Chính sách

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn sẽ tăng gánh nặng cho doanh nghiệp?

DNVN - Tại Hội thảo “Ngành đồ uống Việt Nam phục hồi và phát triển trong điều kiện bình thường mới”, sáng 6/5, Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA) nhấn mạnh: Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với đồ uống có cồn sẽ tăng gánh nặng cho doanh nghiệp.

Coca-Cola chính thức bán đồ uống có cồn / Sử dụng đồ uống có cồn làm tăng nguy cơ ung thư

Trầm trọng thêm những khó khăn ngành đồ uống

Theo VBA, sau một thời gian dài do tác động của các biện pháp giãn cách xã hội từ đại dịch COVID - 19 và chịu thêm tác động từ các chính sách quản lý chuyên ngành, đặc thù bao gồm Luật số 44/2019/QH14 về Phòng, chống tác hại của rượu, bia với các hạn chế toàn diện về quảng cáo, khuyến mại, sản xuất, kinh doanh, và Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề.

“Thị trường tiêu thụ giảm 20%-30%, doanh thu toàn ngành đồ uống giảm tới 16% so với năm 2019. Gần đây, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã và đang gây khủng hoảng trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã làm trầm trọng hơn nữa những khó khăn của ngành đồ uống khiến giá nhiên liệu tăng mạnh”, VBA cho biết.

Hội thảo“Ngành đồ uống Việt Nam phục hồi và phát triển trong điều kiện bình thường mới”. (Ảnh: Hà Anh).

VBA cho rằng, giá nguyên liệu tăng phi mã điển hình như nguyên liệu chính để sản xuất bia là đại mạch đã tăng tới 40-50%, các nguyên liệu khác như hoa Houblon, vỏ lon, vỏ hộp, phụ liệu hóa chất… tăng trung bình từ 15%-35% và đà tăng chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

Ngoài ra, hiện nay trên thị trường có khoảng trên 70% rượu do dân tự nấu, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, những doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp, đặc biệt là gây thất thu ngân sách Nhà nước.

Đề xuất tăng thuế VAT với đồ uống có cồn cần được cân nhắc kỹ lưỡng

Tại hội thảo, VBA bày tỏ quan ngại: Hiện nay có kiến nghị đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với một số sản phẩm như đồ uống có cồn, thuốc lá và cho rằng đây là thời điểm phù hợp và chín muồi để thực hiện, vừa đảm bảo sức khỏe người dân, vừa tăng thu ngân sách và giảm các thiệt hại khác, hệ lụy về mặt xã hội.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, những đề xuất làm tăng gánh nặng cho doanh nghiệp trong vài ba năm tới như đề xuất tăng thuế TTĐB đối với một số mặt hàng trong đó có đồ uống có cồn cần cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện tác động kinh tế-xã hội, xem xét tính phù hợp, công bằng và hiệu quả cũng như lưu tâm tất cả các hệ lụy ngoài mong muốn, các đối tượng dễ bị tổn thương như công nhân, nông dân... trước khi đưa ra quyết định. Ngoài ra, thời điểm thực hiện cũng vô cùng quan trọng để doanh nghiệp có thời gian phục hồi sau đại dịch.

Đề xuất tăng thuế TTĐB với đồ uống có cồn sẽ tăng gánh nặng cho doanh nghiệp.

VBA kiến nghị Chính phủ quan tâm, xem xét những chính sách tài chính phù hợp để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ngành đồ uống có thể phục hồi sau một thời gian dài ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

“Trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tích cực tham gia vào các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, những thay đổi về chính sách thuế có thể cản trở những nỗ lực này và gây ra những tác động không mong muốn đối với sự phát triển của Việt Nam. Vì vậy, cần cân nhắc kỹ lưỡng những chính sách làm tăng gánh nặng cho doanh nghiệp, ít nhất trong vài ba năm tới”, VBA nhấn mạnh.

Theo VBA, doanh nghiệp cần chính sách thuế ổn định, có thể dự đoán trước để phát triển. Gánh nặng thuế, phí cũng sẽ làm giảm sức hấp dẫn và tính cạnh tranh của môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Trước khi đề xuất các chính sách mới, đặc biệt là chính sách thuế làm tăng gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, Chính phủ cần có những đánh giá toàn diện trong việc đáp ứng các mục tiêu đề ra, tác động của chính sách hiện hành để làm cơ sở cho những đề xuất mới.

Đồng thời, tham vấn rộng rãi cộng đồng, đặc biệt là doanh nghiệp chịu tác động, để đảm bảo các chính sách mới có cơ sở, khoa học, tính khả thi, phù hợp với quốc tế, có lộ trình phù hợp.

VBA mong muốn Quốc hội, Chính phủ quan tâm và xem xét hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngành phát triển ổn định và bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước, phục vụ xuất khẩu, đẩy lùi hàng lậu, hàng nhái, hàng giả, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động và đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm