Chính trị

Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII: Sôi động, dân chủ, đoàn kết

(DNVN) - Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thành công, để lại niềm tin, ấn tượng tốt đẹp trong lòng đồng bào, cử tri cả nước về một kỳ họp hợp lòng dân, sôi động, dân chủ, đoàn kết, trí tuệ và đổi mới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, chiều 26/6.

Chủ tịch cũng nêu rõ, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các ngành, các cấp cùng cả hệ thống chính trị vào cuộc bằng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, nâng cao hiệu quả, chất lượng, sức cạnh tranh của kinh tế nước nhà, giữ vững đà tăng trưởng, thực hiện thành công tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình kinh tế; mở rộng hợp tác, hội nhập quốc tế; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, kiên quyết đấu tranh giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… 

Kỳ họp Quốc hội khóa XIII, lần thứ 9 đã diễn ra sôi động, đoàn kết. Ảnh Vneconomy.
Kỳ họp Quốc hội khóa XIII, lần thứ 9 đã diễn ra sôi động, đoàn kết. Ảnh Vneconomy.

Bằng trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm của mình trước nhân dân, các vị đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn đánh giá mặt được, chưa được, chỉ ra những yếu kém, tồn tại trong các ngành, lĩnh vực, dự báo nguy cơ tiềm ẩn cản trở sự phát triển, nhất là trong bối cảnh chủ quyền biển đảo của Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng do việc Trung Quốc tiến hành xây đắp với quy mô lớn tại các bãi đá thuộc chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, đe dọa cuộc sống yên bình của người dân và hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, Chủ tịch nói.

Trước đó, các đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII với 92,71% đại biểu tán thành. 

Diễn ra từ 20/5-26/6, kỳ họp dành trọng tâm cho công tác lập pháp với việc thông qua 11 dự án luật như Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi, Luật tổ chức Chính quyền địa phương, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND…

Quốc hội cũng cho ý kiến đối với 15 dự án luật, trong đó có Bộ Luật Dân sự sửa đổi, Bộ luật hình sự sửa đổi, Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Luật trưng cầu ý dân, Luật tạm giữ, tạm giam…

Theo đó, Quốc hội ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn; trả lời và giải quyết hơn 2.100 ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước gửi đến Quốc hội tại kỳ họp thứ 8. 

 

Đồng thời, yêu cầu Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan khẩn trương nghiên cứu để trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 và những ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến các kỳ họp trước chưa được giải quyết để báo cáo Quốc hội.
Trong hoạt động công thương, Quốc hội yêu cầu, tổ chức hệ thống phân phối, thương mại trong nước một cách khoa học, hiệu quả, đảm bảo thông suốt từ sản xuất, gia công, chế biến, đến lưu thông, tiêu dùng; có biện pháp tích cực, cụ thể đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tạo chuyển biến rõ nét trong việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong nước, thích ứng với yêu cầu phát triển và hội nhập sâu rộng vào thị trường khu vực và thế giới.
Thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập các Hiệp định thương mại song phương, đa phương, nhất là những thông tin liên quan đến việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015. 
Vì vậy, cần cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về phân tích, dự báo thị trường, chính sách, pháp luật và tập quán kinh doanh của từng thị trường. Chú trọng các thị trường trọng điểm, nhiều tiềm năng. Có định hướng xuất khẩu, nhập khẩu kịp thời, phù hợp.Bảo đảm đến năm 2016 có thị trường thí điểm bán buôn điện cạnh tranh, trước năm 2021 có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Tăng cường quản lý, bảo đảm quy trình vận hành, an toàn hồ, đập.
Khuyến khích mọi nguồn vốn đầu tư cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, phấn đấu hoàn thành trước thời hạn chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016-2020. 
Các đại biểu Quốc hội cũng đã tiến hành chất vấn 5 thành viên Chính phủ, gồm: Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận.

Sân bay Long Thành
Quốc hội thông qua chủ trương xây dựng sân bay Long Thành

Quốc hội nghe và thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015; biểu quyết thông qua Nghị quyết về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013; nghe Chính phủ báo cáo về tình hình Biển Đông; thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016..

Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng đã nghe báo cáo và thảo luận về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật…

Liên quan tới Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi chưa nhận được sự đồng thuận của một bộ phận người lao động, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động sau một năm nghỉ việc với tỷ lệ tán thành đạt 81,78%. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016.

Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua chủ trương xây sân bay Long Thành (Đồng Nai) với công suất thiết kế 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm sau khi hoàn tất ba giai đoạn vào năm 2050. Khái toán cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD, áp dụng đơn giá của năm 2014), trong đó giai đoạn I là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD).

 

Tại kỳ họp thứ 9, các đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết bãi nhiệm tư cách đại biểu đối với bà Châu Thị Thu Nga, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Về quyết định bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga, , Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định quyết định này khẳng định sự nghiêm khắc, công minh của Quốc hội khi xem xét tư cách đại biểu Quốc hội, là yêu cầu về sự phấn đấu, rèn luyện để đại biểu Quốc hội luôn xứng đáng với niềm tin và sự tín nhiệm của cử tri và của nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội sau kỳ họp kịp thời gặp gỡ, báo cáo kết quả kỳ họp với cử tri; tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri để luôn có tiếng nói đại diện cho quyền lợi của cử tri vào các quyết định của Quốc hội.

Ngọc Huệ (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo