Chính sách

Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ phát triển dưới mức trung bình cả nước

DNVN - Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ vẫn phát triển dưới mức trung bình cả nước. Một số lợi thế về địa kinh tế và kinh tế biển chưa được khai thác và phát huy hiệu quả.

Huy động 690.000 tỷ đồng cho Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ xây dựng NTM / Phát triển kinh tế vùng Bắc Trung Bộ: Điểm nghẽn và vai trò doanh nghiệp

Nhằm hoàn thiện Báo cáo Tổng kết cũng như những đề xuất về chủ trương, chính sách mới về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn 2045, ngày 12/9, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW và Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo “Phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Phát biểu tại hội thảo, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ (Vùng) là 1 trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, gồm có 14 tỉnh, thành phố từ tỉnh Thanh Hóa đến tỉnh Bình Thuận.

Hội thảo “Phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Sau hơn 18 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh của Vùng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

“Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ vẫn phát triển dưới mức trung bình cả nước; một số lợi thế về địa kinh tế và kinh tế biển chưa được khai thác và phát huy hiệu quả”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nói.

Mặc dù chiếm trên chiếm 28% diện tích tự nhiên và chiếm 20,8% dân số cả nước nhưng quy mô kinh tế của Vùng có tỷ trọng nhỏ, chiếm 14,53% GDP cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP/người) của vùng thấp, chỉ gần bằng 0,7 lần bình quân của cả nước.

Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào đầu tư từ ngân sách nhà nước và vốn FDI. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Vùng còn chậm, chưa có sự đột phá; quy mô công nghiệp của Vùng còn nhỏ và có tốc độ tăng trưởng công nghiệp thấp.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội thảo.

Tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn còn khá lớn, sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún; phát triển du lịch chủ yếu theo chiều rộng, thiếu sản phẩm du lịch có chất lượng cao.

Cùng với đó, việc thu ngân sách chưa bền vững, phần lớn các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách. Nguồn vốn đầu tư mới chỉ đáp ứng một phần yêu cầu phát triển; hạ tầng kinh tế, xã hội còn thiếu, yếu, chưa liên thông; đầu tư phát triển các khu kinh tế ven biển còn hạn chế.

Các trung tâm logistics, cảng cạn phát triển chậm, hiệu quả hoạt động của các cụm công nghiệp chưa cao. Một số dự án lớn, dở dang chậm được xử lý.

Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa, chất lượng đô thị thấp và thiếu liên kết. Môi trường đầu tư kinh doanh một số địa phương cải thiện chậm, doanh nghiệp chủ yếu quy mô nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp.

Các đô thị trung tâm Vùng chưa phát huy được vai trò đầu tàu, động lực lan tỏa. Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa là hạt nhân tăng trưởng dẫn dắt kinh tế Vùng.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm