Văn hóa

Lạng Sơn mùa trẩy hội, hấp dẫn với các trò diễn dân gian

Lạng Sơn – tỉnh miền núi phía Bắc Tổ quốc, nơi sinh sống của đông đảo bà con dân tộc Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Mông, Sán Chay... Từ chiếc nôi văn hóa đa dạng ấy, các lễ hội nơi đây mang nhiều nét riêng và độc đáo.

Tết đến xuân về, xứ Lạng vào xuân cũng là lúc mùa lễ hội bắt đầu. Các di tích nổi tiếng cùng những lễ hội với nhiều trò chơi, trò diễn, nhiều nét văn hóa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc vẫn được duy trì, gìn giữ và phát huy chính là những điểm đến ý nghĩa của du khách du xuân, trẩy hội.

Theo thống kê, Lạng Sơn có hơn 270 lễ hội lớn, nhỏ khác nhau diễn ra trên khắp địa bàn và tập trung nhất là tháng Giêng. Đáng chú ý, Lạng Sơn hiện đã có các lễ hội là di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể tiêu biểu được đưa vào danh mục DSVH phi vật thể cấp quốc gia, gồm: lễ hội đền Kỳ Cùng – đền Tả Phủ, TP.Lạng Sơn; lễ hội Bủng Kham (xã Đại Đồng, huyện Tràng Định); lễ hội Ná Nhèm (xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn). Đặc biệt, theo kế hoạch tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Mậu Tuất năm 2018, Lạng Sơn sẽ tổ chức Tuần Văn hóa- Thể thao và Du lịch gắn với khai mạc Lễ hội đền Kỳ Cùng - đền Tả Phủ lần thứ II. Chương trình dự kiến diễn ra từ ngày 8.3 đến hết 14.3.2018 (tức từ ngày 21 đến hết ngày 27 tháng Giêng năm Mậu Tuất) sẽ là những điểm đến hấp dẫn trong hành trình du xuân, trẩy hội của du khách trên quê hương xứ Lạng.

Các lễ hội thu hút nhiều du khách từ khắp các vùng miền. (I.T).

Cùng với đó, theo kế hoạch, mỗi huyện, thành phố lựa chọn 1 lễ hội tiêu biểu để chỉ đạo, tổ chức khai mạc với quy mô cấp huyện, thành phố; chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tổ chức, quản lý tốt các lễ hội trên địa bàn. Do đó, mùa lễ hội sẽ đảm bảo diễn ra an toàn, vui tươi, lành mạnh, ý nghĩa, nhân lên những giá trị chân - thiện – mỹ. Trong quá trình du xuân, trải nghiệm, hòa mình vào không gian lễ hội với các trò chơi, trò diễn… du khách còn có thể kết hợp với việc tham quan, vãn cảnh các di tích, danh thắng nổi tiếng, cầu tài lộc, sức khỏe, may mắn. Xuân về, các điểm di tích luôn tấp nập du khách như di tích đền Kỳ Cùng, đền Tả Phủ; đền Cửa Đông, đền Cửa Tây, đền Cửa Nam, đền Cửa Bắc; chùa Tiên, chùa Thành, chùa Tam Giáo, chùa Tam Thanh… Rời TP. Lạng Sơn, du khách có thể lên phía Bắc thăm Đền Mẫu Đồng Đăng (Cao Lộc), chùa Tân Thanh (Văn Lãng); sang phía Đông thăm chùa Bắc Nga (Cao Lộc); xuôi về phía Nam thăm đền Bắc Lệ, huyện Hữu Lũng.

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Phúc Hà- Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lạng Sơn cho biết: Xứ Lạng- vùng đất đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống là tỉnh miền núi biên giới với nhiều dân tộc cùng sinh sống. Đây là những nền tảng cơ bản tạo nên sự đa dạng, phong phú về văn hóa của tỉnh. Nét hấp dẫn của du lịch văn hóa Lạng Sơn đầu tiên là những lễ hội mùa xuân. Trên “phông màu” văn hóa dân tộc, các lễ hội ở Lạng Sơn mang những nét đẹp nổi bật, tiêu biểu cho các lễ hội của cư dân vùng núi phía Bắc. Tỉnh Lạng Sơn có đến 90% các lễ hội được tổ chức hàng năm. Đặc trưng lễ hội Lồng Tồng- lễ hội cầu mùa, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, “nhân khang, vật thịnh”...

Lễ hội Lồng Tồng, một nét vă hóa độc đáo của con người Xứ Lạng. (I.T).

Những lễ hội ở mỗi địa phương khác nhau đều mang phong vị và sắc thái đặc trưng riêng. Không dừng lại ở đó, khi đến với mỗi làng quê của đồng bào các dân tộc xứ Lạng, du khách dễ dàng cảm nhận được tấm lòng chân tình, mến khách của những người dân nơi đây. Đặc biệt năm nay tỉnh Lạng Sơn vinh dự được đón nhận Bằng chứng nhận Di sản Văn hóa phi vật thể đối với lễ hội Trò Ngô (xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng); lễ hội Phài Lừa (xã Hồng Phong, huyện Bình Gia); và Múa sư tử Mèo. Đây là điểm nhấn trong nét văn hóa cũng là tiền đề để ngành du lịch Lạng Sơn ngày càng phát triển.

Đến Xứ Lạng mùa lễ hội, du khách còn có dịp được thưởng thức các món ẩm thực nức tiếng. Bởi, Lạng Sơn giờ đây được mệnh danh là "mùa nào, thức ấy” với những món ăn như lợn quay, vịt quay nóng hổi, thơm nồng hương vị mác mật đặc trưng; món khau nhục, khoai môn, phở chua, bánh cuốn, rồi các món rau đặc sản như cải ngồng, cải làn… được chế biến qua bàn tay khéo léo của các đầu bếp. Đặc biệt, trong tiết trời se lạnh, Lạng Sơn luôn có món “lẩu rau” rất ngon miệng với các loại rau đặc sản như cải ngồng, cải làn, ngồng cải xanh, tập tàng… Khi ăn, chiêu thêm ly rượu Mẫu Sơn thơm nồng, chắc chắn phong vị món lẩu sẽ mang đến cho người thưởng thức cảm giác đậm đà, khó quên.     

Nên đọc
Theo Dân Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo