Chính sách

Chặn đường sống của hàng giả trên sàn thương mại điện tử

DNVN - Người tiêu dùng khi giao dịch mua sắm hàng hóa, sản phẩm được giới thiệu trên website thương mại điện tử sẽ được cung cấp các thông tin chi tiết về hàng hóa, sản phẩm, giúp hạn chế tình trạng mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ do người bán đăng tải.

Thương hiệu Việt “lép vế” trên sàn thương mại điện tử / Cần Thơ: Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử

Ngày 25/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về hoạt động thương mại điện tử. Bên cạnh nhiều quy định mới về quản lý hoạt động thương mại điện tử nói chung, Nghị định đã bổ sung một số quy định mới nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua bán hàng hóa, dịch vụ thông qua thương mại điện tử.
Theo Phòng Bảo vệ người tiêu dùng (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương), một trong những điểm đáng chú ý của Nghị định 85/2021/NĐ-CP là tăng cường quyền lợi người tiêu dùng khi mua bán hàng hóa, dịch vụ thông qua thương mại điện tử.
Cụ thể, về chủ thể của hoạt động thương mại điện tử, theo Nghị định, thương nhân cung cấp dịch vụ logistics nói chung và vận chuyển hàng hóa giao dịch qua sàn thương mại điện tử nói riêng chính thức được công nhận là chủ thể của hoạt động thương mại điện tử. Cùng đó, trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ logistics trong quá trình giao dịch qua sàn thương mại điện tử cũng được đề cập đến tại khoản 14 Điều 1 Nghị định số 85/2021/NĐ-CP.

Nghị định 85/2021/NĐ-CP về thương mại điện tử đã tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Về trách nhiệm cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ của người bán, theo quy định mới, người tiêu dùng khi tiến hành các giao dịch mua sắm hàng hóa, sản phẩm được giới thiệu trên website thương mại điện tử sẽ được cung cấp các thông tin chi tiết về hàng hóa, sản phẩm, giúp hạn chế tình trạng mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ do người bán đăng tải.
Đối với việc xác định trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin tới người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử, tổ chức và cá nhân cung cấp dịch vụ thương mại điện tử sẽ phải chịu trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Về quy định liên quan đến thông tin về điều kiện giao dịch chung, từ ngày 1/1/2022, chính sách kiểm hàng sẽ được coi là một trong những điều kiện giao dịch chung bắt buộc mà thương nhân, tổ chức, cá nhân phải công bố trên website thương mại điện tử. Quy định này sẽ khiến các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ thương mại điện tử phải gia cố thêm tính năng để đảm bảo người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận, xem xét và đưa ra quan điểm cá nhân trước khi tiến hành các bước tiếp theo trong giao dịch mua sắm trực tuyến.
Liên quan đến trách nhiệm giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng, quy định mới sẽ ràng buộc trách nhiệm lớn hơn của các sàn thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến trong công tác giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng. Với quy định mới này, người tiêu dùng sẽ “an tâm” hơn khi tiến hành giao dịch các giao dịch trên sàn thương mại điện tử có nhiều hơn 2 bên tham gia hay khi các giao dịch đó là với người bán nước ngoài.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm