Pháp luật

Khởi tố nguyên Phó thống đốc NHNN, tiếp tục xử đại án OceanBank

Nguyên Phó thống đốc Đặng Thanh Bình bị khởi tố, tiếp tục xét xử đại án OceanBank, sắp xét xử bà Châu Thị Thu Nga... là nội dung chú ý tuần qua.

Khởi tố ông Đặng Thanh Bình nguyên Phó thống đốc NHNN

Ông Đặng Thanh Bình.

Như tin tức Doanh nghiệp Việt Nam đã đưa,ngày 8/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với ông Đặng Thanh Bình, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 285, Bộ luật Hình sự.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang thụ lý điều tra vụ án Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) và một số đơn vị, tổ chức thuộc Ngân hàng Nhà nước. Ông Đặng Thanh Bình được xác định liên quan đến vụ án kinh tế làm thất thoát 9.000 tỷ đồng của ông Phạm Công Danh và đồng phạm tại Ngân hàng Xây dựng.

Căn cứ kết quả điều tra, tài liệu chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra vụ án, ngày 08/9/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với ông Đặng Thanh Bình, nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 285 Bộ luật Hình sự và áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú.

Cùng ngày, Viện KSND tối cao đã phê chuẩn các Quyết định của Cơ quan CSĐT Bộ Công an.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt các Quyết định và Lệnh đối với bị can Đặng Thanh Bình, đồng thời khẩn trương điều tra, mở rộng vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

 

Đại án OceanBank: 19 tổ chức thừa nhận hưởng lãi ngoài hơn 3 tỷ

Hà Văn Thắm ra chủ trương về việc chi ngoài

Phiên sơ thẩm Đại án OceanBank đã trải qua 10 ngày xét xử. Một trong những vấn đề được HĐXX xét hỏi kỹ nhất là việc cựu Chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm ra chủ trương, chỉ đạo thuộc cấp chi lãi suất ngoài, gây thiệt hại cho nhà băng này hơn 1.500 tỷ đồng, theo tin tức trên báo Vnexpress

Cụ thể, theo cáo buộc, đầu năm 2011, Hà Văn Thắm ra chủ trương về việc chi ngoài lãi suất huy động vốn cho các khách hàng trên toàn hệ thống OceanBank. Các thuộc cấp Nguyễn Minh Thu (Tổng giám đốc), Lê Thị Thu Thuỷ, Nguyễn Thị Minh Phương (phó Tổng Giám đốc) đã chỉ đạo lãnh đạo các khối, ban nghiệp vụ thuộc Hội sở ngân hàng và 34 giám đốc các chi nhánh, phòng giao dịch trên cả nước thực hiện việc chi lãi ngoài khi huy động vốn.

Cáo trạng của VKSNDTC quy kết, hành vi của các bị cáo đã "lũng đoạn, mất an ninh thị trường tiền tệ" và đã phạm vào tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Kết quả điều tra xác định trong thời gian từ năm 2010 đến cuối năm 2014, tổng số tiền OceanBank đã chi lãi ngoài hợp đồng cho các khách hàng gửi tiền là hơn 1.500 tỷ. 

 

Tuy nhiên, kết quả điều tra số tiền hơn 246 tỷ chi cho Nguyễn Xuân Sơn (Phó khi đó là tổng giám đốc PVN) và bị Sơn chiếm đoạt đã cấu thành tội Tham ô tài sản và Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Do vậy hậu quả còn lại do hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế là hơn 1.300 tỷ.

Theo cáo buộc, từ năm 2011 đến năm 2014, có hơn 50.000 cá nhân và gần 400 tổ chức gửi tiền tại OceanBank và nhận các khoản chi lãi ngoài. Trong đó nhiều khách hàng gửi số tiền lớn là các tổ chức kinh tế thuộc doanh nghiệp có vốn Nhà nước (chủ yếu thuộc PVN và Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam) có dấu hiệu móc ngoặc với lãnh đạo, nhân viên OceanBank nhận các khoản tiền lãi ngoài, để ngoài sổ sách kế toán nhằm hưởng lợi bất chính.

Đến thời điểm phiên toà sơ thẩm được mở lần hai, mới có 19 tổ chức kinh tế thừa nhận hưởng hơn 3 tỷ lãi ngoài của OceanBank. 124 tổ chức kinh tế không thừa nhận. Còn lại 249 tổ chức không có hồi âm với nhiều lý do như: đã giải thể, ngừng hoạt động, đổi trụ sở, lãnh đạo là người nước ngoài đã về nước...

Số lượng khách hàng cá nhân nhiều người đã chuyển chỗ ở, hoặc đã chết gây khó khăn cho quá trình điều tra. Trong 105 người được triệu tập, chỉ 47 người khai nhận quà tặng của OceanBank nhưng ít người nộp lại tiền. Nhiều người không nộp lại tiền với lý do việc chi trả tiền đúng hay sai là trách nhiệm của ngân hàng.

Đình chỉ 3 CSGT nghi "làm luật" ở cửa ngõ sân bay

 

 

Hình ảnh mà nhóm phóng viên 1 tờ báo ghi nhận được, cho rằng CSGT "làm luật" ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh Tuổi trẻ

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang - Trưởng Phòng tham mưu, người phát ngôn của Công an TP. HCM cho biết, đã tạm đình chỉ công tác 3 CSGT có mặt trong clip “Cảnh sát giao thông 'làm luật' ở cửa ngõ Tân Sơn Nhất” để xác minh, điều tra, theo tin tức trên báo Dân trí. 

Bước đầu xác định 3 CSGT bị đình chỉ gồm: Thượng uý Nguyễn Thịnh Phú, Thượng uý Nguyễn Minh Hải và Trung uý Trịnh Xuân Phúc thuộc Đội CSGT Tân Sơn Nhất - Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TPHCM. Theo Đại tá Quang, Công an TPHCM sẽ xử lý nghiêm, kiên quyết, không bao che, dung túng cho cán bộ vi phạm.

Trước đó sáng 7/9, báo Tuổi Trẻ đăng bài viết “Cảnh sát giao thông 'làm luật' ở cửa ngõ Tân Sơn Nhất” nêu tình trạng một nhóm CSGT và CSCĐ TP.HCM lập chốt kiểm tra người vi phạm ở đường Hoàng Minh Giám (quận Phú Nhuận, TP.HCM).

 

Quá trình xử lý, tổ công tác nói trên đã có hành động nhận tiền và bỏ qua cho người vi phạm. Toàn bộ diễn biến vụ việc đã được PV ghi hình và đăng tải.  Sau khi báo đăng, Ban Giám đốc Công an thành phố đã chỉ đạo Phòng PC67 điều tra, xác minh. Vụ việc đang được Công an tiếp tục làm rõ.

Công an xác định nghi can cướp ngân hàng ở Đồng Nai

 

Nam thanh niên cướp ngân hàng được cho là Hùng. Ảnh: Camera an ninh

Ngày 6/9, Công an Đồng Nai tạm giữ Phạm Văn Lâm (32 tuổi, ở xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc) để điều tra hành vi Không tố giác tội phạm trong vụ án cướp ngân hàng HDBank chi nhánh Gia Ray, theo tin tức trên báo VnExpress.

 

Nghi can trực tiếp gây án là Phạm Mạnh Hùng (28 tuổi, em trai Lâm), đang bỏ trốn.

Theo điều tra ban đầu, Lâm mượn xe Sirius đỏ đen của người bạn rồi đưa cho em trai sử dụng đi gây án. Sau khi thực hiện vụ cướp, Hùng chạy xe vào giấu trong khu rừng thuộc phân trường Gia Phu (Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc), giáp ranh với tỉnh Bình Thuận, cách hiện trường khoảng 40 km.

Khám xét nơi ở của Hùng, cảnh sát thu giữ nhiều trái mìn tự tạo, giống với trái mìn giả mà nghi can để lại tại quầy giao dịch trong ngân hàng.

Trước đó, vào 10h40 ngày 1/9, một thanh niên bịt kín mặt cầm mã tấu, vật giống súng bọc trong vải trắng và quả mìn giả xông vào ngân hàng HDBank Gia Ray cướp tiền. Tại đây, anh ta dọa giết nhân viên và buộc họ bỏ số tiền hơn 200 triệu đồng vào chiếc túi đã chuẩn bị sẵn

Khi chạy ra ngoài, nghi can bị bảo vệ và người dân ném ghế vào người nên té ngã, làm rớt 90 triệu đồng. Khi chạy thêm 1 km, xe của nghi can va chạm với nữ sinh nên anh ta ngã xuống đường, rớt hàng chục triệu đồng.Cơ quan công an và các đơn vị nghiệp vụ sau đó vào cuộc truy bắt.

 

Ngày 2/10, xét xử Châu Thị Thu Nga và đồng phạm

 

 Châu Thị Thu Nga sẽ hầu tòa vào 2/10.

Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cho biết: Ngày 2/10 tới sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Châu Thị Thu Nga (sinh năm 1965, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng Nhà đất - Housing Group) cùng 9 đồng phạm khác bị Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về cùng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 139, khoản 4, điểm a – Bộ luật Hình sự, theo tin tức trên báo TTXVN. 

9 đồng phạm này gồm 4 bị cáo nguyên là Phó Tổng Giám đốc Housing Group: Nguyễn Trường Sơn (sinh năm 1968), Lê Hồng Cương (sinh năm 1969), Nguyễn Vũ Hùng (sinh năm 1965), Phan Thanh Tuyên (sinh năm 1960); 

 

2 bị cáo nguyên là Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Housing là: Nguyễn Thị Tình (sinh năm 1960) và Lưu Thị Thúy (sinh năm 1983); các bị cáo Phạm Thị Thu Hạnh (sinh năm 1980, nguyên Kế toán trưởng Housing Group), Đinh Phúc Tiếu (sinh năm 1960, nguyên Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng Housing Group), Đoàn Thanh Thủy (sinh năm 1982, nguyên quyền Kế toán trưởng Housing Group). 

Hội đồng xét xử phiên tòa này gồm 5 người, do thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu làm chủ tọa. Viện kiểm sát nhân dân tối cao ủy quyền cho Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án. Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã bố trí 2 kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa. 

Cáo trạng truy tố Châu Thị Thu Nga cùng đồng phạm xác định, mặc dù từ năm 2009 đến tháng 11-2010, Dự án B5 Cầu Diễn chưa được giao cho Liên danh Công ty Housing Group và Công ty HAIC là chủ đầu tư, đồng thời từ năm 2011 trở về sau, biết rõ dự án này chưa được phê duyệt quy hoạch điều chỉnh, chưa được cấp giấy phép xây dựng và chưa được phép huy động vốn nhưng bị cáo Nga vẫn chỉ đạo đưa các thông tin không đúng lên Cổng Thông tin điện tử của Công ty Housing Group

Với thủ đoạn nêu trên, từ ngày 9/1/2009 đến 30/7/2013, Châu Thị Thu Nga và đồng phạm đã ký 752 hợp đồng góp vốn để thu hơn 377 tỷ đồng của khách với cam kết sẽ chuyển nhượng quyền sử dụng 752 căn hộ từ tầng 2 đến tầng 33 của các tòa nhà tại dự án B5 Cầu Diễn. Tuy nhiên, về sau Nga cùng đồng phạm đã không thể thực hiện được cam kết với khách hàng.

Về số tiền hơn 377 tỷ đồng thu của khách hàng, quá trình điều tra, cựu Chủ tịch Housing Group - Châu Thị Thu Nga cùng đồng phạm mới trả lại được gần 29 tỷ đồng cho 43 người đăng ký mua nhà. Hơn 348 tỷ đồng còn lại, bị cáo Nga đã chiếm đoạt và sử dụng hết.

 

Nên đọc
Trân Châu (Tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo