Văn hóa

Kỳ lạ tục cúng ma của người Sán Chay

Trong nghi lễ tâm linh của người Sán Chay bao gồm Cao Lan và San Chí, thủ tục cúng các loại ma rất ly kỳ...

Cúng ma trông nhà

Trong đời sống tinh thần, người Sán Chay rất chú ý đến phần tâm linh. Trong không gian của mỗi ngôi nhà, đều có một góc linh thiêng, chính là nơi đặt bàn thờ hai vị Ngọc Hoàng và Bồ Tát, hay còn gọi là thờ ma trông coi cửa nhà, thường gọi là ma ham.

Nghi lễ đối với ma ham cũng rất đơn giản, nhưng lại rất cầu kỳ ở chỗ, hằng năm cứ vào chiều 30 Tết Nguyên đán, chủ nhà mới được phép vào quét dọn khu vực có đặt ma ham, rửa sạch chén, bày hương hoa đăng, mâm cỗ gồm gà trống luộc cả con cùng với cơm, rượu, mời thầy đến cúng bẩm báo các vị ma ham về ăn Tết. Sau đó, gia chủ phải tự tay cắt 2 bông hoa bằng giấy màu, kẹp vào que nứa, hoa có chiều cao khoảng 35cm, giống như chiếc nón. Hoa màu đỏ cắm vào bát gạo nếp để dâng báo Ngọc Hoàng, hoa màu tím cắm vào bát gạo tẻ để dâng Bồ Tát.

Bước sang thời khắc của năm mới, gia chủ phải nhanh chóng lấy cả 2 bát hoa ra ngoài sân (nơi không có mái che) mới được đốt hóa tiền, vàng, hoa. Hoa màu đỏ kính dâng Ngọc Hoàng thì hóa trước, sau đó mới hóa hoa màu tím cho Bồ Tát. Cả 2 bát gạo đó được chia cho người và gia súc cùng hưởng lộc của trời đất với một hy vọng sang năm mới nhiều sức khỏe và làm ăn tấn tới.

Không giống các bàn cúng khác của người Sán Chay, ma ham chỉ ăn mỗi năm một bữa mặn vào chiều 30 Tết. Còn từ ngày mùng 1 đến hết 15 tháng giêng, chủ nhà chỉ để 12 chiếc bánh nếp không nhân thịt (tiếng Cao Lan gọi là ẹt phặt), đại diện cho tất cả 12 tháng trong năm mới, cùng 5 chén nước, hương, đăng dâng lễ.

Thầy cúng Âu Đình Hơn đang giới thiệu sách cúng Sán Chay.

Đêm 15 tháng giêng, công việc chuẩn bị ăn Tết lại được người Sán Chay làm nghi thức giống như chiều 30 Tết, nhưng đối với ma ham thì không cần phải làm mâm cúng bằng đồ ăn mặn, mà chỉ chuẩn bị bánh chay, nước chè, hương, tiền, vàng và đặc biệt vẫn là 2 bát gạo cắm 2 bông hoa với 2 màu đặc trưng là đỏ và tím để dâng Ngọc Hoàng và Bồ Tát.

Trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, người Cao Lan và người Sán Chí được xếp cùng một nhóm, có tên gọi là Sán Chay. Trong thực tế chẳng có tiếng nói Sán Chay, mà chỉ đang tồn tại 2 thứ tiếng là Cao Lan và Sán Chí, với câu từ phát âm hoàn toàn khác nhau.

Thời điểm bước sang thời khắc của ngày 16 tháng giêng, gia chủ phải đem 2 bông hoa trên 2 bát gạo như lúc giao thừa để tiễn dâng các vị trở về nhà, vì ngày Tết đã hết. Kể từ khi dâng hoa tiễn đưa các vị ma ham về trời, suốt cả năm gia chủ không cần phải dâng hương hoa đăng, nơi đặt ma ham lại yên tĩnh vắng vẻ.

Cúng ma ngoài rừng

Trong quan niệm của người Sán Chay, những con ma đem lại rủi ro, hoạn nạn cho con người được gọi là ma rừng. Ma rừng cũng như xã hội loài người, có con quái ác, có con chỉ nhắc nhẹ nhàng hoặc cho biếu một tý tiền quà là chúng nghe ngay. Cũng có con ma quá dữ, thầy cúng phải dùng đến phép thuật, kèm theo “binh hùng tướng mạnh” mới có thể thắng được, đó là ma pạt sằn (ma gà).

 

Mỗi khi nhà có người bị ốm đau, điên loạn thần kinh mà chữa các loại thuốc không khỏi, người Sán Chay thường đem gạo, muối đến nhà thầy cúng bói quẻ. Nếu thầy mở quẻ nói đúng bệnh tình người thân và thầy khẳng định bị ma pạt sằn quấy quả, thì gia chủ phải mời thầy đến nhà làm lễ đuổi ma.

Đối với ma pạt sằn là loài quái ác, những thầy cúng thông thường cầm 120 âm binh sẽ không dám nhận lời, mà phải mời thầy có cao nhất là 360 âm binh, phối hợp với âm lực của các thầy khác, biến thành “liên quân” mới tổ chức cúng đuổi.

Một nhóm thầy cúng người Sán Chay tại xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Thái Nguyên đang làm nghi lễ cúng.

Lễ đuổi cũng chẳng có gì tốn kém, gia chủ chỉ cần chuẩn bị một mâm cúng mặn để khao tướng lĩnh âm binh của các thầy đến đuổi ma. Sau lễ đuổi ma, các thầy thường đi mỗi người một ngả để về nhà, vừa đi vừa phải nhẩm bùa phép tại nơi ngã ba, ngã tư, đường rẽ, thậm chí lội suối, rồi bước qua than lửa đỏ… nhằm đánh lạc hướng kẻ thù săn đuổi và ngăn cách không cho lũ ma pạt sằn đó theo về nhà. Nếu chúng mà phát hiện ra nhà những thầy cúng đó ở đâu, chúng sẽ kéo đến quấy quả, vì tội đã “phá” vào chuyện làm ăn của chúng.

Chính vì thế, trong cộng đồng người Sán Chay chẳng ai biết đúng ngày tháng năm sinh của thầy cúng. Họ thường cải tên, ngày tháng năm sinh, để khi đuổi tà ma không vấp phải quả báo.

Ngoài con ma pạt sằn hung dữ, người Sán Chay còn quan niệm vẫn tồn tại nhiều loại ma khác như ma bắn cung thường gây tai nạn rủi ro cho người khác, ma hỏa làm cháy nhà cửa, ma nước bắt người qua sông suối…

 

Theo lời của thầy cúng Trần Văn Bắc ở thôn Nà Mùi xã Phú Đình huyện Định Hóa tỉnh Thái Nguyên, “mỗi loại ma có một bộ sách cúng riêng, vì ma cũng nhiều loại, có con quấy quả chỉ để đòi ăn thì chỉ cần cho ăn nó đi ngay, có con thì đòi nhiều tiền vàng mới chịu đi. Có con nhút nhát, thầy chỉ lật quẻ gọi âm binh lên nó đã chạy biến. Cũng có những con thật ghê gớm, mời ăn, cho tiền và cả đuổi nó nữa cũng không được, không cẩn thận mình còn bị hao binh tổn tướng mà chẳng được việc gì…".

Cúng ma trên trời

Theo quan niệm của người Sán Chay, ma cũng có loại tốt, xấu như xã hội loài người. Chính vì thế, ma xấu quấy quả đòi ăn, còn ma tốt đã mời ăn thì sẽ phù hộ độ trì cho thân chủ.

Chính vì thế, người Sán Chay khi đến tuổi 49, bắt đầu thực hiện nghi thức của dân tộc là cúng sinh nhật. Cúng sinh nhật chính là cúng giải hạn, dâng sao, thêm lương, tăng thọ cho người còn sống (đến khi qua đời, họ không bao giờ được cúng giỗ như dân tộc Kinh nữa).

Hai thầy cúng người Sán Chay đang hành lễ.

Lễ cúng gồm 3 con gà đực luộc cả con có đủ lòng mề tiết, cơm trắng, hương, đăng, tiền vàng mã, rượu, trứng gà, riêng hình nhân thế mạng được bện bằng cỏ tranh hoặc rơm nếp, cao từ 20cm đến 50cm và phải bôi tiết vịt vào hình nhân này. Bàn lễ bày vào mâm hoặc nong, nia rồi đặt dưới đất ở gian giữa trong nhà (cũng có nơi đặt luôn trên gường ngủ của người được cúng sinh nhật).

 

Sắp lễ xong, phải 2 thầy cúng mời gọi các cụ ma tốt trên trời như nhâm la, thiên đình, đại miếu, tiểu miếu, ngũ phương, bát phương, nam phương, tây phương… Việc cúng giải hạn này thường kéo dài tới 4 tiếng liên tục mới xong. Các lời cúng có dụ ý với những con ma tốt bụng rằng, gia chủ đã bước vào tuổi già, sức yếu nên trong tuổi mới này, nếu gia chủ có vận hạn gì, hay có các sao xấu chiếu mạng thì cầu các ngài cửa trên che chắn và mở lòng đại xá tha mạng, vì gia chủ cũng chẳng tiếc gì các ngài khi đã chuẩn bị đủ lễ mặn và tiền vàng lo lót, miễn sao cho gia chủ được sức khỏe, may mắn trong cả năm.

Nghèo như thầy cúng

Vì những đóng góp của thầy cúng với cộng đồng, cho đến bây giờ người Sán Chay ở đâu cũng rất nể trọng những vị thầy cúng. Để có được cái vinh đó, người giữ nghề cúng của người Sán Chay cũng phải nỗ lực hết mình vì cộng đồng, họ không quản ngại ngày dài, đêm thâu mỗi khi phải đi cúng tà diệt ma, đến khi ra về chẳng hề đòi hỏi lễ vật hay tiền bạc gì.

Ông Âu Đình Hơn, 77 tuổi, ở thôn 15, xã Kim Phú huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang là thầy cúng cao tay, được nhiều người trong vùng (cả dân tộc Sán Chay, Kinh, Tày…) tin cậy vì các bài bùa chú, phép thuật của ông thuộc hạng cao, ông điều phối “âm binh” đến 360 quân (là bậc cấp sắc cao nhất).

Chỉ có thầy cúng khi quá cố mới được người thân và đệ tử dâng tiến chiếc mênh kênh (lầu xanh).

Căn nhà sàn là nơi ở của ông chẳng có cửa, những tấm dát sàn bằng mai, tre, vầu đã cũ kỹ, cột gỗ xiêu vẹo, mọt rỗng, mái lá cọ đơn sơ, vách liếp be xung quanh không đủ kín, gió cứ lùa bốn phía, chỉ ngồi trong nhà ông có 2 tiếng đồng hồ mà lạnh cả sống lưng, ấy vậy mà vợ chồng ông đã ở từ mấy chục năm qua.

 

Nhìn kỹ trong nhà của ông cũng chẳng có gì đáng giá tiền triệu, đến chiếc áo cà sa để mặc vào người mỗi khi dẫn âm binh đi cúng cũng của các đời thầy cúng trước để lại, rách te tua, nhưng ông vẫn chưa có tiền để mua mới.

Ông Hơn tâm sự: “Nhà tôi đã có 5 đời làm thầy cúng, đều có cấp sắc bậc cao. Ban đầu tôi chỉ học chữ Hán và đi phụ giúp các cụ trước đây, rồi nó vận vào mình từ lúc nào cũng chẳng hay. Cúng cho người ta mát mẻ cửa nhà thì người ta cứ nhờ, thế là quanh năm chỉ đi cúng, chẳng có thời gian làm việc nhà nên mới nghèo thế này. Nhưng khi chết đi, chắc chắn tôi sẽ hơn mọi người vì ngoài cái nhà táng mà ai cũng có, tôi còn có thêm chiếc mênh kênh (lầu xanh), thứ đó chỉ có thầy cúng như tôi mới được dùng".

Nên đọc
Theo Nông nghiệp Việt Nam
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo