Chứng khoán

Cổ phiếu POW nguy cơ bị loại khỏi rổ VN30

DNVN - Vị thế vốn hóa của cổ phiếu POW trên sàn HOSE đã tụt hạng đáng kể trong hơn 1 năm trở lại đây khiến cổ phiếu có nguy cơ bị loại ra khỏi danh mục chỉ số VN30 trong các kỳ rà soát.

Bamboo Capital (BCG) trả cổ tức 8% bằng tiền mặt vào tháng 7 / Thị trường chứng khoán 26/05: VN-Index phá đỉnh liên tiếp, khối ngoại quay trở lại mua ròng

Theo dữ liệu cập nhật đến hết phiên giao dịch ngày 27/5/2021, vốn hóa cổ phiếu POW của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – Công ty cổ phần (PV Power) đang ở mức gần 27.300 tỷ đồng. POW đang đứng vị trí thứ 35 trong bảng xếp hạng các doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), giảm đáng kể về thứ hạng so với thời điểm tháng 1/2020, khi POW nằm trong Top 20 về vốn hóa đã được thêm mới vào rổ VN30 cùng với PLX, thay thế cho 2 cổ phiếu DPM và GMD bị loại khỏi danh mục khi đó.

Sự sụt giảm về thứ hạng của POW không phải do thị giá cổ phiếu sụt giảm so với thời điểm cuối năm 2019, mà vẫn tương đương. Tuy vậy, nếu như trong hơn 1 năm qua thị trường đã ghi nhận hàng loạt doanh nghiệp mới có quy mô vốn hóa lớn niêm yết, chưa kể hàng loạt cổ phiếu khác ghi nhận sự bứt phá thị giá từ hàng chục đến cả trăm phần trăm thì sự đi ngang về vốn hóa đã khiến thứ hạng của POW ngày càng đi xuống.

Một số cổ phiếu được niêm yết sau thời điểm POW vào VN30 có thể kể đến như GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam niêm yết tháng 3/2020, hiện có vốn hóa hơn 109.000 tỷ đồng, đứng thứ 13 trên sàn HOSE. BCM của Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp - CTCP, niêm yết tháng 8/2020, hiện có vốn hóa hơn 57.300 tỷ đồng, đứng thứ 23 trên sàn HOSE. Đặc biệt là nhóm ngân hàng với một loạt ngân hàng niêm yết mới hoặc chuyển sàn như VIB, ACB, SSB, MSB, LPB, OCB đều đang có vốn hóa vượt POW.

Với vị thế thứ 35 về vốn hóa, vị trí của POW sẽ chưa bị đe dọa lớn trong kỳ rà soát đánh giá danh mục VN30 của HOSE gần nhất (vào giữa tháng 7/2021 tới đây) bởi theo quy tắc xây dựng bộ chỉ số HOSE-Index phiên bản 3.0, ban hành ngày 9/11/2020 thì sau khi sàng lọc theo một số tiêu chí như thời gian niêm yết, thanh khoản giao dịch, bị cảnh báo, tỷ lệ free-loat, những cổ phiếu có giá trị vốn hóa bình quân trong 12 tháng gần nhất được xếp từ 21 đến 40 trong danh mục, những mã có trong thành phần rổ VN30 kỳ liền trước sẽ được ưu tiên lựa chọn, sau đó mới xét đến cổ phiếu mới.

VN30 hiện là chỉ số quan trọng thu hút nhiều quỹ đầu tư thụ động theo chỉ số (quỹ ETF) lựa chọn mô phỏng với quy mô vốn tài sản ròng (NAV) của các quỹ này đã liên tục gia tăng trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận tăng mạnh cả về điểm số và thanh khoản, thu hút dòng vốn của các nhà đầu tư thời gian qua. Việc không còn nằm trong rổ chỉ số xảy ra, sẽ ảnh hưởng đáng kể đến giá và thanh khoản cổ phiếu khi các quỹ ETF tham chiếu trên VN30 phải bán toàn bộ cổ phiếu đang nắm giữ nếu POW bị loại khỏi danh mục.

Để tránh bị loại ra khỏi danh mục, POW cần phải cải thiện tình hình kinh doanh.

Con số cập nhật mới nhất cho thấy, trong 4 tháng đầu năm, POW ghi nhận doanh thu đạt hơn 10,2 nghìn tỷ đồng từ sản lượng 6.405 triệu kWh. Bất chấp những khó khăn đại dịch Covid-19, sản lượng điện trong tháng 4 vẫn tăng trưởng hơn so với tháng 3/2021. Trong đó, Nhà máy điện Vũng Áng 1 hoàn thành 103% kế hoạch, Nhà máy Thủy điện Đakđrinh hoàn thành 145% kế hoạch. Nếu duy trì được nhịp độ này thì tham vọng doanh thu tỷ USD là hoàn toàn khả thi.

Báo cáo tài chính quý 1/2021 cho thấy, 3 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của POW lên tới 901 tỷ đồng, tăng 240 tỷ đồng, tương đương 36,3% so với cùng kỳ. Điều này khiến dòng tiền của doanh nghiệp dồi dào. Tại thời điểm cuối quý 1/2021, lượng tiền tăng từ 6.753 tỷ đồng lên 8.090 tỷ đồng. Sẵn tiền mặt sẽ giúp DN chủ động các hoạt động đầu tư, thanh toán một số khoản vay, từ đó khiến chỉ tiêu vay và nợ thuê tài chính dài hạn giảm từ 2.704 tỷ đồng xuống 2.478 tỷ đồng. Nhờ đó chi phí lãi vay giảm sâu từ 164 tỷ đồng xuống chỉ còn 79 tỷ đồng. Tài sản POW đang có xu hướng tăng. Hồi cuối quý 1, tổng tài sản đạt 47.212 tỷ đồng, tăng 3.509 tỷ đồng, tương đương 8% so với hồi đầu năm. Sang tháng 4, toàn hệ thống bao gồm cả công ty con có thêm hơn 2.871 tỷ đồng, luỹ kế thu về 10.213 tỷ đồng.

Mới đây, PV Power được tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Fitch Ratings xếp hạng tín nhiệm quốc tế lần đầu ở mức “BB” với triển vọng tích cực. Mức xếp hạng này bằng mức xếp hạng quốc gia Việt Nam, ngang với các Tập đoàn lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy tình hình tài chính và kinh doanh vững mạnh và triển vọng tốt của DN. Kết quả kinh doanh khá tốt trong 4 tháng đầu năm giúp cổ phiếu POW giữ được mức giá ở mặt bằng cao trong vòng 1 năm qua, với thanh khoản tốt, cả chục triệu cổ phiếu được giao dịch mỗi phiên. Cổ phiếu PV Power có thời điểm đã tăng mạnh lên đỉnh gần 15.000 đồng/cp. Hiện PV Power đang ở quanh ngưỡng 12.000 đồng/cp. Giao dịch đạt 14-16 triệu đơn vị/phiên. Theo VDSC, trong năm 2021, nhiều cổ phiếu ngành điện được dự báo sẽ tiếp tục nóng bởi nhiều doanh nghiệp sẽ cho tỷ suất cổ tức rất hấp dẫn, 6-10% so với thị giá hiện tại. Các nhà máy điện thường trả cổ tức tiền mặt đều đặn hàng năm.

Minh Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm