Pháp luật

Kiến nghị đình chỉ vụ Phương Nga, đề nghị truy tố Phạm Công Danh

Đề nghị truy tố Phạm Công Danh và đồng phạm, luật sư kiến nghị đình chỉ vụ hoa hậu Phương Nga lừa đảo, đề xuất bị cáo nộp tiền để được tại ngoại... là tin tức pháp luật đáng chú ý tuần qua.

Kiến nghị đình chỉ vụ án Hoa hậu Phương Nga lừa đảo

Hoa hậu Phương Nga tại phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2. Ảnh Dân trí

Luật sư Nguyễn Văn Dũ - người bào chữa cho bị can Trương Hồ Phương Nga, cho biết: Ông vừa gửi bản kiến nghị cho cơ quan tố tụng về vụ án Phương Nga cùng Nguyễn Đức Thùy Dung bị cáo buộc lừa đảo 16,5 tỉ đồng của ông Cao Toàn Mỹ, theo tin tức trên báo Dân trí.

Theo luật sư Dũ, bản kiến nghị của ông dài 58 trang với nhiều nội dung phân tích các chứng cứ pháp lý mà ông đã thu thập được trong quá trình tham gia bào chữa cho Phương Nga.

Từ những bằng chứng và phân tích căn cứ pháp lý, luật sư kiến nghị các cơ quan tố tụng TPHCM đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung.

Bản kiến nghị không chỉ được luật sư gửi đến các cơ quan tố tụng TPHCM và Trung ương mà còn gửi tới các cơ quan giám sát, đại biểu Quốc hội.

Theo cáo buộc, khoảng tháng 7/2012, Phương Nga nói với ông Mỹ mình có nhiều bạn bè trong giới địa ốc, có thể mua nhà với giá rẻ hơn thị trường. Ông Mỹ đưa bà Nga 6 tỷ đồng để nhờ mua một căn nhà tại quận 5 nhưng bà Nga không giao nhà.

 

Tiếp đến, bà Nga nói với ông Mỹ có căn nhà giá 16,5 tỷ đồng ở quận 1. Lần này ông Mỹ đưa cho bà Nga thêm 10,5 tỷ đồng. Sau khi đưa cho bà Nga tổng cộng 16,5 tỷ đồng mà không có nhà, ông Mỹ làm đơn tố cáo với cơ quan công an.

Tuy nhiên, Phương Nga phủ nhận cáo buộc lừa đảo 16,5 tỷ đồng của ông Mỹ. Phương Nga cho rằng, đó là số tiền ông Mỹ tự nguyện đưa cho cô vì 2 bên có quan hệ tình cảm.

Đề  xuất bị cáo đóng tiền, tối đa 200 triệu đồng để tại ngoại

Với tội danh ít nghiêm trọng, đóng 30 triệu đồng người phạm tội có thể tại ngoại. Ảnh NLĐ

Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, VKSND Tối cao và TAND Tối cao vừa xây dựng Dự thảo Thông tư liên tịch quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền đặt, việc tạm giữ, hoàn trả, tịch thu, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã đặt để đảm bảo theo quy định tại Điều 122 của Bộ luật tố tụng Hình sự 2015, theo báo Người lao động.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, đặt tiền để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ hoặc người thân thích của họ đặt tiền để bảo đảm.

 

Theo đó, số tiền đặt để bảo đảm căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân bị can, bị cáo và khả năng tài chính của họ, đặc biệt là những người dưới 18 tuổi hoặc có nhược điểm về tâm thần, thể chất. Với tội phạm ít nghiêm trọng, số tiền phải đặt là 30 triệu đồng; tội phạm nghiêm trọng là 100 triệu đồng; tội phạm rất nghiêm trọng mức đặt là 200 triệu đồng.

Mức tiền này có thể giảm nếu bị can, bị cáo là thương binh, bệnh binh, được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân, người dưới 18 tuổi, người tâm thần, người đủ 70 tuổi trở lên, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi...

Đề nghị tiếp tục truy tố Phạm Công Danh 

Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên tòa ngày 9/9/2016. Ảnh Tuổi trẻ. 

Ngày 10/7, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) Bộ Công an cho biết đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB), nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh - gọi tắt Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm về hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV) và VNCB, theo tin tức trên báo Thanh niên. 

Trước đó, trong quá trình điều tra vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm phạm tội cố ý làm trái và vi phạm quy định cho vay, ngày 11/3/2016, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định tách vụ án hình sự nội dung liên quan đến sai phạm xảy ra tại 3 ngân hàng trên để tiến hành điều tra riêng.

 

Liên quan vụ án này, các bị can gồm: Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB), Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó giám đốc VNCB - chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc VNCB - chi nhánh Lam Giang), Mai Hữu Khương (nguyên Giám đốc VNCB - chi nhánh Sài Gòn),

Nguyễn Quốc Viễn (nguyên Trưởng ban Kiểm soát VNCB), Phan Minh Tùng (nguyên phụ trách kế toán hành chính Tập đoàn Thiên Thanh) và 18 bị can nguyên lãnh đạo của 18 công ty sân sau của ông Danh bị đề nghị truy tố về cùng tội cố ý làm trái.

Kết luận bổ sung xác định, Phạm Công Danh - nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng (bị kết án 30 năm tù) và bà Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm cổ đông Đại Tín tại ngân hàng Xây dựng) đã giúp sức cho Hà Văn Thắm làm thất thoát của Oceanbank hàng trăm tỷ đồng.

Nguyên đội trưởng TTGT Cần Thơ nhận hối lộ lĩnh án

Bị cáo Đoàn Vũ Duy, Nguyên Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông Bình Thủy với mức án tù chung thân. Ảnh NNVN

Chiều 11/7, TAND TP Cần Thơ đã tuyên án nguyên 7 cán bộ thanh tra giao thông (TTGT) thuộc Sở GTVT  TP Cần Thơ  và 2 người khác trong vụ nhận hối lộ hơn 4 tỉ đồng. Theo đó, HĐXX đã tuyên phạt các bị cáo: Đoàn Vũ Duy (39 tuổi, nguyên đội trưởng đội TTGT phụ trách quận Bình Thủy) tù chung thân;

 

Dương Minh Tâm (37 tuổi, nguyên Phó chánh TTGT thuộc Sở GTVT TP. Cần Thơ) 10 năm tù; Võ Hoàng Anh (35 tuổi- nguyên đội trưởng đội TTGT quận Ninh Kiều) 15 năm tù; Nguyễn Trần Lưu (40 tuổi, nguyên phó đội trưởng TTGT huyện Phong Điền) 7 năm tù và Lý Hoàng Minh (32 tuổi, nguyên đội phó TTGT TP Cần Thơ) 9 năm tù cùng về tội “nhận hối lộ”.

Vụ phá rừng pơ mu: Bắt đại úy Lê Xuân Chính - đồn phó Biên phòng

Hiện trường vụ án phá rừng Quảng Nam đang được điều tra quân đội tiếp tục điều tra xử lý. Ảnh VNN

Ngày 13/7, đại tá Nguyễn Hữu Thắng, chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, xác nhận thông tin trên. Trong khi đó, công an tỉnh Quảng Nam cho biết Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố tất cả 20 bị can liên quan đến vụ phá rừng pơ mu, theo tin tức trên báo Tuổi trẻ. 

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Nam cũng đã kiểm tra và kết luận Đảng ủy Đồn biên phòng cửa khẩu Nam Giang đã buông lỏng vai trò lãnh đạo, từ đó để xảy ra vụ khai thác trái phép 60 cây gỗ pơmu, không kịp thời phát hiện việc vận chuyển, cất giấu hơn 750 phách gỗ pơmu ngay tại khu vực cửa khẩu và trạm kiểm soát biên phòng.

Vì vậy Ban thường vụ Tỉnh ủy ngày 4/11/2016 đã quyết định kỷ luật cảnh cáo chi bộ 3 (trạm kiểm soát cửa khẩu Nam Giang) và Đảng ủy Đồn biên phòng cửa khẩu Nam Giang. 

 

Sau gần 1 năm điều tra, Đại tá Nguyễn Viết Lợi, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, Công an tỉnh đã chuyển hồ sơ, tang vật và các đối tượng cho cơ quan điều tra hình sự quân đội thụ lý theo thẩm quyền, báo Vietnamnet đưa tin.

“Qua điều tra, Công an tỉnh Quảng Nam xác định vụ phá rừng có liên quan đến một số cán bộ của lực lượng Bộ đội Biên phòng. Theo quy định, các vụ việc liên quan đến quân đội phải do Cơ quan điều tra hình sự của lực lượng này điều tra nên công an Quảng Nam đã chuyển cho cơ quan điều tra quân đội”, Đại tá Lợi nói.

Nên đọc


Trân Châu (Tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo