Tin tức - Sự kiện

Kiếm bộn tiền từ gạo sạch

Chọn thị trường ngách để cung cấp các loại gạo sạch, không ít doanh nghiệp sản xuất gạo đã kiếm bộn tiền từ thị trường đầy tiềm năng này.

 

Sản phẩm gạo có giá trị dinh dưỡng cao, hỗ trợ trị bệnh đang ngày càng được người tiêu dùng quan tâm. Đây là các sản phẩm sạch, xanh, đáp ứng đúng xu hướng tiêu dùng chung của thế giới. Trước đây, Việt Nam đi chệch đường, chỉ chú trọng tới số lượng nhưng không đầu tư vào thương hiệu nên chất lượng sản phẩm thấp khiến xuất khẩu gạo của Việt Nam bị chèn ép và thụt lùi.


Gạo sạch lên hương
 
Dựa trên giống lúa ST tím, ST đỏ do kỹ sư Hồ Quang Cua, nguyên Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Sóc Trăng lai tạo thành công, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An đã sản xuất thành công gạo vitamin, có thể được sử dụng như một thực phẩm chức năng. Theo ông Thái Bình, loại gạo này có màu đỏ nhạt, lớp vỏ cám bên ngoài chứa nhiều chất xơ, sắt, bên trong là phần cơm thơm, mềm. Lúc đầu rất ít người tiêu dùng quan tâm, nhưng vài năm trở lại đây xu hướng tìm mua loại gạo này ngày càng nhiều. Nhờ vậy, mỗi năm Trung An tiêu thụ hơn 100 tấn gạo ngay tại thị trường nội địa. 
 
Doanh nghiệp này đang chú trọng mở rộng thị trường cho dòng sản phẩm gạo tím than. Loại gạo này không chỉ được ưa chuộng tại thị trường phía Nam mà còn bắt đầu “bén rễ” trong các siêu thị, cửa hàng thực phẩm tại Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc. Nếu so với các loại gạo trắng thông thường, thậm chí gạo thơm thì gạo tím than có giá cao hơn nhiều. Hiện tại, giá gạo trắng khoảng 14.000 đồng/kg, gạo thơm loại ngon 22.000 đồng/kg, trong khi gạo tím than giá xuất kho đã lên tới 28.000 đồng/kg còn giá đến tay người tiêu dùng là 33.000-35.000 đồng/kg. Giá cao nhưng theo ông Bình, nguồn cung không đáp ứng đủ cầu vì diện tích trồng loại lúa này không nhiều.
 
Trong khi đó, Công ty Viễn Phú lại chọn sản xuất gạo hữu cơ. Quy trình sản xuất loại gạo này hoàn toàn không sử dụng bất kỳ loại hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật nào. Giống lúa được chọn lọc trong môi trường tự nhiên, không qua biến đổi gen. Quá trình thu hoạch, vận chuyển, lưu kho, chế biến, đóng gói... cũng đòi hỏi những quy trình vệ sinh nghiêm ngặt. Với mong muốn làm gạo hữu cơ vì dinh dưỡng và sức khỏe con người, nhiều năm qua ông Võ Minh Khải, Tổng giám đốc Công ty Viễn Phú, đã đổ vốn đầu tư vào hơn 320ha đất giữa rừng U Minh (thuộc xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau). Ông tự nghiên cứu, cải tạo và mở rộng diện tích gieo trồng loại lúa siêu sạch, cho ra sản phẩm gạo hữu cơ Việt Nam mang chất lượng quốc tế. 
 
Hiện nay, Viễn Phú có 7-8 loại gạo hữu cơ bao gồm gạo đen, đỏ, tím, trắng… mang thương hiệu Hoa Sữa. Quy trình sản xuất, chế biến được giám sát và các loại gạo của công ty đã được các tổ chức giám định của Mỹ và châu Âu chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Trong đó, gạo Hoa Sữa đen và tím có giá trị dinh dưỡng rất cao, hàm lượng đạm từ 10-12% với 16 loại axit amino, riêng lisine cao gấp 3-4 lần gạo thường và rất nhiều vitamin B1, B2, phosphor, kẽm, sắt và nhiều vi chất khác. 
 
“Mỗi năm, doanh nghiệp cung ứng hơn 1.000 tấn gạo loại này ra thị trường với giá cao gấp 3-8 lần so với gạo thông thường (tùy loại, tùy hàm lượng dinh dưỡng). Ngoài gạo còn rất nhiều sản phẩm nông nghiệp hữu cơ khác cũng được nuôi trồng trong môi trường không có hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc kích thích tăng trưởng”, ông Khải cho biết.
 
Tiềm năng xuất khẩu
 
Cà Mau có kế hoạch nhân rộng mô hình sản xuất gạo hữu cơ cho người dân với tổng diện tích khoảng 30.000ha
 
Sau một năm chào hàng sang các thị trường xuất khẩu ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty Trung An, cho biết, Trung Quốc và Mỹ là hai thị trường có sức tiêu thụ loại gạo tím than này nhiều nhất. Trung bình mỗi tháng, doanh nghiệp xuất khẩu được 25 tấn gạo tím sang các thị trường này. Số lượng tuy chưa nhiều, nhưng giá xuất khẩu loại gạo này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gạo khác phải thèm thuồng.
 
 
Trong khi giá gạo trắng 5% tấm chỉ ở mức 400-450 USD/tấn; gạo thơm giá cao cũng chỉ ở mức 600-700USD/tấn thì gạo tím xuất khẩu vào Mỹ có giá tới 1.400 USD/tấn, thậm chí xuất sang thị trường Trung Quốc giá gạo đạt 1.550 USD/tấn. 
 
“Nếu tính chung các loại gạo đặc sản khác mà doanh nghiệp đang xuất khẩu như gạo Nàng hoa, Lài sữa, gạo lứt… mỗi năm chúng tôi xuất khẩu từ 50.000-120.000 tấn gạo các loại. Kim ngạch xuất khẩu mỗi năm từ 35-50 triệu USD. Với tình hình thị trường tiêu thụ tốt, trong năm tới công ty sẽ đẩy mạnh xuất khẩu loại gạo tím than với số lượng nhiều hơn”, ông Bình chia sẻ. 
 
Theo ông Võ Minh Khải, Tổng giám đốc Công ty Viễn Phú, trong thời gian tới doanh nghiệp này sẽ xuất khẩu các sản phẩm gạo hữu cơ sang Mỹ, Pháp, Canada sau khi sản phẩm đã được các thị trường Anh, Singapore và Nga ưa chuộng. Định hướng lâu dài của doanh nghiệp là 70% phục vụ xuất khẩu. Số lượng gạo vitamin hữu cơ xuất khẩu trong vài năm tới của doanh nghiệp có thể lên hàng nghìn tấn mỗi năm. Điều thú vị hơn là từ sự thành công của ông Khải, tỉnh Cà Mau đang có kế hoạch nhân rộng mô hình sản xuất gạo hữu cơ cho người dân với tổng diện tích khoảng 30.000 ha.
 
Mong muốn của các doanh nghiệp sản xuất gạo là có chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với sản xuất sản phẩm hữu cơ, xanh sạch. Đồng thời, Nhà nước cần có biện pháp quản lý để minh bạch thị trường, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và những doanh nghiệp làm thực phẩm hữu cơ thật sự, ông Khải kiến nghị.
 
Theo GS Võ Tòng Xuân, không chỉ doanh nghiệp mà các cơ quan quản lý cấp Nhà nước cũng cần thiết lập tài liệu chi tiết về các loại gạo đặc sản thế mạnh của các địa phương, diện tích, năng suất và sản lượng… Sau đó tiến hành đánh giá để chọn ra từ 1-2 giống đặc sản chủ lực, trên cơ sở các ưu điểm về hương vị, dinh dưỡng, năng suất và đặc thù canh tác để tập trung phát triển thương hiệu, đẩy mạnh xuất khẩu. 
 
 
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo