Thị trường

Lợi thế “không nước nào có” của Việt Nam khi gia nhập TPP

(DNVN) - Với chuyên đề về Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được công bố sáng 2/12, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng Việt Nam có một số lợi thế so sánh, mà không nước nào có.

Sáng nay 2/12, Ngân hàng Thế giới (World Bank) tổ chức họp báo công bố báo cáo “Điểm lại: Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam”. Liên quan đến Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), báo cáo cho rằng TPP được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn cho Việt Nam.

Họp báo World Bank sáng 2/12/2015. Ảnh: Dân trí

“Hiệp định TPP mới hoàn tất gần đây sẽ không chỉ cải thiện tiếp cận thị trường, mà còn là một nhân tố quan trọng cho giai đoạn tiếp theo của các cải cách cơ cấu tại Việt Nam”, theo ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia Kinh tế trưởng của World Bank tại Việt Nam.

Cụ thể, là thành viên có mức thu nhập GDP/đầu người thấp nhất trong TPP, Việt Nam có những lợi thế so sánh đặc biệt mà các thành viên khác không có, đặc biệt là trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng nhiều lao động. Các kết quả mô phỏng cho thấy trong vòng 20 năm tới TPP sẽ đóng góp thêm 8% GDP của Việt Nam, 17% giá trị xuất khẩu thực tế và 12% năng lực sản xuất. Mặc dù sẽ có nhiều thách thức, nhưng tác động chung của TPP đối với Việt Nam là tích cực, theo World Bank.

Theo đánh giá của tổ chức này, kinh tế Việt Nam đã ứng phó tương đối tốt trước những biến động của môi trường kinh tế bên ngoài với tăng trưởng GDP ước tính đạt mức 6,5% trong năm nay. Mức tăng trưởng kinh tế đáng khích lệ đạt được trong năm nay phần nhiều là do tăng tổng cầu trong nước nhờ gia tăng đầu tư và tiêu dùng cá nhân.

WB cũng cho rằng, TPP sẽ làm tăng thêm khối lượng FDI vào Việt Nam và làm tăng năng lực xuất khẩu, kể các các nhà cung cấp thượng nguồn cho các ngành hiện đang bị chi phối bởi quy định nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ (ví dụ dệt may).

Bên cạnh đó, việc cắt giảm các biện pháp phi thuế quan cũng sẽ đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Đầu tư dự kiến sẽ tăng trên 20% khi TPP đi vào thực hiện và sẽ làm tăng đáng kể lượng vốn đầu tư và tăng trưởng dài hạn. Tiền lương 5 nhóm ngành dự kiến cũng sẽ tăng trong giai đoạn 2020-2035, trong đó tiền lương nhóm tay nghề thấp tăng nhanh nhất.

 

Tác động tiếp theo là TPP sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam tăng khả năng thâm nhập thị trường và mở rộng cơ hội xuất khẩu. Hầu hết các loại thuế quan và nhiều biện pháp phi thuế quan đối với sản phẩm công nghiệp sẽ bị loại bỏ và cắt giảm ngay lập tức; thuế quan và các chính sách hạn chế khác đối với sản phẩm nông nghiệp sẽ bị loại bỏ và cắt giảm dần.

Theo đánh giá của WB, Việt Nam đã thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng giảm xuất khẩu nguyên liệu thô và tăng sản phẩm chế tạo có giá trị cao hơn. TPP sẽ tiếp tục đẩy nhanh quá trình này. Hiện nay tỷ trọng hàng chế tạo chiếm khoảng 58% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, nhưng đến năm 2035 sẽ tăng thêm 30% nữa, báo cáo ước tính.

Nhìn tổng thể, WB cho rằng việc Việt Nam thực hiện các cam kết TPP cũng đồng nghĩa với thực hiện một chương trình cải cách trong nước và quyết liệt.

Tùng Bách (T/h)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo