Thị trường

Bộ Công Thương lấy ý kiến doanh nghiệp về rà soát, sửa đổi quy định kinh doanh xăng dầu

DNVN - Bộ Công Thương đề nghị các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu nghiên cứu, đề xuất nội dung cần sửa đổi, bổ sung với Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Khai trương gian hàng Việt Nam tại Hội chợ Thương mại Quốc tế Ấn Độ 2022 / Foodexpo 2022: Cuộc trình diễn lớn của ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam

Bộ Công Thương vừa có Công văn số 7254/BCT-TTTN gửi thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu về việc rà soát, sửa đổi các quy định kinh doanh xăng dầu.
Theo công văn, để kịp thời rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất nội dung cần sửa đổi, bổ sung đối với các văn bản nêu trên (trong đó nêu rõ lý do, phương án đề xuất sửa đổi) bảo đảm khoa học, hợp lý, hiệu quả, khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Bộ Công Thương nhận trách nhiệm về tình trạng thị trường xăng dầu xáo trộn thời gian qua.
Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp gửi văn bản tham gia ý kiến về Bộ Công Thương trước ngày 20/11/2022 để kịp thời tổng hợp, báo cáo Chính phủ trong tháng 11/2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thời gian qua, khi thị trường xăng dầu có nhiều xáo trộn, các doanh nghiệp bị thua lỗ, đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng như các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho rằng Bộ Công Thương không lấy ý kiến doanh nghiệp để sửa đổi những quy định bất cập, không hợp lý, gây khó cho hoạt động kinh doanh xăng dầu, khiến doanh nghiệp chịu nhiều thiệt hại.
Sáng 15/11, tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã họp liên tục, bước đầu có quyết định điều chỉnh chi phí thực của doanh nghiệp để đủ, đúng, kịp thời cho doanh nghiệp và dự kiến sẽ điều chỉnh vào kỳ điều hành ngày 21/11. Về tín dụng, dù khó khăn, nhưng Ngân hàng Nhà nước cũng đang vào cuộc quyết liệt.
"Dù 1 cửa hàng đóng cửa thì cũng là trách nhiệm của các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương. Chúng tôi nhận trách nhiệm và cho rằng đây là việc phải làm tốt hơn nữa. Chúng tôi sẽ cố gắng làm tốt những việc trong chức năng nhiệm vụ của mình. Những việc không thuộc chức năng, Bộ Công Thương sẽ phối hợp các Bộ, ngành báo cáo với Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có giải pháp xử lý", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm