Thị trường

Về quê lập nghiệp, ước mơ chưa bao giờ nguôi

(DNVN)- "Con nhà nông muốn trở về với nhà nông", đó là cô gái 8x Trần Thị Thanh Thoan (Đô Quan, Mộc Nam, Duy Tiên, Hà Nam), cùng chồng quyết định rời thành phố về quê lập nghiệp, khởi đầu từ việc chăn nuôi bò sữa với số vốn 8,5 tỷ đồng.

Tắc kiểm dịch vì quy định mới phát sinh, doanh nghiệp thấy "bất ổn trong thực thi chính sách" / Thiệt hại do phân bón giả mỗi năm khoảng 2,5 tỷ USD

Chỉ riêng sản phẩm sữa chua nếp cẩm, trung bình mỗi ngày gia đình Thoan bán ra ngoài thị trường khoảng trên dưới 2.000 cốc, giá trung bình 7.000 đồng/cốc.

Chỉ riêng sản phẩm sữa chua nếp cẩm, trung bình mỗi ngày gia đình chị Trần Thị Thanh Thoan bán ra ngoài thị trường khoảng trên dưới 2.000 cốc, giá trung bình 7.000 đồng/cốc.

Trở về với nghề nông
Năm 2007, sau khi tốt nghiệp đại học, chị Trần Thị Thanh Thoan xây dựng gia đình và có một công việc ổn định tại Hà Nội. Nhưng với khát khao được làm giàu trên chính quê hương, khởi nguồn đam mê cùng những "cô bò" gắn bó với cả tuổi thơ. Năm 2014, chị Trần Thị Thanh Thoan và chồng một lòng quyết chí về quê làm nông nghiệp, mở trang trại.
Với con số 8,5 tỷ đồng là con số quá ít ỏi cho một dự án trang trại chăn nuôi bò và sản xuất sữa, cộng với kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa mỏng manh, khởi nghiệp 21 con bò sữa, vợ chồng chị Trần Thị Thanh Thoan vừa làm vừa nghe ngóng.
Tuy nhiên, sau khoảng 6 tháng nuôi bò, thành quả đầu tiên của hai vợ chồng đã đến, "cô bò" đầu tiên đã sinh con và bắt đầu cho sữa. Cứ như vậy, sau 1 năm thì số bò khai thác sữa đã lên tới con số 30 con và sản lượng sữa hàng ngày đạt khoảng 700 kg/ngày, mang lại khoản thu nhập khoảng 100 triệu/tháng cho gia đình.
Chớp cơ hội địa phương có chính sách hỗ trợ, khuyến khích nuôi bò sữa, chỉ sau 4 năm, quy mô chăn nuôi của gia đình chị Trần Thị Thanh Thoan đã lên tới hơn 60 con bò sữa, trung bình mỗi ngày trang trại cho sản lượng khoảng hơn 5 tạ sữa.
Trang trại nuôi bò sữa của gia đình chị Trần Thị Thanh Thoan được đầu tư khá bài bản, sạch sẽ, thoáng đãng với gần 1.300m2 trong tổng diện tích hơn 7ha, có hệ thống chiếu sáng, quạt thông gió để luôn duy trì nhiệt độ phù hợp và hệ thống vắt sữa khép kín. Đàn bò được chia vào các khoang theo lứa tuổi cùng tình trạng sức khỏe để tiện cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng.
Để tiết kiệm chi phí và bảo đảm nguồn thức ăn cho đàn bò, 6ha còn lại chị Thoan trồng thêm cỏ voi, ngô và cây đỗ, không sử dụng thuốc trừ sâu hay thuốc diệt cỏ.. Thời gian tới, chị sẽ tìm và học thêm về công nghệ ứng dụng enzyme, giúp đàn bò phát triển tốt, cho ra chất lượng sữa cao hơn.
Thời gian đầu, do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật và nguồn thức ăn xanh nên đàn bò phát triển rất chậm, sản lượng sữa không cao. Trong khi đó, ở phía đầu ra là công ty thu mua sữa lại ép giá hoặc cả tháng trời không đến lấy sữa, chị phải bán rẻ ra bên ngoài, còn lại sữa hỏng phải đổ đi hết.
Nhìn cảnh đó ai lại không xót, chi phí đầu tư lớn, đầu ra không ổn định, sau một thời gian đắn đo suy nghĩ nhằm giảm sự phụ thuộc vào phía công ty thu mua, gia đình chị Thoan quyết định tự chế biến sữa của trang trại thành các sản phẩm như sữa tươi thanh trùng, sữa chua nếp cẩm bán ra thị trường.
Chỉ riêng sản phẩm sữa chua nếp cẩm, trung bình mỗi ngày gia đình chị Thoan bán ra ngoài thị trường khoảng trên dưới 2.000 cốc, giá trung bình 7.000 đồng/cốc.

Ứng dụng công nghệ
Khát vọng đưa nguồn sữa tươi của gia đình mình để chế biến ra các sản phẩm mang thương hiệu của Hà Nam vươn ra thị trường đã không còn xa.
Để nâng cao sức cạnh tranh và cho ra sản phẩm chất lượng cao, chị Trần Thị Thanh Thoan - Giám đốc Công ty cổ phần sữa Hà Nam quyết định đầu tư thêm dàn máy móc khá đầy đủ và hiện đại, như: máy đóng sữa vào chai, máy co màng nhãn chai, máy thanh trùng sữa paster, máy đồng hóa sữa, lò ủ sữa chua, máy in phun ngày đóng gói và hạn sử dụng, phòng lạnh giữ sản phẩm…
Với hệ thống máy móc này, chị Thoan sẽ có điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng thành phẩm cũng như triển khai hệ thống quản lý xác thực, truy xuất nguồn gốc từng sản phẩm. Những sản phẩm sữa tươi, sữa chua được chị Thoan đăng ký nhãn hiệu Hanamilk sản xuất trên dây chuyền khép kín và được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm.
Việc mở rộng cơ sở chế biến của gia đình chị Trần Thị Thanh Thoan còn tạo công ăn việc làm cho gần 20 lao động với mức lương 3,5 - 6 triệu đồng/ tháng.
Khi hỏi về thông điệp cho bạn trẻ có ước mơ khởi nghiệp, cô gái 8x chia sẻ: Ngoài vốn, kiến thức thì nhiệt huyết và đam mê là điều cực kỳ quan trọng. Sau gần 4 năm đi vào hoạt động, dù còn nhiều khó khăn, chị Thoan vẫn quyết tâm với hướng đi của mình, không chỉ làm giàu cho gia đình, mà chị còn ấp ủ một mong muốn lớn hơn.
Tuyết Thùy - Uyên Nhi
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm