Thị trường

Ấn Độ - Đích đến tiềm năng cho trái thanh long

DNVN - Những ngày vừa qua, tại một số thời điểm, xuất khẩu nông sản Việt, trong đó có trái thanh long gặp nhiều thách thức, ảnh hưởng đến hoạt động và đời sống của doanh nghiệp và người nông dân. Trong khi đó, Ấn Độ là thị trường trọng điểm của khu vực Nam Á, nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành đích đến tiềm năng cho trái thanh long Việt Nam.

Không để thiếu hàng, sốt giá thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán / Kỷ cương, liêm chính và sự phục hồi kinh tế

Xuất khẩu còn dưới tiềm năng
Để góp phần giải quyết tiêu thụ thanh long Việt Nam đang gặp khó khăn và giúp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, ngày 19/1, Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam phối hợp Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang và các Cơ quan Xúc tiến Thương mại tại Ấn Độ tổ chức chương trình xúc tiến thanh long Việt Nam tại thị trường Ấn Độ.
Ông Bùi Trung Thướng - Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, Ấn Độ là thị trường gần 1,4 tỷ dân. Quốc gia này có tỷ lệ người ăn chay rất nhiều và thói quen ăn uống với trái cây là một phần quan trọng trong khẩu phần ăn hàng ngày họ.
Xuất khẩu hoa quả, hạt tươi của Ấn Độ năm tài chính 2020- 2021 (từ tháng 4/2020 đến tháng 3/2021) là 1,350 tỷ USD và nhập khẩu là 3,159 tỷ USD. Trong 7 tháng đầu năm tài chính 2021- 2022 (tháng 4 đến tháng 10/2021), Ấn Độ nhập khẩu 2,17 tỷ USD hoa quả tươi, tăng 26,71% so với cùng kỳ.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ liên tục tăng trong thời gian qua nhưng còn dưới tiềm năng và nhu cầu của quốc gia tỷ dân này.
Đánh giá về tiềm năng xuất khẩu thanh long sang thị trường Ấn Độ, ông Đỗ Quốc Hưng- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á- Châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết: Ấn Độ là thị trường trọng điểm của khu vực Nam Á, nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành đích đến tiềm năng cho trái thanh long Việt Nam.
Người Ấn Độ đánh giá khá tốt trái thanh long, vì có lợi cho sức khỏe, hương vị thơm, nhiều dinh dưỡng. Trong những năm qua, Bộ Công Thương cùng với Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ luôn chú trọng tạo thuận lợi cho việc đưa trái thanh long vào thị trường này, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với nhà nhập khẩu đối tác, xúc tiến quảng bá trái thanh long Việt Nam với người tiêu dùng Ấn Độ.
Theo số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ, thị phần xuất khẩu Thanh Long của Việt Nam tăng mạnh từ 27% trong năm tài chính 2014- 2015 lên 52% năm 2018- 2019, và chiếm gần 90% tổng lượng Thanh Long nhập khẩu của Ấn Độ trong 7 tháng gần đây.
Về giá trị, xuất khẩu Thanh Long từ Việt Nam sang Ấn Độ đã tăng từ 1 triệu USD năm 2014- 2015 lên 9,86 triệu USD vào năm 2019- 2020, và ước đạt 13 triệu USD trong năm 2021.
Theo ông Bùi Trung Thướng, mặc dù kim ngạch xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ liên tục tăng trong thời gian qua nhưng còn dưới tiềm năng và nhu cầu của Ấn Độ. So với Trung Quốc, xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ chỉ bằng khoảng 1% kim ngạch xuất khẩu.
Với nhiều tiềm năng nhưng hoạt động xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ vẫn còn chưa tận dụng hết cơ hội của thị trường lớn này. Khó khăn trong việc tiếp cận thị trường Ấn Độ phần nào đến từ khoảng cách địa lý, tiếp cận thông tin về quy định, chính sách xuất nhập khẩu cũng như phòng dịch của Ấn Độ còn hạn chế. Ấn Độ cũng là một thị trường thường đưa ra các chính sách mới, đột ngột, gây khó khăn cho doanh nghiệp nếu như không được phổ biến kịp thời.

Các đại biểu đã chia sẻ về tiềm năng cũng như khó khăn và đề xuất giải pháp thúc đẩy tiêu thụ thanh long tại thị trường Ấn Độ.
Chia sẻ về khó khăn trong hoạt động xuất khẩu thanh long, ông Biện Tấn Tài - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cho biết, trong thời gian qua, xuất khẩu thanh long của tỉnh gặp khó khăn trong tiêu thụ do bị đứt gãy chuỗi cung ứng bởi tình hình bùng phát dịch COVID-19 mạnh ở một số nước, trong đó có thị trường Ấn Độ.
Trong năm 2021, nhất là khoảng thời gian 6 tháng cuối năm khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh ở các tỉnh, thành phố phía Nam, hoạt động sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bị hạn chế, đặc biệt là sản phẩm thanh long. Kim ngạch xuất khẩu thanh long của tỉnh sang thị trường Ấn Độ năm 2021 đạt 328.130 USD (tương đương 277 tấn), giảm mạnh so với mức 499 tấn ghi nhận trong năm ngoái.
Ông Tài bày tỏ mong muốn thông qua sự kiện này, sẽ có thêm nhiều đối tác quan tâm và lựa chọn sản phẩm thanh long Việt Nam cũng như của tỉnh Bình Thuận, nhiều hợp đồng kết nối giao thương, tiêu thụ thanh long được ký kết.
Cần quan tâm đúng mức thị trường
Tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra một loạt kiến nghị và giải pháp nhằm thúc đẩy tiêu thụ thanh long tại thị trường Ấn Độ.
Theo đó, các đại biểu cho rằng các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp cần quan tâm đúng mức thị trường Ấn Độ đối với tiêu thụ thanh long Việt Nam. Từ đó có sự đầu tư thời gian, công sức và tài chính đối với công tác xúc tiến thương mại thanh Llong Việt Nam tại thị trường Ấn Độ, với các chương trình quảng bá lớn, đa dạng về hình thức, để trái thanh long đến được đông đảo người dân Ấn Độ.
Trên thực tế, trái Thanh Long chủ yếu xuất hiện ở các khách sạn, các buổi tiệc, không xuất hiện nhiều trong các nhà hàng và đặc biệt là tại các siêu thị, quầy bán hàng hoa quả, bán hàng rong. Nhiều người dân Ấn Độ không biết cách ăn, chế biến loại hoa quả này.
Cần đặt mục tiêu cụ thể đối với thị trường Ấn Độ. Tăng cường công tác phối hợp giữa giữa Đại sứ quán, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam trong việc trao đổi thông tin thị trường, mùa vụ, giá cả, doanh nghiệp, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.
Các hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu thanh long Việt Nam quan tâm hơn nữa đến thị trường Ấn Độ. Từ đó có sự nghiên cứu thị trường và tương tác nhiều hơn với các đối tác Ấn Độ, phát huy tinh thần chủ động, tự lực là chính và tham khảo sự hỗ trợ, tư vấn của cơ quan Thương vụ.
Ngoài ra, các hiệp hội, doanh nghiệp phát huy tinh thần đoàn kết, hợp tác, xây dựng mức giá hợp lý tại thị trường Ấn Độ, không cạnh tranh lẫn nhau về giá. Kinh doanh phải bảo đảm chữ tín và chất lượng sản phẩm. Ký kết hợp đồng bảo đảm chặt chẽ, nhất là điều khoản về chất lượng. Kiểm tra hàng và điều khoản thanh toán (tránh chấp nhận thanh toán trả sau) cũng là điều các doanh nghiệp cần lưu tâm.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm