Thị trường

Phải đẩy mạnh việc thoái vốn ở cả các DN đang làm ăn hiệu quả

(DNVN) - Tại Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì vào sáng 21/11, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng phải đẩy mạnh việc thoái vốn ở cả các DN đang làm ăn hiệu quả.

Châu Âu siết quy định về hóa chất, doanh nghiệp xuất khẩu cần chú ý / Thị trường nội thất "mong chờ" doanh nghiệp nội

Tham dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng-Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Công an-Thượng tướng Bùi Văn Nam, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Phải đẩy mạnh việc thoái vốn ở cả các DN đang làm ăn hiệu quả
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, quá trình tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng và nghị quyết của Quốc hội, công tác đổi mới, sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động, trong đó có phần cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại DN, ngày càng có kinh nghiệm và thu được kết quả tốt đẹp.
Quốc hội cũng đã tổ chức giám sát tối cao việc quản lý vốn Nhà nước tại DN, trong đó có vấn đề cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại DN. Đã ban hành Nghị quyết 60/2018/QH14 quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN để tiếp tục tổ chức thực hiện tốt nội dung này.
Trong nhiệm kỳ này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là các tập toàn, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2016-2020. Thủ tướng Chính phủ đã thay mặt Chính phủ ký nghị định ra đời tổ chức và hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN. Theo đó, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ bàn giao toàn bộ tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo nghị định về tổ chức hoạt động của quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sang một mô hình mới, chuyển từ mô hình phân tán sang mô hình đại diện chủ sở hữu tập trung.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, trong công tác đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, yếu tố nhận thức rất quan trọng. Đảng, Nhà nước đã nhiều lần khẳng định phải tập trung tái cơ cấu mạnh mẽ khu vực DNNN.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc. (Ảnh: TTXVN)

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc. (Ảnh: TTXVN)

"DNNN chỉ tập trung vào những lĩnh vực và địa bàn quan trọng, như lĩnh vực quốc phòng an ninh, những lĩnh vực thiết yếu và những lĩnh vực tư nhân không làm. Phải đẩy mạnh việc thoái vốn ở cả các DN đang làm ăn hiệu quả", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, tính đến cuối năm 2017, tổng tài sản DNNN tăng 3%, vốn chủ sở hữu tăng 4%, lợi nhuận trước thuế tăng 26%, nộp ngân sách Nhà nước 219.469 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2016.
Nhiều doanh nghiệp sau cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn đã hoạt động hiệu quả (như VNPT, Vinamilk, Vinatex, Petrolimex,...); đến nay đã có 106 doanh nghiệp sau cổ phần hóa niêm yết trên thị trường chứng khoán; năm 2017 tổng doanh thu đạt gần 650 nghìn tỷ đồng (tăng 65% so với cùng kỳ năm 2016); lợi nhuận sau thuế đạt trên 75 nghìn tỷ đồng (tăng 52% so với năm 2016).
Thu khoảng 206.720 tỷ đồng từ thoái vốn, cổ phần hóa DNNN
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nói, theo kế hoạch, giai đoạn 2017-2020 cổ phần hóa 127 DN.
Kết quả, năm 2016 đã cổ phần hóa 66 DN, trong đó có 7 DN thuộc danh sách kế hoạch năm 2017, với tổng giá trị DN là 40.206 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước là 27.328 tỷ đồng.
Năm 2017 đã cổ phần hóa 69 DN, trong đó có 17 DN thuộc danh sách kế hoạch năm 2017, với tổng giá trị DN là 365.953 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước là 160.156 tỷ đồng.
11 tháng đầu năm 2018 đã cổ phần hóa được 12 DN, trong đó có 3 DN thuộc danh sách kế hoạch năm 2017 và chưa có DN nào thuộc danh sách kế hoạch năm 2018, với tổng giá trị DN là 29.747 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước là 15.413 tỷ đồng.
Kế hoạch thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong giai đoạn 2017-2020 là khoảng 60.000 tỷ đồng thoái vốn từ 406 doanh nghiệp. Trong giai đoạn 2016-tháng 11/2018, cả nước đã thoái được 17.826 tỷ đồng, thu về 155.735 tỷ đồng.
Tổng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn (bao gồm thoái vốn Nhà nước và thoái vốn tại các tập đoàn, tổng công ty, DNNN trong giai đoạn từ 2016 đến nay đạt khoảng 206.720 tỷ đồng.
Theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10-11-2016 của Quốc hội, trong giai đoạn 2016-2020, nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn phải bảo đảm đáp ứng tối thiểu 250.000 tỷ đồng theo yêu cầu nguồn vốn cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Trong đó: Năm 2016 là 30.000 tỷ đồng; năm 2017 là 60.000 tỷ đồng; năm 2018 là 65.000 tỷ đồng; năm 2019 dự kiến là 50.000 tỷ đồng; năm 2020 dự kiến là 45.000 tỷ đồng.
Từ năm 2016 đến ngày 18/11/2018, đã chuyển 135.000 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp (Quỹ) vào ngân sách Nhà nước (NSNN) theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 của Quốc hội, số còn phải chuyển về NSNN là 115.000 tỷ đồng, trong đó năm 2018 đã thực hiện chuyển về NSNN 45.000 tỷ đồng, còn phải chuyển về NSNN là 20.000 tỷ đồng.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm