Xã hội

“Không thể quản lý cán bộ theo kiểu chăn dắt”

“Tôi sẽ rất hoan nghênh nếu sau chuyến đi, ông Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình dẫn tới kết luận: phải giảm biên chế, phải thiết kế lại công việc. Còn nếu tiếp tục thì tôi e rằng, những vị công bộc lười nhác kia sẽ nghĩ ra đủ loại chiêu trò để lẩn trốn”.

(dantri) Không lâu sau phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về tình trạng 30% công chức “có cũng như không” trên cả nước, dư luận tiếp tục “nóng” lên với chuyến “vi hành” kiểm tra cán bộ công chức la cà quán xá của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Quốc Thuận - Ủy viên Hội đồng tư vấn dân chủ pháp luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - thẳng thắn nêu ý kiến: "Vấn đề 1/3 số công chức “vô dụng” đã được nói tới cách đây 20 năm. Yêu cầu đặt ra là phải cắt ngay số công chức vô tích sự đó để giảm gánh nặng cho nhân dân, tăng lương cho những người xứng đáng hơn trong bộ máy để họ yên tâm công tác, khỏi “chân trong chân ngoài”.

Không thể để tiền thuế của nhân dân nuôi một bộ máy thừa thãi, cả triệu công chức ăn không ngồi rồi một cách vô lý như thế. Đó là có lỗi với nhân dân”.

Muốn đuổi công chức lười cũng khó lắm!

PV: E rằng ý kiến đuổi hết những công chức vô dụng ra khỏi bộ máy có khi chỉ là khẩu hiệu phải hô nhiều lần và trong thời gian rất dài. Bởi vì đào thải được những người như thế không dễ, nếu chúng ta không có một cơ chế căn bản, khoa học về tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, đãi ngộ, đào thải?

Ông Trần Quốc Thuận: Như tôi đã nói, phải thiết kế lại cả bộ máy, dựa trên những tính toán khoa học, dưới sự giám sát của nhân dân, nhằm sử dụng tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất tiền thuế của nhân dân.

Thời tôi còn làm ở Văn phòng Quốc hội, tôi từng tâm sự với anh Tuấn (ông Trần Văn Tuấn - Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhiệm kỳ 2007 – 2011) về một giải pháp mà thế giới đã áp dụng từ lâu. Đó là bãi bỏ hình thức biên chế suốt đời với công chức và đi vào biên chế có thời hạn.

Tại rất nhiều nước phát triển, hợp đồng dài nhất với công chức là 3 năm. Còn trước đó, công chức phải thử việc, nỗ lực để được ký hợp đồng 6 tháng; nếu làm tốt, họ sẽ được tái ký hợp đồng 1 năm rồi 18 tháng và cao nhất là 3 năm.

Như vậy, từng cán bộ phải làm việc rất trách nhiệm, nếu không, họ sẽ phải bật khỏi guồng máy. Và dĩ nhiên, ông thủ trưởng vì kết quả công việc chung thì lại càng không dám lấy người tệ, bỏ người giỏi. Đó cũng là lý do, cơ quan quản lý tại nhiều nước đã tính toán trước và duy trì dự phòng quỹ bảo trợ thất nghiệp.

Còn hiện nay, ngay như một ông Bộ trưởng muốn đuổi việc một công chức cũng khó khăn lắm!

Nếu theo phương án đó, số công chức thuộc diện biên chế suốt đời hiện nay sẽ phải giải quyết ra sao, thưa ông?

Với công chức hiện nay, có thể ký với họ hợp đồng biên chế 5 năm. Nếu sau 5 năm, họ không đảm đương tốt công việc thì không tái ký và sẽ tiến hành tuyển người mới. Cũng kể từ thời điểm này, cơ quan nhà nước xét lấy biên chế 6 tháng, 1 năm, 18 tháng, 3 năm.

Cũng phải nói thêm, thời điểm đó anh Trần Văn Tuấn rất ủng hộ đề xuất này của tôi. Nhưng ít lâu sau, anh Tuấn tâm sự rằng, phương án này chưa thể triển khai vì vấp phải phản ứng của một số cơ quan liên quan.

“Không thể quản lý theo kiểu canh me, chăn dắt!”

Tuần qua, dư luận xôn xao về chuyến “vi hành” của vị Bí thư Tỉnh ủy Quang Bình. Ông có bất ngờ không khi dư luận đang gọi chuyến “vi hành” này là hiện tượng, một hiện tượng rất hiếm, gây chấn động. Trong khi đáng lý ra, những chuyến “vi hành”, dù dưới cách này hay cách khác, phải được coi là hoạt động bình thường của một công bộc biết lo cho dân?


Theo tôi, việc kiểm tra đó hãy để nhân dân, báo chí, các cơ quan có trách nhiệm ở dưới thực hiện. Điều quan trọng hơn là ông Bí thư nên nghĩ ra cách bố trí, giao việc như thế nào để người công chức làm, thậm chí trong giờ làm không hết. Muốn như vậy thì phải trăn trở lắm, “vắt óc” ra mới làm nổi.

 

 

 

Tình trạng công chức trốn việc, la cà quán xá bị phản ánh trong thời gian gần đây



Quản lý cán bộ là phải quản lý thực chất năng lực, phẩm chất cán bộ chứ không phải chỉ là quản lý giờ hành chính.

Nếu vẫn giữ cách kiểm tra theo kiểu “chăn dắt” như vậy, vấn đề chắc chắn sẽ không thể được giải quyết tận gốc mà chỉ khiến những cán bộ thiếu đạo đức kia thêm nhờn, tự nghĩ ra những biện pháp đối phó tinh vi. “Lùa” như thế nhưng vào cơ quan, chắc gì họ đã chịu làm việc. Như vậy là, thay vì ngồi quán cà phê vô tích sự thì nay họ ngồi trong cơ quan vô tích sự.

Nếu họ chỉ ngồi ở trong cơ quan mà không được việc gì, thậm chí ngồi trong cơ quan chạy cò thu lợi bất chính thì còn tai hại hơn.

Tôi được biết ở bên Mỹ và nhiều nước tiên tiến, cứ sau từ 1 -2 tháng, cơ quan nhà nước lại thuê chuyên gia giỏi đi khảo sát các cá nhân, đơn vị một lần. Mỗi lần về, họ sẽ đưa ra những kiến nghị phải giảm cái gì, tăng cái gì. Mà lương của các chuyên gia này rất cao. Chúng ta phải đi vào quản lý chất xám chứ không thể quản lý theo kiểu chăn dắt.

Nhưng nếu một công chức không chấp hành tốt giờ giấc làm việc hành chính, thật khó để nói rằng anh ta có ý thức muốn làm việc hiệu quả…


Dĩ nhiên, giờ giấc làm việc thì phải tôn trọng nhưng quan trọng là hiệu quả công việc chứ không phải chỉ căn cứ vào thời gian hành chính để đánh giá, nhìn nhận về thành quả, phẩm chất của người cán bộ.

Có một thực tế, có người có thể đến cơ quan hơi trễ nhưng họ có nhiều sáng kiến tốt, hiệu quả công tác cao. Tôi đánh giá những cán bộ đó còn cao hơn những người đến cơ quan chỉ để nghỉ ngơi.

Đã bấy lâu nay dư luận phản ánh điều này là một thực trạng rất bức xúc…


Như tôi đã nói, người giữ cương vị quản lý phải tư duy để nghĩ ra cách bố trí, giao việc để cấp dưới không có dư dả thời gian đi trễ về sớm, ngồi không, tán chuyện. Chuyện tuyển công chức hiện nay còn rất máy móc. Nhiều nơi chỉ đi lo tìm cách chia phòng này, phòng kia sau khi bên trên phân phân bổ số công chức.

Phải thay đổi, lấy tư duy vì việc mà tìm người chứ không phải ngược lại.

Dư luận lo rằng, việc làm của ông Bí thư chỉ như muối bỏ bể và không thể là giải pháp giải quyết triệt để vấn đề. Và một thời gian sau, khi Bí thư bận không vi hành thì mọi chuyện lại đâu vào đấy…

Tôi sẽ rất hoan nghênh nếu sau chuyến đi, ông Bí thư tỉnh Quảng Bình dẫn tới kết luận: phải giảm biên chế, phải thiết kế lại công việc trong các cơ quan. Còn nếu tiếp tục có những chuyến “vi hành” như thế, tôi e rằng sẽ không đến được mục đích mà chúng ta đều mong muốn. Và những vị công bộc lười nhác kia, sẽ “sáng tạo” ra đủ loại chiêu trò để lẩn trốn.

Ông có cho rằng, sau chuyến “vi hành” của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, người “xứng đáng” bị kỷ luật trước tiên chính là những cá nhân đứng đầu cơ quan, đơn vị có cán bộ bị phát hiện lười lao động, ngồi quán cà phê trong giờ làm đó?


Điều cần xử lý ở đây không phải là xem xét trách nhiệm “canh me” giờ giấc để cán bộ dưới quyền bỏ nhiệm sở, uống cà phê trong giờ làm việc. Câu chuyện đặt ra là những người giữ cương vị quản lý thiết kế bộ máy như thế nào mà để công chức dư thời gian đi lang thang ngoài đường.

Đó mới là tận gốc của vấn đề.

 

 

Trần Nguyên

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo