Thị trường

PGS.TS Trần Đình Thiên: Đà Nẵng mới chỉ đáng sống ban ngày, còn đáng ngủ ban đêm!

DNVN - Tiếp tục đóng góp ý kiến về các giải pháp và cách làm hiệu quả để nhanh chóng thắp sáng nền kinh tế ban đêm của Đà Nẵng, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nêu lên một số vấn đề mà TP này cần hết sức lưu ý!

Đà Nẵng: Khởi động cung cấp các sản phẩm, dịch vụ giải trí ban đêm để kích cầu du lịch / Đà Nẵng mong nhận được những giải pháp hiệu quả để nhanh chóng phát triển kinh tế đêm

Những TP du lịch nổi tiếng đều phải có kinh tế ban đêm

“Thứ nhất, hiểu về phát triển kinh tế ban đêm (KTBĐ) với nội hàm và các điều kiện thực thi thế nào? Thứ hai, Việt Nam và Đà Nẵng đã có KTBĐ chưa, hay là chúng ta mới nói cho vui thôi? Hay là có rồi những chưa ra gì và tại sao ý nó chỉ có như thế? Thứ 3 là các khuyến cáo phát triển KTBĐ ở Đà Nẵng” – PGS. TS Trần Đình Thiên đặt vấn đề.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Đà Nẵng mới chỉ đáng sống ban ngày và đáng ngủ ban đêm! (Ảnh: HC)

PGS.TS Trần Đình Thiên: Đà Nẵng mới chỉ đáng sống ban ngày, còn đáng ngủ ban đêm! (Ảnh: HC)

Theo ông Trần Đình Thiên, ai cũng đều biết con người ta sống ban ngày là chủ yếu, còn ban đêm ngủ, cho nên khái niệm KTBĐ cơ bản là phần tiếp tục cho phần kinh tế ban ngày và vì thế đóng góp của nó không thể so với ban ngày. Tuy nhiên phải thấy cho được tầm quan trọng của KTBĐ, bởi nó là một nền kinh tế, và là một nền kinh tế không thể thiếu.

“Cho dù hoạt động ban đêm chỉ là một nền kinh tế nhỏ thôi nhưng tăng được nó lên 10% hay 20% của cái hiện tại là ghê gớm lắm. Chúng ta phải coi KTBĐ như một cấu trúc của nền kinh tế. Và trên thế giới, KTBĐ chiếm tỉ trọng ngày càng lớn trong nền kinh tế!” – PGS.TS Trần Đình Thiên nói.

Ông Trần Đình Thiên dẫn chứng, tại Anh, KTBĐ tạo ra doanh thu hàng năm 66 tỉ bảng (tương đương 80 tỉ USD), là ngành kinh tế đứng thứ 5 của nước này. New York (Mỹ) là “TP không ngủ” với KTBĐ đóng góp hơn 10 tỷ USD vào nền kinh tế toàn TP. Tại Úc, KTBĐ trị giá 102 tỷ AUS (tương đương 70 tỷ USD), tăng khoảng 5%/năm; riêng Sydney ước đạt 27,2 tỷ USD/năm. Nhật Bản có quy mô thị trường KTBĐ hơn 400 tỷ yên (khoảng 3,7 tỷ USD) vào năm 2020.

20% du khách tới Anh năm 2014 có hoạt động giải trí về đêm. 35% dân du lịch tới Berlin để tìm kiếm các hoạt động giải trí về đêm. New York có hơn 26.000 cửa hàng ăn uống phục vụ KTBĐ. Manchester (Anh) có hơn 150.000 người tham gia hoạt động giải trí đêm cuối tuần. Các TP du lịch nổi tiếng thế giới đều phát triển mạnh KTBĐ, trong đó Pattaya, New York, Macau, London… nằm trong Top 10 TP thu hút nhiều du khách nhất, đặc biệt nổi tiếng với phố ẩm thực, shopping, giải trí hoạt động thâu đêm.

“Ở Úc người ta còn lập ra cả Hội đồng để phát triển KTBĐ, gọi là Nữ hoàng ban đêm để quản trị, phát triển cả hệ thống. Những TP du lịch nổi tiếng thì đều phải có KTBĐ. Đây là một nền kinh tế đích thực. Vì thế nó có cơ cấu, cơ chế vận hành, nguồn lực và luật lệ đặc thù để điều tiết, chứ không phải đơn thuần KTBĐ là chuyển các hoạt động kinh tế từ ban ngày sang ban đêm. Vì thế cách xử sự phải rất bài bản, hiện đại, đẳng cấp mới làm được.

Khi bắt đầu làm thì đừng làm theo kiểu “đến đâu hay đến đấy” mà phải có một tính toán bài bản ngay từ đầu, để hạn chế những cái sai sót, sơ suất. Phải đặt ra một cách tiếp cận với KTBĐ rất nghiêm túc, rất khác. Khi chúng ta nói “mở hộp đêm hay quá” thì khác, nhưng khi cả TP làm KTBĐ thì cuộc chơi khác đi rất nhiều!” – PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Đà Nẵng chỉ mới là “TP đáng sống” ban ngày!

Từ cái nhìn ra thế giới, quay trở lại với thực tế của Đà Nẵng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, PGS.TS Trần Đình Thiên phải thốt lên: “Đà Nẵng là “TP đáng sống” nhưng chỉ mới đáng sống ban ngày, còn đáng ngủ ban đêm thôi. Đi ngủ sớm, sợ tiếng ồn, không có KTBĐ, thủ phủ du lịch miền Trung đang bỏ lỡ nhiều cơ hội!”.

Theo ông, đô thị du lịch Đà Nẵng chưa sống về đêm. Đà Nẵng, cũng như cả Việt Nam, chỉ mới có một số hoạt động KTBĐ, thực chất là kéo dài nền kinh tế ban ngày thêm mấy tiếng đồng hồ vào ban đêm (đến 21 – 22h). Đà Nẵng phải đáng sống ban đêm nữa thì mới được liệt vào TP du lịch nổi tiếng thế giới!

Đà Nẵng chưa có nền KTBĐ, nghĩa là còn dư địa rất lớn để phát triển. Cũng như hầu hết các đô thị Việt Nam, TP này được thiết kế để hoạt động ban ngày. Bây giờ làm KTBĐ thì ban ngày vẫn hoạt động nhưng cần có thêm cái gì, điều gì khác để tạo ra KTBĐ? Đó là bài toán đặt ra. Đi tìm lời giải cho bài toán đó, PGS.TS Trần Đình Thiên cho hay, khi đọc về KTBĐ thì thấy có những lợi ích khiến ông phải sửng sốt.

Tại các TP, đa số cư dân lâu nay vốn thức ban ngày và ngủ ban đêm. Nếu làm KTBĐ sẽ có sự “san sẻ”, 1/3 cư dân thức vào ban đêm và 2/3 thức vào ban ngày sẽ giúp giảm áp lực đô thị. Như thế, TP sẽ nhẹ đi, bớt căng thẳng. Cũng giống như, có đô thị dưới đất, đường sá dưới đất sẽ giúp TP trên mặt đất thông thoáng hẳn đi. Đó là cách tiếp cận của một TP quá tải đối với những lợi ích của KTBĐ. Với cách tiếp cận như vậy, chân dung TP sẽ khác đi, áp lực giảm đi.

“TP Đà Nẵng có diện tích không rộng và cần phải dành đất để làm nhiều việc khác nữa. Vì vậy nên đặc biệt phân tích thêm quan hệ cấu trúc phát triển đô thị theo nghĩa kinh tế ban ngày, kinh tế ban đêm và tổ chức thực thi, như thế rất có ý nghĩa!” – PGS.TS Trần Đình Thiên nói.

Theo ông, ngoài những lợi ích thúc đẩy phát triển du lịch, KTBĐ sẽ còn làm sáng lên, hồi sinh những khu vực đô thị vốn vắng vẻ vào ban đêm. KTBĐ nếu tổ chức ở các khu vực dân cư sẽ gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân và dẫn tới kiện cáo tùm lum. Do vậy KTBĐ cần những nơi xa khu dân cư. Và vì thế, các khu vực vắng vẻ hóa ra lại là lợi thế cho KTBĐ.

“Mặt trái của đồng xu!”

PGS.TS Trần Đình Thiên nói vui, ban đêm thường là lúc những ông “dở hơi” hoạt động. Những người bất thường hay thức đêm thì lại hay có những ý nghĩ, ý tưởng đột phá, phi thường. “Những ông sáng tạo hay làm ban đêm!” – PGS.TS Trần Đình Thiên nói. Và ông nhấn mạnh, sử dụng thời gian đêm muộn là cách thức thúc đẩy phát triển “TP sáng tạo” nhờ vào các hoạt động văn hóa nghệ thuật, lao động trí tuệ sáng tạo, hay làm việc ban đêm…

Đồng thời tạo ra nền kinh tế hoạt động liền mạch 24 giờ, thúc đẩy kinh tế ban ngày; thúc đẩy thương hiệu địa phương, thị hiếu vùng đa dạng trên cả hai lĩnh vực văn hóa và sản phẩm tiêu dùng địa phương; xây dựng chân dung đô thị mới thân thuộc và thân thiện hơn với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, nhiều ánh sáng, an ninh, an toàn. Và tất nhiên, phát triển KTBĐ cũng sẽ tạo ra các cơ hội lớn cho bất động sản nói chung bất động sản du lịch nói riêng.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, phát triển KTBĐ nghĩa là thêm “một nền kinh tế”, làm thay đổi sâu sắc cấu trúc phát triển đô thị. Bên cạnh ddos, KTBĐ cũng tiềm ẩn nhiều tác động tiêu cực về đô thị và xã hội (như bạo lực, ma túy, tội phạm, ô nhiễm tiếng ốn, giao thông và nhiều vấn đề khác). Các ngành công nghiệp giải trí ban đêm bị chi phối bởi các giao dịch tiền mặt và thế giới ngầm. KTBĐ dễ khiến giới trẻ đua đòi lai căng, rối loạn và lệch lạc văn hóa…

Tuy nhiên ông nêu quan điểm: “Cách chơi ban đêm cũng khác, tiêu tiền không mặc cả. Cho nên tôi nói ban đêm dễ tập trung chi tiêu, hiệu quả gấp nhiều lần. Tôi hay nói vui “Chỉ cái gì mua ban đêm mới hay!” nhưng thực ra nó hàm ý về một cách tiếp cận phát triển đẳng cấp khác. TP ban đêm có chân dung khác ban ngày!”.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, “mặt trái của đồng xu” khi làm KTBĐ là điều không tránh khỏi, nhưng không nên vì thế mà sợ làm KTBĐ. Tất nhiên KTBĐ sẽ không tránh khỏi có chuyện nọ, chuyện kia nhưng nếu có những cách tiếp cận văn hóa và pháp luật trên nền tảng bản sắc của con người, đàng hoàng, trung thực thì sẽ giải quyết được hết.

“Với một TP “5 không” như ở Đà Nẵng, đúng cái tầm nhìn đấy thì tôi cho rằng “mặt trái của đồng xu” khi làm KTBĐ không có việc gì đáng kể. Lâu nay ta hay nghĩ ban đêm gắn với tội phạm, mờ ám, nhưng ban đêm sáng đèn là lúc phần ưu tú của con người bộc lộ ra thực sự đáng kể, còn phần tội phạm sẽ mờ ngay. Chỗ nào sáng đèn là nó chạy ngay, nên không việc gì phải sợ!” – PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm