Thị trường

3 tỷ USD xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc không còn quá xa

Đóng góp tới 2,8 tỷ USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu 3,8 tỷ USD của ngành rau quả trong năm qua, Trung Quốc là thị trường trọng yếu, cần một sự đầu tư tổng lực của các doanh nghiệp trong nước để có thể vừa gia tăng được cả lượng lẫn chất.

Thủ tướng ký quyết định sửa đổi mức hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại / Giá dầu tăng trước triển vọng thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung

Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 2,78 tỷ USD, chiếm trên 70% tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.
Năm 2018, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 2,78 tỷ USD, chiếm 70% tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.

Chinh phục thị trường tỷ USD

Những yêu cầu cao về tiêu chuẩn chất lượng đối với các sản phẩm rau quả nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc được áp dụng từ giữa năm 2018 và một số quy định mới từ đầu năm 2019 tiếp tục buộc các nhà xuất khẩu rau quả Việt Nam phải thích nghi để có được sự tăng trưởng xuất khẩu hiệu quả tại thị trường này.

Tính đến hết năm 2018, Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu trái cây, rau quả lớn nhất của Việt Nam. Thống kê của Bộ Công Thương, trong hơn 3,8 tỷ USD giá trị xuất khẩu của ngành rau quả của năm 2018, riêng thị trường Trung Quốc đạt gần 2,8 tỷ USD, chiếm 70% tỷ trọng xuất khẩu.

Còn năm 2017, hơn 2,6 tỷ USD hàng hóa rau quả đã được các doanh nghiệp Việt Nam xuất sang thị trường này

Thông tin về những quy định mới của thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành rau quả, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, hoạt động xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc đang ngày càng thắt chặt bởi các rào cản về truy xuất nguồn gốc xuất xứ, buộc các doanh nghiệp trong nước phải điều chỉnh chiến lược đầu tư, ổn định chuỗi sản xuất để tự tin xuất khẩu chính ngạch, giảm dần tiểu ngạch để bớt rủi ro.

 

Nhu cầu nhập khẩu rau quả, nhất là trái cây tươi tại Trung Quốc rất lớn, nhưng kèm theo đó là yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn hàng hóa nhập khẩu.

Đặc biệt, chính sách của Trung Quốc đã có nhiều thay đổi. Từ giữa năm 2018, trái cây, rau quả xuất khẩu sang thị trường này bắt buộc phải có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch động thực vật.

Các doanh nghiệp nhập khẩu của Trung Quốc sẽ tiến hành đăng ký mẫu tem nhãn truy xuất nguồn gốc tại cơ quan Hải quan Trung Quốc và dán tem nhãn này trên các sản phẩm/bao bì trái cây nhập khẩu.

Thông tin thêm về thị trường Trung Quốc, đại diện Bộ Công Thương cho hay, theo thông lệ quốc tế và tương tự như các thị trường nhập khẩu khác, Trung Quốc cũng có những quy định chi tiết về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch đối với hàng hóa nhập khẩu nói chung, nông sản và trái cây nói riêng.

Theo đó, các lô hàng nông sản, trái cây khi nhập khẩu vào Trung Quốc cũng cần có chứng thư kiểm nghiệm, kiểm dịch do cơ quan quản lý nước xuất khẩu cấp theo mẫu và theo thỏa thuận với phía Trung Quốc. Thông tin trên tem nhãn bao gồm thông tin về vườn trồng,cơ sở đóng gói…Danh sách vườn trồng, doanh nghiệp đóng gói phải được cơ quan quản lý nước xuất khẩu thông báo chính thức cho phía Trung Quốc.

 

Đây không phải là quy định mới mà là các quy định đã có từ trước, phù hợp với thông lệ quốc tế, trước đây thực hiện chưa nghiêm. Nhưng nay, trước nhu cầu của người tiêu dùng, các cơ quan chức năng của Trung Quốc đã lưu ý và thực hiện nghiêm túc hơn.

Đơn cử, với mặt hàng dưa hấu, từ tháng 5/2019, xuất khẩu dưa hấu nước ta sang thị trường Trung Quốc sẽ phải tuân thủ những quy định mới.

Hải quan Quảng Tây (địa phương Trung Quốc giáp các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng và Hà Giang) đã chính thức yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu trái cây trên địa bàn thay đổi vật liệu đệm, lót dưa hấu trong quá trình vận chuyển bằng các chất liệu không gây hại, không có sinh vật truyền nhiễm (như xốp lưới) từ tháng 5 năm 2019. Trong khi đó, dưa hấu Việt Nam vận chuyển khi xuất sang Trung Quốc thời gian qua chủ yếu sử dụng rơm làm vật liệu lót.

Có thâm niên xuất khẩu chuối đi nhiều thị trường khó tính như Nga, Hàn Quốc, Trung Đông từ vài năm nay, nhưng kể từ cuối năm 2018 và từ năm nay trở đi, Công ty TNHH Thuận Tâm Thành (Hưng Yên) sẽ gia tăng đơn hàng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Ông Phạm Năng Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thuận Tâm Thành cho hay, lâu nay, nhiều doanh nghiệp không đầu tư khi xuất khẩu sang thị trường “hàng xóm”, nhưng với Thuận Tâm Thành thì khác. Tiêu chuẩn xuất đi các thị trường Nhật, Hàn Quốc khó, nhưng Công ty vẫn đáp ứng được, thì với Trung Quốc, dù có khó hơn, Công ty tự tin sẽ triển khai được nhiều đơn hàng lớn. Đích ngắm của Công ty là xuất khẩu được lâu dài và giá tốt và phải đi chính ngạch chứ không làm tiểu ngạch.

 

Nâng chất hàng xuất khẩu

Nhiều năm nhập khẩu rau quả từ Việt Nam, ông Shi Xin Biao, Giám đốc Công ty Liaocheng Xinghao IM&Export Co.Ltd đã chỉ ra những điểm hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam.

“Năng lực thiết kế bao bì, nhãn mác cũng như chế định ra các tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm nông sản của phía Việt Nam còn hạn chế. Nguyên do, rất nhiều trái cây, rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch nên bao bì không được chú ý. Hoặc nhiều nhà vườn, cơ sở không sản xuất với mục đích xuất khẩu riêng sang Trung Quốc nên bao bì cũng không được thiết kế để dành riêng cho thị trường này".

Theo ông Shi Xin Biao, nhu cầu về mặt hàng trái cây, rau quả của Trung Quốc rất lớn, tuy nhiên chất lượng phải là yếu tố đầu tiên cần được các doanh nghiệp Việt Nam coi trọng khi muốn xuất khẩu bền vững các mặt hàng nông sản.

Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần cung cấp các sản phẩm ổn định, chất lượng tốt, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Có phương thức giao dịch thanh toán linh hoạt, thống nhất và an toàn.

 

Việt Nam hiện có 8 loại trái cây tươi được phép xuất khẩu vào Trung Quốc bao gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít và chôm chôm. Chính phủ Việt Nam đang đàm phán với Trung Quốc đưa thêm một số trái cây như: sầu riêng, bưởi, na, roi, dừa, chanh leo… trong thời gian tới.

Việc tổ chức sản xuất tốt, đầu tư nâng chất lượng hàng xuất khẩu đúng với yêu cầu của thị trường sẽ giúp tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc. Dự báo, trong năm 2019, xuất khẩu rau quả có thể chinh phục thị trường này với gá trị 3 tỷ USD, thậm chí có thể hơn.

Theo baodautu.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm