Chân dung

Lão nông với trại bò sữa bạc tỷ

Chỉ sau vài tháng lão nông Trần Đức Năm bắt tay vào xây dựng chuồng trại, chăn nuôi, đến nay, trong tổng số 55 con bò sữa đã có 24 con cho hơn 400 lít sữa mỗi ngày, mở ra hướng làm giầu mới ở làng Nhân Hòa, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Đây cũng chính là vùng đất nổi tiếng với chuối tiến vua, cá kho Đại Hoàng và có ngôi nhà “Bá Kiến”- nguyên mẫu trong tác phẩm “Chí Phèo” của cố nhà văn Nam Cao...

 

 

“Liều” vay tiền tỷ nuôi bò sữa

 

Chuyện nông dân đầu tư vài tỷ đồng nuôi bò sữa chẳng hiếm và cũng không lạ gì ở nhiều vùng quê, có khi lại là chuyện bình thường. Nhưng với mọi người ở phía Nam huyện Lý Nhân thì chuyện ông Năm vay tiền tỷ nuôi bò sữa lại là chuyện quá “liều”.

 

Bởi với nhiều nông dân nghèo ở vùng quê này, chuyện bỏ ra sáu bảy chục triệu mua một con bò sữa giống loại tốt chẳng dễ chút nào. Tâm lý nhiều người vẫn e dè, suy tính thiệt hơn. Đầu tư nuôi một con bò sữa giống là của cả một đống tiền, cả cơ nghiệp, nhỡ rủi ro thì trắng tay. Trong khi hàng ngày, họ còn phải tất bật ngược xuôi lo cơm áo, gạo tiền nên đâu dám nghĩ...

 

Thế là ông Năm nghiễm nhiên trở thành người đầu tiên ở vùng quê “Chí Phèo” có trại bò sữa bạc tỷ và là người nuôi bò sữa nhiều nhất tỉnh Hà Nam. Ai cũng trầm trồ thán phục xen lẫn tự hào, vì có người dám nghĩ, dám làm giầu ngay chính trên quê hương mình, bằng việc “chắt từ hạt phù sa cho giọt sữa mát lành”.

 

Ấy vậy mà khi nói chuyện với chúng tôi, ông vẫn cứ chân chất, khiêm tốn, hề hà bảo việc nuôi bò sữa có gì là ghê gớm.

 

Trước khi bỏ tiền tỷ ra đầu tư trang trại nuôi bò sữa, lão nông Trần Đức Năm cũng làm đủ thứ việc, thứ nghề để mưu sinh. Ông chẳng nề hà việc gì, từ trồng hoa màu, đào ao, đấu thầu đầm hồ nuôi thả cá đến sản xuất gạch xây dựng...

 

Ông bảo, làm thế mà kinh tế gia đình chẳng dư dả là bao, đủ ăn là may lắm rồi, nỗi khát vọng làm giàu chưa được thỏa mãn. Trong lòng luôn cảm thấy thiếu thiếu một cái gì đấy, cứ thấy tiềm năng thế mạnh của địa phương bị lãng phí, chưa được tận dụng hết.

 

Đàn bò sữa tiền tỷ của ông Năm

 

Chỉ đến khi tỉnh Hà Nam triển khai dự án phát triển vùng chăn nuôi bò sữa bền vững theo quy mô hộ gia đình ở huyện Lý Nhân, nỗi khát vọng làm giàu  trong ông mới thật sự trỗi dậy. Mới đầu ông Năm còn mơ hồ, hoài nghi về chương trình dự án và chưa tự tin, vì kiến thức kỹ thuật chăn nuôi bò sữa còn hạn chế.

 

Nhưng với bản chất của một nông dân chính gốc nên nhận thấy quê mình đồng đất bãi sông Hồng rộng rãi, màu mỡ, rất thuận tiện cho việc trồng cỏ, tạo thức ăn cho chăn nuôi đàn gia súc.

 

Nghĩ, rồi ông lại tự hỏi mình, thuận lợi thế, tại sao không làm, trong khi nhiều nơi còn khó khăn điều kiện nguồn thức ăn chăn nuôi, mà người ta vẫn nuôi bò sữa thành công? T

 

hế là nỗi đam mê tìm tòi, học hỏi khiến ông theo đuổi đến cùng, quyết chí xây dựng trại bò sữa để làm giàu. Ông cũng được anh em, bạn bè và người thân trong gia đình ủng hộ, động viên.

 

Đặc biệt, tỉnh Hà Nam tạo cơ chế chính sách thông thoáng, cho ông vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn 80% số vốn xây dựng chuồng trại, 70% số vốn đầu tư giống bò sữa. Như diều gặp gió, được tiếp thêm động lực, ông huy động thêm vốn của người thân, bạn bè, vốn ích lũy được để nuôi bò sữa với số lượng lớn ngay từ đầu.

 

Vậy là, với tổng vốn đầu tư hơn 8 tỷ đồng, trong đó, hơn 4 tỷ đồng mua bò giống, ông mua 55 con bò sữa giống từ huyện Mộc Châu, Sơn La về nuôi, trong đó có 50 con thuộc dự án được hỗ trợ vay vốn. Khu chuồng trại được ông xây dựng liên hoàn theo đúng quy trình, đạt chuẩn: có phòng ủ thức ăn, chỗ ăn, chỗ nghỉ, sân chơi cho bò và khu vắt sữa.

 

Ngoài ra, ông còn xây bể chứa chất thải, mua máy chế biến thức ăn, 4 máy vắt sữa, mua ô tô bán tải, thùng bảo quản sữa đạt chuẩn để vận chuyển sữa đến cơ sở thu gom sữa cách khoảng 50 km. Tổng diện tích chuồng trại hơn 4 nghìn  m2  đang được ông dần hoàn thiện hết, để tiếp tục nuôi đợt hai thêm 50 con bò sữa nữa trong nay mai.

 

Khát vọng thành lập Công ty bò sữa

Mới tháng chạp năm ngoái, ông Năm bắt tay vào nuôi bò sữa, vậy mà đến nay, đã có 24 con bò đẻ, cho hơn 400 lít sữa mỗi ngày. Ông dự tính đến hết tháng 7 tới, số bò còn lại sẽ đẻ hết và cho sữa đều. Số sữa hàng ngày có được, ông mang 250 - 300 lít nhập cho chi nhánh Vinamilk ở xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên, hơn 100 lít dành cho bê cái uống để phát triển đàn bò sữa sau này.

 

Bà con trong vùng cũng đến tận trại bò của ông để mua sữa mang về uống. Ngày ít, ông bán từ 20 – 30 lít, ngày nhiều thì bán được gần 100 lít sữa cho bà con.

 

Ông Năm nhẩm tính: Với giá sữa cơ sở thu mua hiện nay gần 14 nghìn đồng/lít, bán lẻ cho dân là 25 nghìn đồng/ lít, thì mỗi ngày gia đình ông cũng thu nhập khoảng 4 -5 triệu đồng và một tháng, một con bò cho thu nhập khoảng 3 triệu đồng tiền lãi. Nếu thuận lợi thì sau này, khi toàn bộ 55 con bò cho sữa, trung bình 25 lít/con và chỉ tính giá cơ sở thu mua thôi, mỗi tháng gia đình ông sẽ thu nhập gần 600 triệu đồng, chưa trừ chi phí.

 

Vui, tự tin dẫn chúng tôi đi thăm khu trại nuôi bò, ông bảo, điều quan trọng trong chăn nuôi bò sữa là phải chọn con giống tốt, chuồng trại phải đạt chuẩn, phải biết tính toán khẩu phần ăn của bò sao cho đầy đủ dinh dưỡng nhất, cho bò ăn thêm cây ủ chua.

 

Mọi công việc thì mục đích cuối cùng là làm sao bò có được nhiều sữa nhất, cho nên từ cách chăm sóc bò sao cho khỏe mạnh, việc trồng cỏ, chọn thức ăn đến việc vệ sinh chuồng trại phải luôn cẩn thận, đảm bảo sạch sẽ. Con bò tuy dễ nuôi nhưng cũng hay mắc bệnh tiêu chảy, tụ huyết trùng rất nguy hiểm nên khâu phòng bệnh cũng phải luôn được chú ý.

 

Đặc biệt, trước lúc vắt sửa phải dành nhiều thời gian vệ sinh cọ rửa, tẩy trùng. Quá trình vắt sữa rất nhanh nên phải sử dụng máy vắt sữa, chứ không vắt bằng tay để đảm vệ sinh.

 

Làm như vậy chất lượng sữa sẽ được đảm bảo, lượng sữa được tăng thêm, lại tránh được bệnh cho bò. Do nắm bắt được kỹ thuật nên khi bò mẹ sinh ra bê đực, ông Năm nuôi thời gian ngắn rồi đem bán, còn  bê cái thì để nuôi nhân giống, phát triển đàn bò sữa của gia đình.

 

Ông còn cho biết thêm, quê Hòa hậu có đất bãi Sông Hồng rất màu mỡ, nhưng nhiều người chủ yếu trồng các loại cây ngô, đậu đỗ, cây lúa nên giỏi lắm cũng chỉ đủ ăn. ông thì lại nhận thấy, những loại cây này là nguồn thức ăn rất tốt để nuôi bò sữa.

 

Ông mua gần 5 ha đất của các hộ dân trong vùng để trồng cỏ, trồng ngô chủ động làm thức ăn cho đàn bò. Ngoài nguồn thức ăn chủ động được, ông còn đi thu gom cỏ, cây ngô, thậm chí mua lại của hộ dân ở các vùng lân cận.

 

Sau vài tháng chăn nuôi, đàn bò phát triển tốt (Trong ảnh: ông Năm đang giám sát quy trình vắt sữa)

 

Chỉ tay về phía có mấy heta đất để trồng cỏ thức ăn cho bò, ông Năm nói với vẻ tự tin: Thời gian tới, xin chính quyền địa phương cho đấu thầu thêm 3ha đất để trồng cỏ. Phấn đầu đến năm 2017, phát triển đàn bò sữa lên 200 con, tiến tới thành lập công ty bò sữa.

 

Nếu thuận lợi, có thể mua công nghệ chế biến sản phẩm từ sữa như, bánh sữa, sữa chua, sữa tươi...vì trang trại rất gần thị trường thành phố Nam Định, nhu cầu người dân trong vùng cũng bắt đầu thích uống sữa bò tươi.

 

Không hy vọng về những dự định này sao được, khi mà những nông dân như ông Năm say mê với đồng đất để làm giàu. Nhưng đấy là chuyện của tương lai, còn hiện tại, ông nhận thấy, mô hình nuôi bò sữa có nhiều ưu điểm, vừa tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên, phụ phẩm nông nghiệp như cây ngô, cỏ, vừa đảm bảo công việc ngay tại nhà. Trại bò sữa của ông giải quyết được vài lao động trong gia đình.

 

Tuy nhiên, để phát triển bền vững đàn bò sữa ở vùng phía Nam huyện Lý Nhân thì theo ông Năm, người dân cũng như bản thân ông gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư ban đầu, kỹ thuật chăm sóc, cơ sở thu mua sữa lại ở quá xa...

 

Bởi hiện nay, số lượng sữa bò hàng ngày của gia đình ông còn ít thì còn xử lý được, chứ đến khi đàn bò cho sữa nhiều thì khâu vận chuyển sữa đến cơ sở thu gom rất bất tiện. Vì vậy, ông mong muốn có trạm thu gom sữa ở gần, được trang bị, hỗ trợ nhiều hơn nữa về kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh, điều trị bệnh cho bò.

 

Đến thăm trại bò sữa của ông Năm, được thấy đàn bò phát triển tốt, được mời uống cốc sữa bò tươi nguyên chất, thơm ngậy, mát lành mang hương vị đồng đất phù sa Sông Hồng, chúng tôi thấy mô hình nông hộ nuôi bò sữa, mà ông Năm là người tiên phong khởi xướng ở vùng đất này bước đầu được khẳng định có hiệu quả.

 

 

Hà Hương Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo