ trợ xây nhà, tặng tiền”, Tâm Anh chia sẻ. Hiện Tâm Anh còn tìm việc làm ở các tổ chức phi chính phủ, giúp đỡ những người gặp khó khăn. Cô dự định làm việc 1-2 năm lấy kinh nghiệm, sau đó sẽ tự thành lập doanh nghiệp của riêng mình.

Bí quyết khởi nghiệp

 

Trong thời gian ba tuần (từ ngày 25/7 đến 28/8) tại Israel, Quỳnh Nga, Phương Đông và Tâm Anh sẽ tham gia khóa học khởi nghiệp tại trường ĐH Tel Aviv với nhiều nội dung như: Học chuyên sâu về diễn biến, hậu quả của xu hướng đô thị hóa hiện nay và khái niệm về thành phố thông minh “Smart Cities”; phát triển công nghệ thông tin (ICT), cách mở ra những cơ hội và khả năng mới để giải quyết một số vấn đề đô thị cũng như xử lý một số vấn đề môi trường và xã hội mới được công nhận. Ngoài ra, ba bạn còn được đi thăm các cơ sở của thành phố Tel Aviv; dự các cuộc họp với các quan chức thành phố giải quyết các giải pháp của Smart City; tham gia các hoạt động xã hội...

Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam Doron Lebovich chia sẻ, Israel là đất nước nhỏ bé với 8 triệu dân có hơn 5.000 công ty khởi nghiệp sáng tạo và đang phát triển, nắm giữ số công ty khởi nghiệp cũng như thu hút vốn đầu tư mạo hiểm bình quân đầu người cao hàng đầu thế giới. Việc Israel trở thành quốc gia khởi nghiệp mà nhiều người gọi là “kỳ diệu” hay “bí ẩn văn hoá” đến từ một lý do: Đầu tư vào nguồn nhân lực.

“Đây là cơ hội quý giá cho các sinh viên như mình có thể tiếp cận khởi nghiệp từ nhiều hướng khác nhau, học được những bí quyết khởi nghiệp từ đất nước họ. Đồng thời có cơ hội gặp gỡ những người giỏi từ nhiều quốc gia, quan hệ xây dựng đối tác”, Tâm Anh chia sẻ.

Chương trình “Đồng hành với thanh niên Việt Nam khởi nghiệp” năm 2018 do T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp tổ chức, với mong muốn thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo thông qua việc cấp học bổng cho thanh niên, sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp tham gia khóa học “Smart Cities” tại Israel. Đây là khóa học tập trung vào các ý tưởng khởi nghiệp, áp dụng công nghệ thông tin để phát triển thành phố thông minh.
Nên đọc
Theo Tiền phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo