Chính sách

Đến năm 2023: Phấn đấu thu hút 8-9 triệu khách du lịch quốc tế, phát triển du lịch thông minh

DNVN - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định phê duyệt “Chương trình phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2022 - 2026”, với mục tiêu năm 2023 phục hồi được khoảng 8 - 9 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, phát triển du lịch thông minh.

Thị trường du lịch Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trong giai đoạn "hậu" COVID-19 / Đà Nẵng đón 100 khách du lịch kết hợp hội nghị đầu tiên theo chính sách MICE 2022

Phát triển nhanh, bền vững du lịch thích ứng

Dự thảo Quyết định phê duyệt “Chương trình phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2022 - 2026” nhấn mạnh mục tiêu tổng quát là cụ thể hoá các chủ trương, đường lối, quan điểm chỉ đạo, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thực thi hiệu quả Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 (Chiến lược).

Tập trung phục hồi và phát triển nhanh, bền vững du lịch thích ứng với bối cảnh dịch bệnh COVID-19 có thể kéo dài.

Đồng thời, xác định các nhiệm vụ trọng tâm phát triển du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Ngành du lịch phấn đấu đến năm 2023 phục hồi 8-9 triệu khách quốc tế.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định rõ trong giai đoạn 2022 – 2023, ngành du lịch phấn đấu đến năm 2023 phục hồi được khoảng 8 - 9 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (bằng 45 - 50% so với năm 2019).

Phấn đấu đạt 65 - 70 triệu lượt khách du lịch nội địa (bằng 75 - 80% so với năm 2019) và tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 400 - 450 nghìn tỷ đồng (bằng 50 - 55% so với năm 2019).

Trong giai đoạn tiếp theo (2024 – 2026), ngành du lịch phấn đấu đến năm 2025 đạt khoảng 15 - 16 triệu lượt khách du lịch quốc tế (bằng 40 - 45% so với chỉ tiêu Chiến lược đề ra).

Cùng với đó là phấn đấu đạt khoảng 75 - 80 triệu lượt khách du lịch nội địa (bằng 60 - 65% so với chỉ tiêu Chiến lược). Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 680 - 780 nghìn tỷ đồng (bằng 40 - 45% so với chỉ tiêu Chiến lược).

Đến năm 2026, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 18 triệu lượt (tăng 20% so với năm 2025), khách du lịch nội địa đạt khoảng 85 triệu lượt (tăng 13,3%), tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 800 - 900 nghìn tỷ đồng (tăng 15,5 - 17,5% so với so với năm 2025).

Hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển du lịch thông minh

Nội dung “Chương trình phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2022 - 2026” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia làm 2 giai đoạn.

"Chương trình phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2022 - 2026" sẽ hỗ trợ, thúc đẩy du lịch thông minh.

Giai đoạn 1 (2022 – 2023): Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, cộng đồng tham gia kinh doanh du lịch đẩy nhanh phục hồi hoạt động kinh doanh. Phát triển sản phẩm du lịch mới bảo đảm an toàn đối với dịch bệnh, phù hợp với nhu cầu, xu hướng thị trường trong và sau đại dịch.

Tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch tại các thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế, phù hợp với xu hướng mới của thị trường để nhanh chóng phục hồi lượng khách du lịch quốc tế và nội địa.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ thực hiện chuyển đổi số trong ngành du lịch. Bảo đảm an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch. Triển khai áp dụng “hộ chiếu vaccine”, thí điểm đón khách quốc tế tại một số địa phương. Hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch.

Giai đoạn 2 (2024 – 2026): Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ưu tiên huy động mọi nguồn lực để thúc đẩy phát triển du lịch nhanh và bền vững trong điều kiện “bình thường mới”, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu trong Chiến lược.

Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao; phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt của mỗi địa phương, mỗi vùng, phù hợp với lợi thế tài nguyên du lịch.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ ưu tiên đầu tư về hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật tại các khu du lịch quốc gia thuộc các khu vực động lực phát triển du lịch; tiếp tục thu hút đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ du lịch để hình thành các cụm du lịch đồng bộ, chất lượng, có quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế.

Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, tăng cường liên kết phát triển du lịch và quảng bá du lịch trên các phương tiện truyền thông mới, đặc biệt là trên các nền tảng công nghệ số.

Xây dựng và triển khai các đề án, dự án phát triển du lịch thông minh, mô hình quản lý điểm đến du lịch thông minh.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm