Thị trường

Kì vọng vào tăng trưởng xuất khẩu trong nửa cuối năm 2023

DNVN - Theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong nửa cuối năm 2023 có thể cao hơn do mức nền thấp của nửa cuối năm 2022 và từ sự phục hồi mạnh mẽ của Trung Quốc sau khi mở cửa trở lại nền kinh tế.

Xuất khẩu thuốc, mỹ phẩm chưa đáp ứng kỳ vọng / Doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng vào xuất khẩu thuốc, mỹ phẩm

Báo cáo về thị trường của VNDirect nhận định du lịch vẫn là điểm sáng khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng trong tháng 2.

Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam đón khoảng 933 nghìn lượt khách quốc tế (+7,1% so với tháng trước, gấp 31,6 lần cùng kỳ năm ngoái). Trong 2 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 1,8 triệu lượt, gấp 36,6 lần cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn ít hơn 60% so với cùng kỳ năm 2019 (mức trước đại dịch).

Trong số đó, Hàn Quốc là quốc gia có lượng khách du lịch lớn nhất đến Việt Nam trong tháng 2 với ước tính 301.343 lượt khách, tiếp đến là Mỹ với 69.648 lượt khách.

“Gần đây Trung Quốc đã đưa Việt Nam vào danh sách đợt 2 cho phép nối lại tour du lịch quốc tế theo đoàn kể từ ngày 15/3. Do đó, chúng tôi kỳ vọng lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng tốc độ phục hồi và Việt Nam có thể sớm vượt mục tiêu 8 triệu lượt khách du lịch quốc tế của Chính phủ trong năm 2023”, báo cáo kỳ vọng.

Xuất khẩu có thể tăng trưởng cao hơn vào cuối năm 2023.

Về giá trị xuất khẩu, xuất khẩu của Việt Nam tăng 10,3% so với tháng trước, lên mức 26,1 tỷ USD trong tháng 2/2023, chủ yếu do mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái khi nhiều nhà máy đóng cửa nghỉ Tết từ đầu tháng 2.

Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm vẫn giảm 10,0% so với cùng kỳ xuống còn 49,6 tỷ USD do đơn đặt hàng đã giảm mạnh trong vài tháng qua trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy giảm.

Về nhập khẩu, giá trị nhập khẩu giảm 7,9% so với cùng kỳ (+1,3% so với tháng trước) xuống còn 23,3 tỷ USD trong tháng 2/2023. So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị nhập khẩu tiếp tục giảm trong bối cảnh các hoạt động sản xuất mới bắt đầu phục hồi nhẹ trong tháng 2 và các doanh nghiệp vẫn còn đủ nguyên vật liệu tồn kho để đáp ứng các đơn hàng. Trong 2 tháng đầu năm, giá trị nhập khẩu giảm 16,7% so với cùng kỳ xuống còn 46,2 tỷ USD.

Về cán cân thương mại, Việt Nam ghi nhận thặng dư thương mại 3,4 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm 2023, cải thiện đáng kể so với mức thâm hụt 0,3 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm 2022.

Trước nhu cầu toàn cầu suy yếu và giá trị nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất giảm trong những tháng gần đây, VNDirect duy trì dự báo xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng 5% so với cùng kỳ trong năm 2023, thấp hơn mức trung bình.

“Tăng trưởng xuất khẩu trong nửa cuối năm 2023 có thể cao hơn do mức nền thấp của nửa cuối năm 2022 và tác động đến từ nhu cầu của Trung Quốc có thể phục hồi mạnh mẽ kể từ giữa năm 2023 nhờ hiệu ứng mở cửa trở lại nền kinh tế”, VNDirect dự báo.

Tuy nhiên, VNDirectcho rằng, áp lực lạm phát hạ nhiệt trong tháng 2/2023 nhưng rủi ro lạm phát còn hiện hữu.

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại là một biến số đối với lạm phát toàn cầu trong năm 2023. Tiêu dùng phục hồi mạnh hơn dự kiến của Trung Quốc có thể thúc đẩy lạm phát toàn cầu cao hơn dự báo.

Cùng với đó, chỉ số USD Index (DXY) mạnh hơn dự kiến có thể gây thêm áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam.

Các thị trường đang đặt kỳ vọng cao vào kịch bản Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chỉ tăng lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản. Nhưng nếu vì một lý do nào đó, chẳng hạn như lạm phát cao hơn dự báo hoặc tăng trưởng tiền lương cao hơn dự kiến, thì có khả năng Fed sẽ tăng lãi suất điều hành cao hơn so với kỳ vọng của thị trường. Điều này có thể khiến chỉ số DXY mạnh lên và gây thêm áp lực lên tỷ giá VND.

“Tăng trưởng kinh tế chậm hơn dự kiến của các đối tác thương mại lớn sẽ tác động tiêu cực hơn đến xuất khẩu của Việt Nam. Kịch bản tăng trưởng xuất khẩu của chúng tôi dựa trên giả định kinh tế Mỹ tránh được suy thoái trong năm 2023. Trong trường hợp kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái thì xuất khẩu và tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2023 sẽ bị tác động xấu hơn”, VNDirect lo ngại.

Ngân Hà
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm