Thị trường

Tiêu dùng trong tuần (từ 1-7/5/2023): Giá hải sản tăng mạnh, nhiều loại trái cây giảm sâu

Giá cả thị trường trong tuần này: Giá vàng, hải sản tăng mạnh; trong khi gas, xăng dầu, nhiều loại trái cây rớt giá thê thảm.

Tạo động lực cho doanh nghiệp Việt Nam – Luxembourg thúc đẩy hợp tác / Vì sao xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn "giảm tốc"?

Tiêu dùng trong tuần (từ 1-7/5/2023): Giá hải sản tăng mạnh, nhiều loại trái cây giảm sâu

Giá vàng, hải sản tăng mạnh; trong khi gas, xăng dầu, nhiều loại trái cây rớt giá thê thảm. Ảnh: minh họa

Giá vàng tăng mạnh

Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng trên thị trường quốc tếở quanh ngưỡng 2.016 USD/ounce, giảm hơn 32 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.

Giá vàng lao dốc là do báo cáo việc làm tháng 4 của Mỹ vừa được Bộ Lao động nước này công bố với tỷ lệ thất nghiệp giảm, và số việc làm mới tăng mạnh. Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp tháng 4 tại Mỹ chỉ có 3,4%, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2023 lại đây, thấp hơn mức của tháng trước là 3,5% và mức dự báo trước đó là 3,6%.

Đặc biệt, số lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp tăng mạnh từ 165.000 việc làm tháng 3 lên 253.000 việc làm tháng 4.

Trước đó, lao động mới được tạo ra ở lĩnh vực tư nhân của Mỹ đã tăng từ 142.000 việc làm tháng 3 lên 296.000 việc làm trong tháng 4, cao hơn rất nhiều mức 148.000 việc làm dự báo trước đó.

 

Báo cáo việc làm tích cực, tỷ lệ thấp nghiệp ở mức rất thấp khiến giới đầu tư nhận định, kinh tế Mỹ sẽ không rơi vào suy thoái khi lãi suất tăng cao như nhiều dự báo trước đó. Điều này cho thấy chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có hiệu quả khi lạm phát giảm sâu và việc làm cho người lao động vẫn đảm bảo. Giới đầu tư vì thế đã bán tháo vàng để chốt lời và tìm kiếm cơ hội đầu tư mới.

Tuần qua, giá vàng thế giới đã biến động mạnh cả chiều tăng và giảm. Nửa đầu tuần, giá vàng thế được hưởng lợi từ việc tăng lãi suất của Fed. Giới đầu tư lo ngại, lãi suất cao sẽ tác động xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như sự phục hồi của nền kinh tế nên đã đẩy mạnh mua vào.

Giá vàng đã tăng từ 1.981 USD/ounce đầu tuần, lên 2.055 USD giữa tuần. Chỉ sau 2 phiên đi lên liên tiếp, giá vàng thế giới đã tăng 74 USD/ounce. Nhưng cũng chỉ 2 phiên giảm liên tiếp sau 2 báo cáo việc làm từ lĩnh vực tư nhân và phi nông nghiệp của Mỹ, giá vàng thế giới cũng đã rơi tự do từ mức đỉnh gần 1 năm, mất 39 USD/ounce.

Kết tuần, giá vàng thế giới vẫn tăng 35 USD/ounce so với giá đầu tuần. Có thể nói, đây là tuần giá vàng có biên độ điều chỉnh khá lớn cả chiều tăng và giảm.

Trong nước, giá vàng SJC tại Tập đoàn DOJI, niêm yết trên thị trường Hà Nội, mua - bán quanh mức 66,5 - 67,1 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước.

 

Giá vàng SJC tại công ty Phú Quý 66,4 - 67,1 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 100.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước.

Kết tuần, giá vàng SJC tại DOJI và Phú Quý cùng giảm 200.000 đồng/lượng so với giá chốt phiên cuối tuần trước.

Nhiều loại trái cây rớt giá

Ngày 2/5, trên địa bàn huyện An Phú (tỉnh An Giang) đang vào mùa thu hoạch xoài. Theo một số người dân, xoài trúng mùa, có năng suất cao. Tuy nhiên, giá bán xoài giảm đã khiến người nông dân ở ven biên giới héo hắt.

Anh Nguyễn Văn Hùng (36 tuổi, ngụ ở xã Phú Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang) cho biết, gia đình anh trồng hơn 80 công xoài, chủ yếu là xoài keo (xoài keo là giống xoài được nhập khẩu từ vùng Tà Keo của Vương quốc Campuchia). Hiện nay, giá xoài kèo giảm, chỉ còn khoảng 3.000 đồng/kg nên còn khoảng 40 tấn, xoài keo chưa bán.

 

“Hơn một tháng trước, thương lái đến tại vườn thu mua với giá khoảng 14.000 đồng/kg. Giờ chỉ còn khoảng 3.000 đồng/kg. Với giá này bán sẽ lỗ nên gia đình của anh đang ngóng đợi giá xoài tăng chút đỉnh mới bán” - anh Hùng ngậm ngùi.

Còn tại tỉnh Tiền Giang, chỉ trong một thời gian ngắn, giá sầu riêng đã quay đầu giảm mạnh, từ mức 130.000 đồng/kg xuống còn khoảng 50.000 đồng/kg.

Ông Phạm Thanh Nhã - hộ nông dân trồng sầu riêng ở xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) - cho hay, đối với sâu riêng RI6 hiện được thương lái thu mua tại vườn (mua xô) có giá chỉ còn 50.000 đồng/kg.

Ông Huỳnh Tấn Lộc - Giám đốc Hợp tác xã sầu riêng Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) là một trong những đơn vị thu mua sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc - cho biết: Giá sầu riêng RI6 ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện được thương lái mua xô tại vườn chỉ còn 50.000 đồng/kg so với thời điểm trước đây, giá sụt giảm từ 80.000 - 90.000 đồng/kg.

“Giá sầu riêng sụt giảm mạnh do đang vào mùa (vụ thuận), nguồn cung không riêng ở Tiền Giang, mà các địa phương khác như: Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ và khu vực miền Đông Nam bộ đều tăng cao. Từ đó, do nguồn cung dồi dào nên các nhà nhập khẩu phía Trung Quốc không nóng vội thu mua, nên khiến giá giảm mạnh” - ông Lộc cho hay.

 

Ông Trương Chí Thông - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú (tỉnh An Giang) - cho hay, những năm qua, diện tích trồng xoài trên địa bàn huyện An Phú tăng. Đến nay, diện tích trồng cây xoài khoảng 2.000 hecta. Hiện vào mùa thu hoạch xoài nên giá xoài keo giảm rất mạnh. Cách đây một tuần, giá xoài keo thu mua tại vườn chỉ còn khoảng 3.000 đồng/kg.

Theo ông Thông, nguyên nhân chính do nông dân trồng xoài nhưng chưa có liên kết với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, diện tích trồng cung đã vượt cầu. Ngoài ra, một phần do 'đụng hàng' với xoài keo của Campuchia nên khiến giá xoài sụt giảm.

Hiện không chỉ xoài và sầu riêng, thị trường trái cây tại một số tỉnh phía Nam đang giảm mạnh do nguồn cung tăng mạnh. Cụ thể tại tỉnh Tiền Giang, giá bưởi da xanh giảm 6.000 đồng/kg xuống mức giá 24.000 đồng/kg; bưởi lông cổ cò giảm 3.000 đồng/kg xuống mức giá 13.000 đồng/kg. Cam các loại cũng giảm ở mức 2.000-3.000 đồng/kg. Chanh các loại giảm 2.000 đồng/kg so với tháng trước.

Giá hải sản tăng cao

Ghi nhận trong ngày 2/5, tại các nhà hàng ở nhiều điểm du lịch, các mặt hàng như cua biển, tôm sú, tôm thẻ chân trắng loại I (20 con/kg), vọp, sò huyết, tôm càng xanh không đủ tiêu thụ.

 

Bà Nguyễn thị Kim Anh, chủ đại lý mua bán hải sản tại chợ Trà Vinh cho biết, giá các loại hải sản tăng cao do hiện là thời điểm đầu vụ nuôi thủy sản. Sản lượng thu hoạch cung ứng từ các vùng ven biển trong tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 30% sản lượng. Cung thiếu cầu nên các nhà hàng, hàng quán tranh mua, giá hải sản theo đó tăng vọt.

Cụ thể, cua gạch và cua thịt loại 2 - 4 con/kg có giá 550.000 đồng/kg, tăng 100.000 đồng so với trước dịp lễ; giá tôm sú loại 10 con/kg nuôi sinh thái có giá 450.000 đồng/kg; tôm thẻ chân trắng nuôi sinh thái loại 20 con/kg có giá 250.000 đồng/kg, tăng 50.000 đồng so với vài ngày trước. Các loại hải sản khác như vọp, tôm càng xanh, sò huyết cũng tăng bình quân 30.000 đồng/kg.

Về chủng loại, hầu hết hải sản tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển được cung ứng hiện chủ yếu từ những hộ nông dân nuôi theo mô hình sinh thái xen canh rừng - tôm - cua biển. Đây là sản phẩm đang được người tiêu dùng, du khách lựa chọn.

Giá gas tháng 5 tăng 2.000 đồng/bình 12 kg

Công ty TNHH MTV Dầu khí TP Hồ Chí Minh (Saigon Petro) thông báo từ ngày 1/5, giá gas của hãng sẽ tăng 2.000 đồng/bình 12 kg và giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng là 401.000 đồng/bình 12 kg.

 

Tương tự, thương hiệu gas City Petro cũng thông báo từ hôm nay giá gas tăng 2.000 đồng/bình 12 kg và 7.500 đồng/bình 45 kg so với tháng 4. Theo đó, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng ở mức 438.500 đồng/bình 12 kg; 1.644.000 đồng/bình 45 kg.

Công ty cổ phần kinh doanh LPG Việt Nam - PV Gas LPG miền Nam cũng cho biết giá bán gas của công ty sẽ tăng 2.000 đồng với bình gas 12 kg và bình gas 45 kg tăng 7.500 đồng. Giá gas bán lẻ tối đa là 420.000 đồng/bình 12 kg, khoảng 1.575.000 đồng/bình 45 kg.

Công ty Cổ phần Thương mại dầu khí Thái Bình Dương cho biết, từ ngày 1/5, giá gas của công ty sẽ tăng 2.000 đồng/bình 12 kg và 8.000 đồng/bình 50 kg. Theo đó, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng tối đa 438.500 đồng/bình 12 kg và 1.826. 000 đồng/bình 50 kg.

Đà tăng của giá gas trong nước lần này là do giá gas thế giới tháng 5 chốt ở mức 555 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với tháng 4. Hiện, nguồn gas trong nước đang nhập khẩu khoảng 60% nên giá gas bị chi phối và ảnh hưởng bởi giá thế giới.

Như vậy, giá gas đã quay đầu tăng sau 2 tháng giảm liên tiếp. Tính từ đầu năm đến nay, giá gas có 3 tháng giảm với tổng mức 97.000-101.000 đồng/bình 12kg và có 2 tháng giá tăng với tổng mức 65.000 đồng/bình 12kg.

 

Xăng dầu đồng loạt giảm giá

Tại kỳ điều chỉnh ngày 4/5, liên Bộ Công Thương - Tài chính không chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Đồng thời trích lập Quỹ bình ổn giá 500 đồng/lít với các loại xăng E5 và RON 95, trích lập 300 đồng/lít với các mặt hàng dầu.

Sau khi thực hiện việc trích lập Quỹ bình ổn giá, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định điều chỉnh giá xăng dầu như sau: Xăng E5 RON 92 giảm 1.250 đồng/lít; Xăng RON 95 giảm 1.310 đồng/lít; Dầu diesel giảm 1.140 đồng/lít; Dầu hoả giảm 960 đồng/lít; Dầu mazut giảm 340 đồng/kg.

Theo đó: Xăng E5 RON 92 không cao hơn 21.616 đồng/lít; Xăng RON 95 không cao hơn 22.598 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 19.192 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 19.625 đồng/lít; Dầu mazut không cao hơn 14.939 đồng/kg.

Như vậy, giá xăng trong nước đã giảm mạnh lần thứ 2 liên tiếp. Từ đầu năm đến nay, mặt hàng này đã có 7 lần tăng, 5 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm