Thị trường

Lãi hơn nửa tỉ đồng mỗi ngày nhờ độc quyền xuất bản sách

(DNVN) - Hơn nửa tỷ đồng lợi nhuận mỗi ngày là con số được Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam chính thức công bố trong báo cáo 6 tháng đầu năm 2017. Trong đó, hoạt động xuất bản sách giáo khoa đóng góp hơn 72% vào tổng doanh thu của nhà xuất bản này. Mặc dù trong năm 2017, Nhà xuất bản Giáo dục đặt mục tiêu sản lượng sách giáo khoa là 104,8 nghìn bản, giảm gần 4% so với con số ước đạt năm 2016.

Xuất bản sách giáo khoa, lĩnh vực kinh doanh béo bở.

Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục (NXBGD) Việt Nam dự kiến doanh thu năm 2017 là 1.100 tỷ đồng, giảm 4%; lợi nhuận trước thuế là 73 tỷ đồng; tăng gần 2% so với con số ước đạt năm 2016. Tỷ suất lợi nhuận/vốn điều lệ là 12,2%. Công ty ước tính số tiền nộp ngân sách nhà nước khoảng 22 tỷ đồng. Năm 2017, Nhà xuất bản Giáo dục tiếp tục triển khai dự án xây dựng trụ sở NXBGD tại TP Cần Thơ, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 7 tỷ đồng. Mục đích của dự án là đáp ứng nhu cầu văn phòng làm việc và một phần kinh doanh cửa hàng sách.Thời gian tới, Nhà xuất bản Giáo dục tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Công ty sẽ thực hiện thoái vốn tại các đơn vị thuộc danh mục thoái vốn; duy trì, nâng tỷ lệ sở hữu tại các đơn vị đóng vai trò trọng yếu trong hoạt động của NXBGD. Công ty sẽ phối hợp với các công ty môi giới, tư vấn hoặc tự tìm kiếm nhà đầu tư quan tâm mua cổ phần thoái vốn. Công ty đã dành gần 780 tỷ đồng vào quỹ tiền thưởng cho nhân viên quản lý; gần 2,6 tỷ đồng cho người lao động. NXBGD hiện có 11 viên chức quản lý doanh nghiệp và 270 lao động.

Năm 2017, Công ty lên kế hoạch thu nhập bình quân của người lao động là 21 triệu đồng/người/tháng tăng 100 nghìn so với năm 2016. Thu nhập bình quân của nhân viên quản lý dự kiến là 45,5 triệu đồng, giảm hơn 14% so với năm 2016. 

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ xấp xỉ 857 tỷ đồng. Hoạt động xuất bản sách giáo khoa chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu với 72%, tương đương 621 tỷ đồng. Sau khi trừ giá vốn bán hàng, bình quân mỗi ngày đơn vị này lãi gộp hơn nửa tỷ đồng từ mảng kinh doanh đang nắm thế độc quyền trên thị trường. Dù biên lợi nhuận khá sáng sủa, nhưng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mới đây lại đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tăng giá bộ sách hiện hành để “đảm bảo doanh thu bù đắp chi phí và tạo sức cạnh tranh, thu hút người tiêu dùng”. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng thêm 6%, trong khi nguồn thu phụ từ hoạt động tài chính giảm mạnh do không còn lãi chuyển nhượng chứng khoán nên lợi nhuận sau thuế trong nửa đầu năm nay chỉ đạt 82 tỷ đồng. Dù giảm hơn 27% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng kết quả này vẫn giúp nhà xuất bản lớn nhất cả nước hoàn thành kế hoạch năm đề ra trước đó.

Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Công ty đang chiếm khoảng 80% thị phần phát hành sách trong cả nước. Ngoài ngành nghề kinh doanh chính, công ty còn hoạt động trong lĩnh vực buôn bán vật tư và bất động sản.Theo kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển giai đoạn 2017 - 2022, công ty đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng liên tiếp 4% một năm. Dự kiến đến năm 2022 sẽ cán mốc 1.500 tỷ đồng doanh thu và 90 tỷ đồng lợi nhuận.Ban lãnh đạo công ty đánh giá, chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa được triển khai sẽ khiến thế độc quyền xuất bản sản phẩm này bị phá vỡ. Công ty bước vào môi trường cạnh tranh khốc liệt về chất lượng, giá bán và chính sách bán hàng với đối thủ là nhà xuất bản thuộc sở hữu của các trường đại học có tiềm lực tài chính và sự đầu tư lớn.Công ty đang chủ trì và tổ chức biên soạn 495 đầu sách giáo khoa mới từ lớp 1 đến 12 cho giai đoạn từ nay đến 2020, với tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng một bộ. Đồng thời, tập trung phát triển đề án xuất bản điện tử và sản xuất thiết bị trường học để tăng sức cạnh tranh. 

Minh Phượng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo