Thị trường

Nhật Bản là quốc gia có nhiều thông báo nhất về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật tới Việt Nam

DNVN - Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam nhận 504 thông báo liên quan đến an toàn thực phẩm (ATTP) và kiểm dịch động thực vật, tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm 2021. Nhật Bản là quốc gia có nhiều thông báo nhất.

Bị 'tuýt còi', nông sản xuất khẩu khó giữ thị trường / Nông sản xuất khẩu ám ảnh giá cước vận tải biển

Sáng 7/7, Tổ Điều hành Diễn đàn thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản (Diễn đàn Kết nối nông sản 970 - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức Diễn đàn trực tuyến “Đa dạng hóa sản phẩm rau quả chế biến, bảo quản gắn với yêu cầu của thị trường tiêu thụ”.

Chia sẻ tại diễn đàn, TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam nhận 504 thông báo liên quan đến ATTP và kiểm dịch động thực vật, bao gồm thay đổi các biện pháp thay đổi mức dư lượng, phương pháp kiểm dịch.

So với cùng kỳ năm 2021, số thông báo tăng khoảng 9%. Nhật Bản là quốc gia có nhiều thông báo nhất, với 83 thông báo, chiếm 16,47%. Tiếp sau là Brazil, EU, Canada, Mỹ.

Diễn đàn trực tuyến “Đa dạng hóa sản phẩm rau quả chế biến, bảo quản gắn với yêu cầu của thị trường tiêu thụ” đầu cầu tại Hà Nội.

Liên quan đến chế biến rau quả ở các thị trường trọng điểm, ông Nam nhấn mạnh, mỗi thị trường sẽ có một bộ tiêu chuẩn cũng như đối tượng quan tâm khác nhau. Ví dụ, Nhật Bản có 5 bộ luật, 3 quy định về chất lượng ATTP, Mỹ có 4 quy định khung, còn ASEAN lại chủ yếu quan tâm đến các vấn đề kiểm dịch động vật.

Hai thị trường được ông Nam chú trọng là EU và Trung Quốc. Trong đó, EU đặc biệt lưu tâm đến các mức dư lượng tại cả sản phẩm quả tươi lẫn sản phẩm chế biến, đồ khô.

Với Trung Quốc, khoảng 2 năm Trung Quốc sẽ cập nhật các chính sách liên quan đến kiểm dịch một lần và gửi thông báo cho WTO. Tin vui cho doanh nghiệp là vừa qua, Trung Quốc hứa sẽ phối hợp Việt Nam để xây dựng và phổ biến những quy định liên quan đến Lệnh 248, Lệnh 249 dưới dạng video, clip, nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam đảm bảo thời hạn hoàn thiện hồ sơ đăng ký trước tháng 6/2023.

Phát biểu tại diễn đàn, PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch cho rằng, đối tượng quy mô nhỏ, vừa chiếm 97% trong đối tượng doanh nghiệp, do vậy định hướng cho phát triển công nghệ hiện đại, phù hợp với quy mô nhỏ, vừa là điều cần thiết.

“Nếu chúng ta quan tâm đến khối doanh nghiệp nhỏ, vừa và HTX thì chúng ta có thể nâng cao tỷ lệ chế biến và có thể đáp ứng được nhu cầu về đa dạng hóa sản phẩm rau quả chế biến”, ông Tuấn cho biết.

Cần nâng cao tỷ lệ chế biến và có thể đáp ứng được nhu cầu về đa dạng hóa sản phẩm rau quả chế biến.

Hiện tại năng lực chế biến của khối này đạt trên 1,1 triệu tấn nhưng để nâng lên gấp đôi trong những năm tới, quy mô nhỏ, vừa có đóng góp lớn, tuy vậy lại cần đầu tư và công nghệ phù hợp.

Tại diễn đàn, ông Tuấn đã giới thiệu về các công nghệ mới, hiện đại, phù hợp với doanh nghiệp quy mô vừa, nhỏ và HTX trong chế biến, bảo quản rau quả như công nghệ sấy (nóng, lạnh, thăng hoa...), cấp đông, kho lạnh...

Ông Tuấn kiến nghị trong giai đoạn tới cần phát triển nhiều thị trường đầu ra cho bà con nông dân, có công nghệ, thiết bị phù hợp và có giải pháp thúc đẩy thị trường khoa học công nghệ.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, ngành nông nghiệp đã nỗ lực cùng với cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân để góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9%.

Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vẫn đang tiếp tục đàm phán để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào thị trường lớn và tiềm năng.

“Mục tiêu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là trong năm nay xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 55 tỷ USD, so với năm trước là 48,6 tỷ USD”, ông Toản khẳng định.

Thu Ngân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm