Chính sách

Dự báo 4 ngành có triển vọng "sáng" trong năm 2022

DNVN - Theo ông Nguyễn Quang Thuân - Tổng Giám đốc FiinGroup, ngân hàng, logistics, dịch vụ ăn uống và lưu trú là những ngành có triển vọng "sáng" trong năm 2022.

Du khách quốc tế đến Việt Nam mới đạt 50% mục tiêu / Ngành nông nghiệp phải hòa nhịp vào ngành công nghiệp 4.0

Hồi phục nhưng tăng trưởng thấp
Tại diễn đàn dự báo kinh tế Việt Nam 2022 - 2023 do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức ngày 12/5 tại Hà Nội, ông Nguyễn Quang Thuân - Tổng Giám đốc FiinGroup, đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ phân tích dữ liệu tài chính, phân tích ngành và dịch vụ xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam cho biết, với phương pháp tiếp cận chủ yếu dựa trên dữ liệu về bức tranh tăng trưởng các ngành của Việt Nam, FiinGroup đánh giá về triển vọng một số ngành quan tâm gồm ngân hàng, bất động sản nhà ở, hàng không, ăn uống và lưu trú, logistics.
Dữ liệu nghiên cứu của FiinGroup cho thấy, mặc dù hồi phục nhưng hầu hết các ngành vẫn có tăng trưởng thấp hơn giai đoạn trước COVID-19, ngoại trừ ngành tài chính (bao gồm ngân hàng vào bảo hiểm), nông nghiệp và khai khoáng.
Một số ngành có sự hồi phục tốt đạt gần tiệm cận với tốc độ trước dịch gồm vận tải, kho bãi và lâm nghiệp. Hầu hết các ngành còn lại chưa về mức độ tăng trưởng trước khi diễn ra COVID-19.
Ngoại trừ bất động sản, một số ngành chủ chốt đang trên đà phục hồi tốt. Cụ thể, doanh thu ngành bất động sản trong quý I/2022 giảm mạnh do tiến độ bàn giao dự án chậm, ảnh hưởng của giãn cách xã hội từ quý III/2021. Một số ngành hồi phục mạnh sau COVID-19 như bán lẻ, hàng cá nhân, dược phẩm... do cầu nội địa hồi phục tốt.
Ngành ít bị ảnh hưởng bởi COVID-19, có tính phòng thủ bao gồm CNTT, nước... duy trì tăng trưởng tốt. Riêng ngành thực phẩm đi ngang do nhu cầu tích trữ thực phẩm không còn cao như trong cùng kỳ có dịch. Ngành hàng không hồi phục nhưng còn xa mới về mức "bình thường".
Những ngành có triển vọng "sáng"
Ông Thuân chia sẻ, theo kết quả phân tích của FiinGroup, ngành ngân hàng hàng được dự báo vẫn tăng trưởng tốt trong năm 2022. Nhờ cả tăng trưởng tín dụng, thu nhập phí dịch vụ bất chấp ảnh hưởng từ nợ tái cấu trúc từ COVID-19 và một số vấn đề gần đây bao gồm tín dụng trái phiếu và BOT.
Ngành ngân hàng được dự báo có tăng trưởng 30% về lợi nhuận sau thuế trong năm 2022. Trong đó, tín dụng dự kiến tăng trưởng 14% trong năm nay. Tỷ lệ thu nhập lãi thuần tiếp tục duy trì nhờ giảm quy mô gói hỗ trợ lãi suất cho DN mặc dù mặt bằng lãi suất/chi phí vốn huy động đang có xu hướng tăng. Thu nhập từ phí dịch vụ tiếp tục tăng do kinh tế phục hồi cũng như dịch vụ thanh toán tiếp tục đà tăng trưởng. Nhiều ngân hàng đã có cơ hội hoàn nhập dự phòng từ nợ xấu do ảnh hưởng bởi COVID-19 đã trích lập trước đó.

Theo ông Nguyễn Quang Thuân - Tổng Giám đốc FiinGroup, mặc dù hồi phục nhưng hầu hết các ngành vẫn có tăng trưởng thấp hơn giai đoạn trước COVID-19.
Tuy vậy, ngành này vẫn chịu áp lực từ nợ xấu tiềm ẩn gia tăng và chất lượng tín dụng của ngành bất động sản dân cư.
Logistics là "điểm sáng" và sẽ còn triển vọng tăng trưởng cao trong những năm tới. Sản lượng hàng hóa thông quan qua các cảng biển Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng từ 12 - 15% trong vòng 2 - 3 năm tới do sự phục hồi của hoạt động sản xuất trong nước và hoạt động xuất nhập khẩu, được hỗ trợ bởi 15 hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã tham gia trong thời gian vừa qua.
Dịch vụ kho bãi, đặc biệt là chuỗi cung ứng lạnh dự kiến tiếp tục được hưởng lợi từ sự phục hồi của hoạt động bán lẻ và xuất nhập khẩu. Kho lạnh và chuỗi cung ứng lạnh được kỳ vọng tăng trưởng 2 con số trong 5 năm tới.
Ngành dịch vụ ăn uống và lưu trú đang hồi phục mạnh mẽ nhờ cầu nội địa. Ngành này được kỳ vọng sẽ trở lại "bình thường" mới nhờ sự phục hồi của ngành du lịch, tăng trưởng lượng khách du lịch quốc tế. Trong khi đó, ngành hàng không đang hồi phục nhưng còn rất chậm.
Bức tranh ngân hàng có thể thay đổi do bất động sản khó khăn
Theo đánh giá của ông Thuân, dư địa cho hồi phục và tăng trưởng kinh tế cao tiếp tục vẫn còn lớn. Các nhóm ngành đang hồi phục nhưng hầu hết chưa về mức độ tăng trưởng trước khi COVID-19 diễn ra.
Một số ngành vẫn cần được “kích hoạt” cho hồi phục mạnh hơn nữa. Triển vọng tăng trưởng 2022 của hầu hết các ngành chính được dự báo tích cực. Tuy nhiên, một số ngành có sự hồi phục rất chậm như hàng không và du lịch quốc tế, xây dựng & vật liệu. Yếu tố này sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cao hơn nhất là trong bối cảnh môi trường lãi suất đã “tạo đáy” và lạm phát có thể gia tăng vượt kỳ vọng.
Ngành bất động sản nhà ở và bất động sản dân cư đang gặp những thách thức lớn trong ngắn hạn. Với tiềm năng lớn và triển vọng dài hạn tốt nhưng những tác động từ chính sách và vốn tín dụng trong ngắn hạn là yếu tố rủi ro quan trọng nhất cần theo dõi. Khó khăn của ngành bất động sản sẽ có tác động đến một số ngành liên quan bao gồm xây dựng & vật liệu xây dựng và đặc biệt là ngành ngân hàng.
Rủi ro chính của ngành ngân hàng phụ thuộc vào bất động sản. Ngành ngân hàng tài chính vẫn phát triển tốt qua tâm dịch COVID-19 nhưng những khó khăn của ngành bất động sản hiện đang đối mặt có thể làm thay đổi bức tranh của ngành ngân hàng trong 2-3 năm tới đây.
Do đó, những thay đổi về chính sách cần tính đến những tác động tới hai ngành trụ cột của nền kinh tế là bất động sản và ngân hàng, cũng như những tác động mang tính dây chuyền tới thị trường tài chính nói chung và các ngành liên quan của Việt Nam. Việt Nam hiện có sự liên thông rất lớn giữa thị trường tiền tệ, thị trường trái phiếu, tín dụng ngân hàng và thị trường chứng khoán, cổ phiếu.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm