Thị trường

Bỏ nhà lên núi nuôi dê, gây dựng thương hiệu dê núi Thổ Bình

Tận dụng địa hình đồi núi, người dân xã Thổ Bình đã đầu tư nuôi dê, bước đầu mang lại hiệu quả. Dê núi được xã xác định là sản phẩm chủ lực trong tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Bỏ lương cao, phu thê cùng về quê trồng rau “hoàng đế” / Chăn nuôi Việt Nam tìm cơ hội xuất khẩu

Bỏ nhà lên núi nuôi dê

Anh cán bộ phụ trách nông thôn mới của xã Thổ Bình Phạm Văn Thông dẫn chúng tôi tới thăm khu nuôi dê nằm cheo leo trên đỉnh núi của ông Ma Đức Tính, thôn Nà Vài. Mất gần 2 tiếng đồng hồ đi bộ, vượt qua nhiều khe suối, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được lão nông được coi là điển hình về sự vươn lên thoát nghèo từ nuôi dê.

Nhấp chén chè xanh sánh đặc, ông kể: Gia cảnh trước đây nghèo lắm, nhà có 4 nhân khẩu nhưng lúc nào cái đói cũng kề cận. Chăn nuôi đủ thứ rồi, từ gà, lợn nhưng hiệu quả mang lại không đáng kể, những tưởng khó thoát cảnh nghèo. Thế rồi những nỗ lực tìm hướng thoát nghèo cũng được đền đáp. Một lần, ông có người bạn từ Ninh Bình lên chơi, nhận thấy vùng đất Thổ Bình đa số là núi đất, cây cỏ tốt tươi đã tư vấn cho ông nuôi dê theo hình thức chăn thả. Năm 2016, ông được Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện cho vay 10 triệu đồng mua 7 con dê về nuôi.

Sau 1 năm đàn dê đã tăng lên 20 con, ông trả hết nợ, gia đình có những đồng vốn tiết kiệm đầu tiên. “Chăn nuôi dê trên núi không khó, quan trọng là phải tìm được hang đá cho dê ở. Bản tính giống dê ưa sạch nên hang đá càng cao, càng tách biệt dê càng thích” - Ông trầm ngâm chia sẻ về cách nuôi dê của mình. Mỗi năm, một con dê cái đẻ 2 lứa, mỗi lứa 2 con, bước đầu đàn dê của gia đình cho thu lãi 20 triệu đồng, đó là số tiền lần đầu tiên một người nghèo như ông chạm tới. Tới đây, ông tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi, chắc chắn cuộc sống của gia đình ông sẽ khá giả. Ông tin thế.

Anh Ma Công Tuấn, thôn Bản Phú cũng là hộ đi đầu trong phong trào nuôi dê ở Thổ Bình với gần 40 con. Anh hồ hởi chỉ tay về phía dãy núi cao trước nhà và nói, toàn bộ dê của gia đình đều nuôi trên đó. Khu vực nuôi dê của anh Tuấn là một ngọn núi đá thấp, có nhiều mỏm đá hàm ếch cho dê ở, gần nguồn nước nên rất thuận lợi, đàn dê cứ béo mũm. Ở đây không có chuồng dê, những mỏm đá là chỗ cho dê trú ngụ, anh đầu tư mua lưới quây xung quanh khu vực nuôi dê để chúng không bị lạc đàn. Anh cho biết: “Nghề nuôi dê đã theo gia đình gần 4 năm nay. Ngày trước cuộc sống thiếu thốn đủ bề, nguồn thu nhập thì hạn hẹp, làm mọi thứ cũng chỉ đủ ăn. Nuôi dê đã cho cuộc sống gia đình khấm khá hơn”. Tính trung bình, mỗi con dê 1 năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa được 2 con; với giá bán dê thịt hiện nay 100.000 đồng/kg, mỗi tháng gia đình anh thu được 8 triệu đồng.

bo nha len nui nuoi de, gay dung thuong hieu de nui tho binh hinh anh 1

Anh Ma Đức Tính, thôn Nà Vài, xã Thổ Bình (Lâm Bình) bên đàn dê của gia đình.

Gây dựng thương hiệu dê núi Thổ Bình

Sau gần 5 năm đưa đàn dê vào nuôi trên đất Thổ Bình đã khẳng định chủ trương đúng đắn của chính quyền xã, huyện. Ông Vi Văn Sự, Chủ tịch UBND xã Thổ Bình nhấn mạnh: Phát triển chăn nuôi dê trên các sườn núi đã mang lại hiệu quả, trở thành vật nuôi đặc sản giúp người dân thoát nghèo. Huyện đã có chính sách hỗ trợ các hộ chăn nuôi dê đã tạo phong trào nuôi dê phát triển khá mạnh. Mới đây, xã đã vận động được 26 hộ tham gia, cung cấp được 208 con dê giống cho các hộ chăn nuôi với tổng số tiền là 357 triệu đồng. Đến thời điểm hiện tại, toàn xã Thổ Bình có gần 500 con dê, tập trung nhiều ở các thôn Nà Vài, Vằng Áng, Bản Phú, Bản Pước, Lũng Pi Át... Hiện nay, thị trường tiêu thụ dê Thổ Bình chủ yếu là ở Hải Phòng, Bắc Ninh, Ninh Bình.

Là gia đình có truyền thống nuôi dê lâu nhất trong xã, ông Ma Đức Thạch, thôn Nà Vài cho biết, dê của xã hiện được các thương lái Ninh Bình rất ưa chuộng, bởi chất lượng thịt thơm ngon, dê lại nuôi hoàn toàn bằng lá cây rừng nên không riêng gia đình ông và nhiều hộ dân trong xã luôn rơi vào cảnh nguồn cung không đủ cầu. Gia đình hiện có 35 con dê nhưng đã được đặt hàng từ đầu năm, chỉ đợi đạt trọng lượng là xuất bán.

Tuy nhiên, chăn nuôi dê ở Thổ Bình hiện có nhiều điều trăn trở không chỉ của lãnh đạo xã mà với cả lãnh đạo huyện. Ông Vi Thế Truyền, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chia sẻ: Đến thời điểm này, Thổ Bình đang là xã dẫn đầu toàn huyện về nuôi dê. Nhưng hiện nay, đàn dê núi Thổ Bình chưa có thương hiệu trên thị trường, đa số dê được bán về Ninh Bình và Hải Phòng, thương lái họ mua về khai thác dưới mác dê núi Ninh Bình trong các chuỗi nhà hàng, quán ăn, khách sạn. Đây là điều trăn trở lớn trong hành trình đưa sản phẩm dê Thổ Bình có thương hiệu.

Nhận thức được vấn đề này, mới đây, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Bình đã đề xuất về việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm dê núi Thổ Bình, trong đó sẽ có tem truy xuất nguồn gốc, đồng thời phát triển chăn nuôi dê theo hướng liên xã liên kết chuỗi giá trị sản phẩm. Đặc biệt, cuối năm 2018, bằng nguồn vốn hỗ trợ nông thôn mới, huyện Lâm Bình sẽ xây dựng mô hình nuôi dê theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời xây dựng thêm lò mổ tập trung, dê sẽ được nuôi theo quy trình, giết mổ đóng gói và bán tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm trên toàn quốc.

 

Các hộ nuôi dê ở Thổ Bình bảo rằng, nuôi dê không khó, hàng tuần chỉ 2 lần cho dê ăn muối để dê nhớ đường tìm về nơi ở, dê uống ít nước, chỉ cần có khe nước nhỏ là đảm bảo cho dê sống tốt. Những căn bệnh phức tạp nhất như lở mồm long móng ở dê đều có thể trị khỏi bằng khế chua, hay những loại lá rừng và ít khi thành dịch. Hiện nay, những hộ nuôi dê trên địa bàn xã mong muốn chính quyền xã hướng dẫn, giúp đỡ thành lập tổ hợp tác, quy hoạch vùng trồng cây làm nguồn thức ăn cho dê. Khi tổ hợp tác được thành lập sẽ giúp các hộ trao đổi kinh nghiệm, con giống, tránh tình trạng đàn dê bị đồng huyết như hiện nay, làm cho dê chậm lớn, giảm trọng lượng và chất lượng sản phẩm.

Theo Báo Tuyên Quang
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm