Thị trường

Kinh tế nửa cuối năm 2021 đối diện nhiều thách thức

Làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát mạnh khiến nền kinh tế trong những tháng còn lại của năm nay đối mặt với nhiều thách thức.

Hoa Kỳ xác định Công ty TNHH Thép Seah Việt Nam không bán phá giá / VEPR: Tăng trưởng GDP năm 2021 có thể giảm 1-1,5%

Nỗ lực tăng trưởng 6 tháng cuối năm

Làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát khiến nhiều thành phố lớn phải thực hiện giãn cách theo nguyên tắc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để tập trung ưu tiên chống dịch.

Đóng góp nhiều nhất cho GDP cả nước với khoảng 22%, nhưng lúc này TP Hồ Chí Minh đang ưu tiên chống dịch. Các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng trong hoàn cảnh tương tự.

Nếu sản xuất công nghiệp tháng 4 ước tính tăng trên 24% thì sang đến tháng 7, chỉ số này chỉ tăng khoảng 2,2%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 19,8%.

Kinh tế nửa cuối năm 2021 đối diện nhiều thách thức - Ảnh 1.

Từ đầu năm đến nay, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là trên 105.000 doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: PLO)

Dù vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương tạo mọi điều kiện thúc đẩy sản xuất, lưu thông, phân phối hàng hóa an toàn. Do vậy từ đầu năm đến nay, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là trên 105.000 doanh nghiệp. Trung bình mỗi tháng có gần 15.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Con số trên cho thấy sự bền bỉ và nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp trước sức tàn phá của COVID-19. Nỗ lực đó phần nào tạo ra kết quả xuất khẩu 7 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt trên 185 tỷ USD, tăng trên 25% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, để duy trì được đà xuất khẩu trong bối cảnh hiện nay là không dễ. Đơn cử như ngành dệt may, các đơn hàng sản xuất ở phía Nam đang đình trệ. Nhiều nhà máy đứng trước nguy cơ bị phạt từ phía đối tác. Cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực tối đa để giữ đơn hàng và thị trường tiêu thụ.

Nỗ lực đảm bảo cung ứng cho xuất khẩu

Nếu như nguồn cung từ Việt Nam dồi dào năm 2020 thì đến nay 97% số doanh nghiệp dệt may phía Nam phải tạm dừng hoạt động. Như vậy, cung đang khó đáp ứng được với nhu cầu nhập khẩu từ các đối tác.

 

Kinh tế nửa cuối năm 2021 đối diện nhiều thách thức - Ảnh 2.

Cộng đồng doanh nghiệp dệt may đang nỗ lực tối đa để giữ đơn hàng và thị trường tiêu thụ. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Đáng chú ý, từ chỗ chiếm 30 - 40% thị phần xuất khẩu cho các hãng Nike, Adidas..., nhiều doanh nghiệp dệt may đang khó giữ được thị phần. Ngay kể cả mặt hàng thế mạnh của Việt Nam về veston, sơ mi, các đơn hàng mới chỉ quay trở lại chưa đến 1/3.

"Kể cả khi chúng ta kiểm soát được trong 2 - 3 tuần tới, thì khả năng phục hồi lại cần 1 - 2 tháng mới trở lại được tốc độ ban đầu", Trưởng Ban Dự báo Kinh tế ngành và Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Trần Toàn Thắng nhận định.

Khó khăn là vậy, tuy nhiên đảm bảo chuỗi cung ứng, không để đứt gãy các đơn hàng đang được cộng đồng doanh nghiệp chung tay đẩy mạnh từ đầu đợt dịch, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực sang thị trường châu Âu, Mỹ, Canada...

"Bắc miền Trung và miền Bắc là 2 khu vực đang khôi phục trở lại nhờ kiểm soát được dịch. Các mặt hàng như đồ thể thao, đồ mặc trong nhà, đồ trẻ em tiếp tục là các sản phẩm thế mạnh. Con số xuất khẩu 38,5 - 39,5 tỷ có thể đạt được trong năm nay", Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho hay.

 

Cùng với đó, tận dụng thị trường và các hiệp định thương mại tự do như EVFTA là mục tiêu của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vượt khó trong dịch bệnh, giúp xuất khẩu của Việt Nam duy trì đà tăng trưởng. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) trong 6 tháng đầu năm nay đạt gần 28 tỷ USD, tăng trên 18%.

Trong lúc này, nguồn lực Nhà nước có thể chủ động nhất chính là thúc đẩy có hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt, thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm để tạo động lực và bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế; gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân; kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn ở dự án có tỷ lệ giải ngân thấp.

Tính chung 7 tháng, vốn đầu tư công thực hiện tăng 5,6% so với cùng kỳ, dù vậy vẫn chưa đạt yêu cầu. Khối lượng giải ngân còn lại theo kế hoạch vẫn còn trên 50%. Việc các địa phương phải thực hiện giãn cách và giá cả vật liệu tăng đang khiến tiến độ thi công và giải ngân bị ảnh hưởng.

Tháo gỡ vướng mắc thúc đẩy giải ngân đầu tư công

Lường trước được việc tăng giá vật liệu xây dựng, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả đã tạm ứng hàng tỷ đồng kinh phí trước cho các nhà cung cấp. Tuy nhiên, điều này cũng chỉ đỡ được phần nào khó khăn.

 

Phần lớn giá vật liệu xây dựng đều tăng, trong khi đó các dự án trọng điểm giao thông đều thông qua đấu thầu và ký hợp đồng nên dù có biến động về giá vẫn không được điều chỉnh.

"Nguồn vật liệu khan hiếm, giá vật liệu tăng đột biển. Nhiều nhà cung cấp trì hoãn cung cấp vật liệu, thậm chí chấp nhận chịu phạt để hủy hợp đồng", Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả Hồ Đình Chung cho hay.

Đến hết tháng 7, ngành giao thông vận tải giải ngân được gần 45% trong tổng số trên 43.000 tỷ vốn đầu tư công. Ưu tiên hàng đầu từ nay đến cuối năm là giải ngân toàn bộ khoản vốn này. Nếu dự án nào không đảm bảo tiến độ sẽ điều chuyển cả nguồn vốn và con người của dự án đó đi nơi khác.

Kinh tế nửa cuối năm 2021 đối diện nhiều thách thức - Ảnh 3.

Tính chung 7 tháng, vốn đầu tư công thực hiện tăng 5,6% so với cùng kỳ. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

"Chúng tôi xây dựng phần mềm quản lý giải ngân trong toàn ngành. Hàng tháng, chúng tôi điều chỉnh kế hoạch giải ngân, điều chỉnh toàn bộ kế hoạch vốn", Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ Giao thông vận tải) Nguyễn Danh Huy cho biết.

 

Thủ tướng yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giải ngân vốn đầu tư công. Trước đó vào tháng 5, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị số 13 về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, Chỉ thị nhấn mạnh tác động đại dịch COVID-19 dự báo còn kéo dài, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Yêu cầu đầu tư phát triển là rất lớn, cấp thiết, phải cương quyết xóa bỏ "xin - cho", chống tiêu cực trong đầu tư công, chấm dứt dàn trải, manh mún; phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Có thể thấy, động lực chính cho tăng trưởng từ nguồn lực đầu tư công, dòng vốn đầu tư nước ngoài và hoạt động xuất nhập khẩu đều đang và sẽ tiếp tục bị tác động. Tuy nhiên, không chỉ Việt Nam, COVID-19 đang khiến nhiều nền kinh tế hàng đầu ASEAN như: Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan đều đang chịu tác động rất lớn.

Cùng với nỗ lực khống chế dịch bệnh bằng mọi nguồn lực, Chính phủ đã quyết tâm phục hồi kinh tế tại các địa phương đã qua đỉnh dịch. Bắc Ninh, Bắc Giang đến nay đã nhanh chóng bắt tay vào hồi phục kinh tế. Các doanh nghiệp bắt đầu nâng dần công suất. Số lượng công nhân quay lại gia tăng từng ngày. Điều đó cho thấy, chỉ khi kiểm soát dịch bệnh thật tốt, quyết tâm đồng lòng thì chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh và khôi phục nền kinh tế.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm