Chính sách

Nới khung thuế môi trường xăng lên 8.000 đồng/lít: Tạm dừng ít nhất hết năm 2019

Đề xuất sửa luật, nới khung thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng trong đó có xăng dầu sẽ chưa được bàn trong chương trình họp của Quốc hội năm 2019 như mong muốn trước đó của Bộ Tài chính.

Thành lập Tổng cục Quản lý thị trường / Tháo gỡ vướng mắc về chính sách thúc đẩy phát triển điện mặt trời

Đề xuất tăng khung thuế lên 3.000 - 8.000 đồng/lít này sau đó đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ.
Đề xuất tăng khung thuế lên 3.000 - 8.000 đồng/lít này sau đó đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ.

Một nguồn tin của Dân trí cho biết, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa có chỉ đạo các đơn vị báo cáo Bộ về việc xin rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Được biết, chỉ đạo này được đưa ra trên cơ sở ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội tại Phiên họp ngày 18/7 trước đó. Báo cáo sau khi được Bộ Tài chính hoàn thiện sẽ gửi lên Bộ Tư pháp để tổng hợp vào đề nghị của Chính phủ về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 1/3/2019.

Như vậy, có thể thấy đề xuất sửa luật, nới khung thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng trong đó có xăng dầu sẽ chưa được bàn trong năm 2019 như mong muốn trước đó của Bộ Tài chính.

Đề xuất này được đưa ra lần đầu vào năm 2017, theo đó, tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính nhiều lần bảo lưu đề xuất nâng khung thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng lên 3.000 - 8.000 đồng/lít. Hiện khung thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng đang là 1.000 - 4.000 đồng/lít.

Theo lý giải trước đó của Bộ Tài chính, việc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là để ứng phó kịp thời với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới; đồng thời, phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng khẳng định, trong bối cảnh hội nhập phải cắt giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình đã cam kết, việc tăng khung thuế để đảm bảo lợi ích quốc gia trong trường hợp giá dầu thế giới có biến động lớn; tránh chênh lệch nhiều về giá bán xăng dầu của Việt Nam với các nước có chung đường biên giới. Đồng thời, nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường và khuyến khích sản xuất, sử dụng hàng hóa thân thiện với môi trường.

Đề xuất tăng khung thuế lên 3.000 - 8.000 đồng/lít này sau đó đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ phía giới chuyên gia và người tiêu dùng.

Ngay cả cơ quan ủng hộ việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu là Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cũng cho rằng, biểu khung thuế dự kiến trong tờ trình (mức trần 8.0000 đồng/lít) là quá cao. VINPA đề nghị mức thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng nâng từ 3.000 đồng/lít lên tối đa 5.000 đồng/lít; dầu diesel nâng từ 1.500 đồng/lít lên tối đa 3.000 đồng/lít; nhiên liệu bay từ 3.000 đồng/lít lên 5.000 đồng/lít và dầu madut từ 900 đồng/kg lên tối đa 3.000 đồng/kg.

Tại thời điểm đó, ông Nguyễn Tiến Thoả - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng: "Theo tôi với những sản phẩm đầu vào thì phải có tư tưởng bao đồng hơn, không thể chỉ tính vòng 1 chặn luôn mà phải tính làm sao thu bền vững. Nghĩa là, đầu vào thì “ăn" ít thôi để vòng 2 sản xuất phát triển. Khi thuế giảm sẽ giúp thị trường tăng cung, sản xuất nhiều hơn, giá thành những sản phẩm thụ hưởng từ xăng dầu sẽ rẻ hơn, giải quyết công ăn việc làm bền vững. Như vậy, tới vòng 3 ta mới thu bền vững”, ông Thoả nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân Công ty chứng khoán SSI cũng cho rằng, tăng thuế bảo vệ môi trường không chỉ đi ngược với các giải pháp kích cầu mà còn tạo ra sự bất bình đẳng cho nhóm thu nhập trung bình thấp và làm giảm sức tiêu thụ hàng nội địa.

"Tăng trưởng bán lẻ giảm cho thấy sức tiêu dùng giảm, thu nhập và chất lượng cuộc sống người dân chậm cải thiện. Nếu tăng thuế, chất lượng cuộc sống của người dân nói chung còn giảm hơn nữa. Người tiêu dùng đã phải đóng 2 khoản thuế lớn là thuế VAT và thuế thu nhập cá nhân, cả 2 khoản thuế này đều đã tăng mạnh. Thay vì giảm thuế để giúp cải thiện cuộc sống, đặt thêm gánh nặng thuế bảo vệ môi trường là điều không hợp lý", ông Linh lý giải.

Theo Báo Dân trí
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm