Thị trường

Xuất khẩu cà phê 5 tháng thu về hơn 2 tỉ USD

Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 882 nghìn tấn, trị giá 2,02 tỉ USD, giảm 2,2% về lượng, nhưng tăng 0,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Hơn 100 doanh nghiệp tham gia hội chợ hàng Việt 2023 tại Đà Nẵng / Sản xuất xanh - Giải pháp lấy lại đơn hàng xuất khẩu

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, theo ước tính, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 5/2023 đạt 165 nghìn tấn, trị giá 396 triệu USD, tăng 0,9%về lượng, nhưng giảm 0,7% về trị giá so với tháng 4/2023, so với tháng 5/2022 tăng 15,7% về lượng và tăng 21,8% về trị giá.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 882 nghìn tấn, trị giá 2,02 tỉ USD, giảm 2,2% về lượng, nhưng tăng 0,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Tháng 5/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 2.399 USD/tấn, giảm 1,6% so với tháng 4/2023, nhưng tăng 5,3% so với tháng 5/2022.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của nước ta ước đạt mức 2.295 USD/tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu cà phê 5 tháng thu về hơn 2 tỉ USD

Xuất khẩu cà phê 5 tháng thu về hơn 2 tỉ USD. Ảnh: Trần Hiếu

Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), giá cà phê tăng là do cung không đủ cầu. Dự báo từ nay đến cuối năm, xuất khẩu cà phê vẫn thuận lợi khi nhu cầu tăng trong khi nguồn hàng không được cải thiện. Dự báo sản lượng cà phê năm nay giảm đến 10%-15%/năm do thời tiết không thuận lợi. Ngoài ra, tình hình lạm phát thời gian qua làm cho giá nguyên, nhiên vật liệu đều tăng, nhất là giá vật tư nông nghiệp tăng từ 2 - 3 lần làm giá thành sản xuất, chế biến cà phê tăng cao dẫn đến giá bán tăng.

Ở thị trường trong nước, giá cà phê tại khu vực Tây Nguyên sau khi thiết lập đỉnh 64.000 đồng/kg hồi cuối tháng 5, nay đã giảm còn khoảng 61.000 đồng, vẫn là mức kỷ lục hơn 10 năm qua.

Nông dân Lê Hải (tỉnh Kon Tum) tiếc hùi hụi khi vừa bán toàn bộ 11 tấn cà phê trong kho với giá 49.500 đồng/kg vào cuối tháng 4, sau đó giá tăng vù vù. "Nông dân không thể tưởng tượng nổi cà phê có thể vượt 60.000 đồng/kg nên gần như đã bán hết khi giá chạm mốc 50.000 đồng/kg. Bây giờ nghe giá cà phê cao thì tiếc nhưng người trồng cà phê gần như không còn hàng để bán với giá cao" - ông Hải nói.

Không chỉ nông dân mà một số doanh nghiệp xuất khẩu cũng than không được hưởng lợi từ giá cà phê tăng. Tình hình thị trường cà phê biến động lớn như hiện nay, đặc biệt là chi phí tài chính quá cao, khiến các doanh nghiệp Việt không dám trữ hàng. Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Dak Lak), cho hay phần lớn doanh nghiệp chỉ mua hàng đến đâu bán đến đó, giá đã chốt sẵn nên không hưởng lợi bao nhiêu từ đợt tăng giá này.

Xu hướng cà phê tăng giá như hiện nay có thể dẫn đến hiện tượng người dân mở rộng vùng trồng. VICOFA cũng cảnh báo, theo quy định mới của Liên minh châu Âu (EU), những sản phẩm cà phê xuất xứ từ vùng rừng bị tàn phá, suy thoái sau ngày 30/12/2020 sẽ không được xuất khẩu vào thị trường này.

 

Hiện nay các doanh nghiệp cà phê Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu mỗi năm 1,6 - 1,7 triệu tấn cà phê. Thị trường EU là thị trường nhập khẩu lớn nhất của cà phê Việt Nam, chiếm 45% tổng lượng cà phê xuất khẩu. Vì vậy, việc EU thông qua các quy định về phòng chống phá rừng, suy thoái rừng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tương lai.

Vì vậy, VICOFA đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan cần đẩy mạnh việc phổ biến các quy định, cảnh báo tới người dân và doanh nghiệp để các đơn vị chuẩn bị, bởi thời gian không còn nhiều khi quy định này sẽ được EU áp dụng cuối năm 2024.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm