Thị trường

HoREA: Việc phát triển nhà ở xã hội vẫn tiến triển rất chậm, gặp nhiều khó khăn

(DNVN) - Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) đã đề xuất một số cơ chế, chính sách để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ phù hợp với điều kiện thực tiễn của thành phố Hồ Chí Minh.
Trong công văn hỏa tốc số 110/CV-HoREA vừa trình lên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương và Thường trực Thành ủy và Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố,Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) đã đề xuất một số cơ chế, chính sách để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ phù hợp với điều kiện thực tiễn của thành phố Hồ Chí Minh.
Được biết, trong công văn hỏa tốc lần này, ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) tiếp tục kiến nghị các vấn đề về việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ phù hợp với điều kiện thực tiễn của thành phố Hồ Chí Minh.HoREA dẫn chứng kinh nghiệm và bài học rút ra từ nghiệm mô hình phát triển các khu nhà ở an sinh xã hội với căn hộ diện tích 30m2, giá bán từ 100 - 200 triệu đồng/căn của tỉnh Bình Dương.
Việc phát triển nhà ở xã hội vẫn tiến triển rất chậm, nhiều khó khăn, ách tắc
Theo công văn hỏa tốc, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 1248/BXD-QLN ngày 28/05/2018 kính gửi Thủ tướng Chính phủ "V/v Bổ sung vốn tín dụng cho lĩnh vực nhà ở xã hội" đã thống nhất nhận định với Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh về nguyên nhân chính dẫn đến "việc phát triển nhà ở xã hội vẫn tiến triển rất chậm, nhiều khó khăn, ách tắc" là do: Nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội thì đến nay vẫn chưa được bố trí; Không có nguồn vốn để tiếp tục cho vay sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng theo quy định tại Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ đã giải ngân hết vào cuối tháng 12/2016.
Trong đó, việc không bố trí được vốn ngân sách để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 22/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội là nguyên nhân chủ yếu. Ngoài ra, chính quyền tại một số địa phương chưa quan tâm đến việc phát triển nhà ở xã hội, chủ đầu tư cũng chưa chủ động đầu tư xây dựng loại nhà ở có diện tích nhỏ, giá thấp; Cơ cấu nguồn cung căn hộ nhà ở bị mất cân đối, các hộ nghèo, thu nhập thấp không đủ khả năng và điều kiện để cải thiện chỗ ở.
Theo ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch HoREA nhận định : “Để giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, trước hết là phải có nhiều căn hộ cho thuê giá rẻ, có đủ các tiện ích cơ bản và an toàn hơn cần phải được coi là nhiệm vụ chính trị của thành phố, có tính nhân văn và có ý nghĩa xã hội rất sâu sắc, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh chính trị. Trong lúc hiện nay, đang rất thiếu nhà ở xã hội cho thuê, và loại căn hộ nhà ở thương mại cho thuê giá rẻ (giá thuê từ 1 - 3 triệu đồng/tháng).Dự báo nhu cầu nhà ở vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê giá rẻ trên địa bàn thành phố trong 10 năm tới có thể lên đến khoảng 1 triệu căn”.
Một loạt các kiến nghị được HoREA đề ra để phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM
HoREA đề ra các kiến nghị để phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM.

HoREA đề ra các kiến nghị để phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM.

Cũng theo công văn, thành phố Hồ Chí Minh có thể làm được khoảng 10.000 căn hộ nhà ở xã hội 30m2 có giá bán khoảng trên dưới 200 triệu đồng/căntại một số khu vực có điều kiện tương đồng như tỉnh Bình Dương.
Thế nhưng, chỉ có khoảng 10.000 người mua được loại nhà này chiếm khoảng 1% người có nhu cầu,đa số công nhân, lao động, người thu nhập thấp và người nhập cư sẽ không còn loại nhà này để mua, nên chưa đảm bảo công bằng xã hội và cũng chưa giải quyết được nhu cầu rất lớn của xã hội. Vì thế,Hiệp hội đề nghị tập trung phát triển chủ yếu là loại căn hộ nhà ở xã hội 1-2 phòng ngủ, diện tích khoảng 25-77m2, có giá bán khoảng 250-700 triệu đồng/căn.
Trong nội dung công văn, chủ tịch HoREA kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi một số cơ chế, chính sách đang cản trở sự phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, căn hộ cho thuê giá rẻ. Ông Châu đề nghị bổ sung vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội 3.000 tỷ đồng để thực hiện cho giai đoạn đến năm 2020.
Hiệp hội kiến nghị Chính phủ cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay ưu đãi theo quy định, trước hết là được vay tại 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước chỉ định. Đồng thời, Hiệp hội cũng kiến nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn về cơ chế thu ngân sách, quản lý, sử dụng nguồn lực này để phát triển nhà ở xã hội của địa phương.
Hiệp hội kiến nghị Chính phủ cho thí điểm doanh nghiệp được đầu tư phát triển dự án nhà trọ, phòng trọ cho thuê để tạo sự cạnh tranh dẫn đến nâng cao chất lượng, tiện ích, dịch vụ, an toàn, an ninh của các phòng trọ, nhà trọ hiện nay.
Bên cạnh đó, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ có chính sách thí điểm cho chủ đầu tư được tạm hoãn, chưa nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong vòng đời của dự án, và được giảm thuế GTGT còn 5%, thuế thu nhập doanh nghiệp còn 10%, và được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi.
Do vậy, Hiệp hội kiến nghị cần quy định một mức gửi tiền tiết kiệm nhà ở xã hội hàng tháng mà mọi đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội đều thực hiện như nhau, có thể ở mức 500.000 đồng hoặc không quá 1 triệu đồng/tháng thì thuận tiện và phù hợp hơn với khả năng tài chính của người mua nhà ở xã hội. Đối với người gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội, HoREA đưa ra kiến nghị đối tượng này cũng được hưởng lãi suất tiết kiệm bằng mức lãi suất tiết kiệm thông thường tại các ngân hàng thương mại (hiện nay khoảng 7%/năm) đối với các khoản tiền gửi trên 12 tháng, để khuyến khích đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội tham gia, tạo thêm nguồn lực thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Đặc biệt, chủ tịch HoREA đưa ra kiến nghị Chính phủ quy định khoản tiền đặt cọc này chỉ bằng 01 đến 03 tháng tiền thuê nhà như thông lệ trong xã hội để giảm bớt gánh nặng cho người thuê nhà ở xã hội.
Anh Thư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo