Hỗ trợ doanh nghiệp

Không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý thua lỗ của Doanh nghiệp nhà nước

Trong ngày 15/6/2018, ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, với sự tán thành cao.

Đây là nội dung đã được Quốc hội tiến hành giám sát tối cao tại kỳ họp này.

Tại biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước với 474/475 đại biểu quốc hội tham gia biểu quyết tán thành chiếm 97,33% tổng số đại biểu Quốc hội.

Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV gồm 03 Điều: Điều 1 về đánh giá kết quả thực hiện; Điều 2 về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu; Điều 3 về tổ chức, kiểm tra và giám sát thực hiện.

Kết quả biểu quyết Nghị quyết.

Theo Nghị quyết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các địa phương, doanh nghiệp nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo tổ chức, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết của Quốc hội ghi nhận, đến nay hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước được ban hành khá đầy đủ, phạm vi điều chỉnh bao quát hơn so với giai đoạn trước. Doanh nghiệp nhà nước đã chuyển dịch theo hướng tập trung hơn vào những ngành nghề then chốt của nền kinh tế, hoặc những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không tham gia, tiếp tục giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước...

Tuy nhiên, Quốc hội cũng chỉ ra một loạt hạn chế, bất cập trong hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Điển hình như: Doanh nghiệp vẫn vi phạm pháp luật trong kinh doanh, nguyên tắc thị trường, quản trị doanh nghiệp, quản lý tài chính; chưa bảo đảm công khai, minh bạch trong việc định giá, mua bán tài sản của doanh nghiệp nhà nước; một số dự án đầu tư quy mô lớn nhưng triển khai chậm, không hiệu quả, thất thoát, lãng phí; hoạt động đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính, đầu tư ra nước ngoài nhìn chung hiệu quả thấp...

Để khắc phục những hạn chế, bất cập, thực hiện có hiệu lực, hiệu quả chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Nghị quyết Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo đến năm 2020 xử lý dứt điểm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật, để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước, các dự án đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý thua lỗ của doanh nghiệp.

 

Kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019). Đồng thời, quản lý, giám sát chặt chẽ việc huy động, sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước, nhất là việc vay nợ nước ngoài, các dự án đầu tư trong nước và ở nước ngoài, nguồn vốn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp; hạn chế tối đa cấp bảo lãnh của Chính phủ đối với doanh nghiệp nhà nước…

Trước đó, giải trình một số nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu quy định tại Điều 2 của Nghị quyết, có ý kiến đề nghị nêu rõ thời hạn hoàn thành nội dung “Tập trung hoàn thành mục tiêu cổ phần hoá và thoái vốn nhà nước theo lộ trình” là năm 2020.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: Thoái vốn nhà nước là chủ trương lớn, cần phấn đấu, tập trung hoàn thành, tuy nhiên còn phụ thuộc vào các yếu tố khách quan, trong đó có khả năng hấp thụ của thị trường, do vậy, xin không quy định cứng thời hạn 2020 vào dự thảo Nghị quyết.

Có ý kiến đề nghị bỏ nội dung “Không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý thua lỗ của doanh nghiệp”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 09/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 quy định không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trong Nghị quyết này tiếp tục khẳng định chủ trương trên. Do vậy, xin được giữ như dự thảo.

Một số ý kiến đề nghị quy định rõ “Không cấp bảo lãnh của Chính phủ đối với doanh nghiệp nhà nước” tại trang 3 của dự thảo Nghị quyết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cấp bảo lãnh của Chính phủ cho khoản vay của doanh nghiệp là hoạt động đã được quy định trong Luật Quản lý nợ công, không phân biệt doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân. Dự thảo Nghị quyết quy định hạn chế tối đa cấp bảo lãnh của Chính phủ với doanh nghiệp nhà nước là thể hiện yêu cầu giám sát, kiểm soát chặt chẽ để sử dụng hiệu quả khoản vay trong trường hợp cần thiết.

 

Đối với các  ý kiến đề nghị “đánh giá việc thoái vốn, cổ phần hoá, chuyển đổi mô hình tại các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu quốc hội, dự thảo Nghị quyết đã bổ sung nội dung tổng kết, đánh giá cổ phần hóa và thoái vốn của doanh nghiệp nói chung, trên cơ sở đó sẽ có đánh giá tổng kết đối với doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, do đó xin không bổ sung nội dung cụ thể riêng đối với doanh nghiệp quốc phòng, an ninh trong dự thảo Nghị quyết.

Một số ý kiến đề nghị bỏ nội dung “Chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xử lý kịp thời các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp theo đúng thời hiệu được quy định tại quy chế làm việc của Chính phủ…” vì nội dung này là việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý và ghép nội dung này lên nội dung chỉ đạo của Chính phủ tại trang 3 của dự thảo Nghị quyết.

Nên đọc
Theo Kinh tế và Dự báo
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo