Thị trường

Kiểm dịch vẫn làm khó thủy sản xuất khẩu

Rất nhiều loại giấy tờ kiểm tra chuyên ngành, trong đó có giấy chứng nhận kiểm dịch… đang khiến cho nhiều lô hàng xuất khẩu thủy sản bị ách tắc.

Mới đây, nhiều lô hàng xuất khẩu thủy sản của một số doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh qua Cảng sân bay Tân Sơn Nhất bị ách tắc do hải quan cửa khẩu yêu cầu phải xuất trình giấy chứng nhận kiểm dịch mới được thông quan. Theo phản ánh của các doanh nghiệp chế biến thủy hải sản xuất khẩu, điều này là rất vô lý bởi Luật Thú y 2015 và Thông tư 26/2016 của Bộ NN&PTNT quy định, chỉ có 2 trường hợp lô hàng thủy sản xuất khẩu phải có giấy chứng nhận kiểm dịch kèm theo.

Dù đã sửa đổi, bổ sung 75 văn bản, nhưng tình trạng kiểm tra chuyên ngành, nhất là kiểm dịch vẫn chồng chéo.

Cụ thể, khi chủ hàng có yêu cầu thì lúc đó cơ quan hải quan có thể căn cứ trên yêu cầu được thể hiện trong các chứng từ kèm theo lô hàng (đơn đặt hàng, hợp đồng…) để xác nhận chủ hàng có yêu cầu giấy chứng nhận kiểm dịch hay không.

Hoặc, trong trường hợp nước nhập khẩu yêu cầu phải có loại giấy này. Hơn nữa, từ khi có quy định này cho đến nay, các yêu cầu của thị trường nhập khẩu đã có nhiều thay đổi, trong khi không ít quy định trong nước vẫn được giữ nguyên, không phù hợp gây cản trở cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp.

Điều đáng nói, hiện tại Bộ NN&PTNT chưa ban hành văn bản quy định thị trường nào yêu cầu bắt buộc các lô hàng thủy sản xuất khẩu phải có giấy chứng nhận kiểm dịch kèm theo. Do đó, việc cơ quan hải quan yêu cầu phải có giấy chứng nhận kiểm dịch mới cho thông quan là không có căn cứ. Điều này không những chưa đúng với quy định hiện hành, mà còn gây lãng phí về thời gian, chi phí, nhân lực… cho các doanh nghiệp do phải thực hiện thêm thủ tục hành chính phát sinh không đáng có.

Trước đó, tình trạng tương tự cũng đã xảy ra với một số doanh nghiệp nhập khẩu nguyên phụ liệu cá đã được bảo quản trong container lạnh về phục vụ chế biến xuất khẩu. Theo quy định, những doanh nghiệp này sẽ được đem hàng về kho lấy mẫu kiểm dịch, khi nào đạt kết quả mới được dùng để sản xuất, chế biến. Còn việc kiểm tra tại cửa khẩu thông quan chỉ áp dụng đối với hàng nguyên liệu nhập khẩu để kinh doanh nội địa, nhằm tránh ách tắc và giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.

Nhưng nhiều khi, mặt hàng này vẫn bị kiểm tra khi thông quan nên phát sinh chi phí lưu kho, cũng như không đảm bảo chất lượng hàng hóa nếu thời gian kiểm tra kéo dài và kho lạnh không đảm bảo đúng nhiệt độ.

 

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho rằng, thực tế, hầu hết các doanh nghiệp luôn nhận thức rõ tầm quan trọng của việc kiểm dịch để bảo đảm an toàn kinh doanh, nên trong nhiều năm qua đều tuân thủ tốt các quy định liên quan đến kiểm dịch.

Vì vậy, cơ quan kiểm tra chuyên ngành, kiểm dịch thú y nên xem xét áp dụng cơ chế kiểm soát rủi ro trong kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu dựa trên lịch sử chấp hành của doanh nghiệp và nguồn gốc hàng hóa để có thể phân luồng, tránh kiểm tra 100% số lô nhập khẩu như hiện nay để tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và xã hội. Rõ ràng, việc yêu cầu thực hiện kiểm dịch tại cảng nhập chưa tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp, khiến nhiều doanh nghiệp bị chậm trễ, thậm chí bị hủy đơn hàng do chất lượng hàng hóa giảm sút, giá thành tăng lên.

“Vasep đã có công văn gửi tới Cục Thú y kiến nghị giải quyết vướng mắc về quy định yêu cầu các lô hàng thủy sản xuất khẩu phải có giấy chứng nhận kiểm dịch. Đồng thời, cũng là để thực hiện đúng các quy định hiện hành, giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí và các thủ thục hành chính không đáng có, tạo thuận lợi cho các bên. Hiệp hội đề nghị Bộ NN&PTNT sớm ban hành văn bản quy định thị trường nào có yêu cầu bắt buộc các lô hàng thủy sản xuất khẩu phải có giấy chứng nhận kiểm dịch kèm theo để doanh nghiệp biết, tránh việc hàng về đến cảng mới đi lo giấy chứng nhận”, ông Hòe nói.

Mặc dù theo Quyết định 2026/2015/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho 13 bộ, ngành sửa đổi 87 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành. Tính đến hết năm 2017, các bộ, ngành đã sửa đổi, bổ sung 75 văn bản, nhưng cho đến nay tình trạng kiểm tra chuyên ngành, nhất là đối với kiểm dịch vẫn chồng chéo, máy móc gây khó khăn, ách tắc không ít cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Nên đọc
Theo Thời báo Ngân hàng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo