Góc nhìn

Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực: Người nghỉ hưu năm 2016, 2017 có bị thua thiệt?

Chỉ 7 tháng nữa, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 sẽ có hiệu lực. Theo TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) mới, những người đủ điều kiện nghỉ hưu trong năm 2016 và 2017 không bị ảnh hưởng về quyền lợi.

 

Khi Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực (ngày 1/1/2016), nhiều người lo ngại bị ảnh hưởng quyền lợi. Thưa ông, vậy thực tế như thế nào?
 
Theo Luật BHXH, khi có đủ thời gian đóng bảo hiểm từ 20 năm trở lên, nếu đủ 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ (trừ một số ngành nghề, lao động đặc biệt được quyền nghỉ hưu trước tuổi), người lao động được quyền nghỉ hưu.
 
TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội
 
Năm 2016 và 2017, người nghỉ hưu được nhận lương hàng tháng bằng 45% mức bình quân lương tháng đóng bảo hiểm tương ứng với 15 năm tham gia BHXH. Sau đó, cứ thêm một năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% với nữ đến khi đủ mức lương hưu tối đa bằng 75% mức bình quân lương tháng đóng bảo hiểm.
 
Đối với người lao động làm việc trong khu vực nhà nước (cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang...) tham gia BHXH trước năm 1995, lương hưu được tính trên cơ sở lương đóng bảo hiểm của 5 năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu; tham gia bảo hiểm từ năm 1995 đến năm 2000, từ năm 2001 đến năm 2006 và từ năm 2007 đến năm 2015, lương hưu được tính trên cơ sở lương đóng bảo hiểm của 6 năm, 8 năm và 10 năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu.
 
Ngoài ra, người nghỉ hưu nếu có thời gian đóng bảo hiểm trên 30 năm, thì từ năm thứ 31 trở đi, mỗi năm được nhận trợ cấp một lần bằng 0,5 tháng lương bình quân đóng BHXH theo cách tính như trên.
 
Như vậy, mặc dù Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực kể từ năm 2016, nhưng những người nghỉ hưu năm 2016 và 2017 không hề bị ảnh hưởng.
 
Từ năm 2018 trở đi thì sao, thưa ông?
 
Năm 2018, nam giới đủ điều kiện nghỉ hưu được nhận lương tháng bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm tương ứng với 16 năm tham gia BHXH, thay vì 15 năm như hiện nay, sau đó sẽ nâng dần lên 17 năm, 18 năm và 19 năm vào năm 2019, năm 2020 và năm 2021. Từ năm 2022 trở đi, nam giới đủ điều kiện nghỉ hưu nhận được lương bằng 45% mức bình quân lương tháng đóng bảo hiểm tương ứng với 20 năm tham gia BHXH và cứ mỗi năm tăng thêm được tính thêm 2% cho đến mức tối đa là 75%.
 
Còn đối với nữ giới vẫn áp dụng mức lương hưu bằng 45% mức bình quân lương tháng đóng bảo hiểm tương ứng với 15 năm, sau đó cứ mỗi năm tăng thêm được tính thêm 2%, thay vì 3% như hiện nay.
 
Ông có thể giải thích một cách dễ hiểu hơn được không?
 
Nếu nam giới đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định hiện nay thì được hưởng lương bằng 55% mức bình quân lương tháng đóng bảo hiểm, bao gồm 45% tính cho 15 năm đóng bảo hiểm và 10% tính cho 5 năm tiếp theo (mỗi năm thêm 2%), thì khi Luật BHXH được áp dụng hoàn toàn (năm 2022), nam giới đủ điều kiện nghỉ hưu chỉ được hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân lương tháng đóng bảo hiểm, tức là bị giảm 10%. Như vậy, để được hưởng lương hưu tối đa thì nam giới phải đóng bảo hiểm 35 năm, thay vì 30 năm như hiện nay.
 
Đối với nữ giới, nếu nghỉ hưu theo quy định hiện hành được hưởng lương hưu bằng 60% mức bình quân lương tháng đóng bảo hiểm, bao gồm 45% tính cho 15 năm đóng bảo hiểm và 15% tính cho 5 năm tiếp theo (mỗi năm thêm 3%). Nhưng kể từ năm 2022 trở đi, mức lương hưu nhận được chỉ bằng 55% mức bình quân lương tháng đóng bảo hiểm, muốn được hưởng lương hưu tối đa thì nữ giới phải đóng bảo hiểm 30 năm, thay vì 25 năm như hiện nay.
 
Vì sao lại kéo dài thời gian đóng bảo hiểm, thưa ông?
 
Việc kéo dài thời gian đóng bảo hiểm và điều chỉnh cách tính lương hưu là cần thiết, vì tuổi nghỉ hưu của Việt Nam (60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ) thuộc hàng thấp nhất thế giới, dẫn đến thời gian đóng BHXH ngắn, trong khi tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng được cải thiện, nên thời gian hưởng lương hưu kéo dài. Nếu không kéo dài thời gian đóng bảo hiểm và điều chỉnh cách tính lương hưu, thì Quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần.

Thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, sẽ có rất nhiều người lao động đủ tuổi nghỉ hưu, nhưng lại chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm tối đa là 35 năm đối với nam và 30 năm đối với nữ?
 
Trong trường hợp đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm tối đa thì người lao động có thể đóng bảo hiểm theo hình thức tự nguyện để được hưởng mức lương hưu tối đa bằng 75% mức bình quân lương tháng đóng bảo hiểm. Thậm chí, nếu vì lý do nào đó mà người lao động thiếu cả tuổi nghỉ hưu lẫn thời gian đóng bảo hiểm tối đa, thì có thể đóng tiếp số tiền còn thiếu theo quý, theo năm hoặc 6 tháng/lần theo hình thức bảo hiểm tự nguyện và chờ đủ tuổi nghỉ hưu sẽ được nhận lương hưu.
 
Mức đóng bảo hiểm tự nguyện bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động tự quyết định, nhưng thấp nhất bằng mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở. Nếu có điều kiện, theo tôi, người lao động có thể đóng bảo hiểm tự nguyện ở mức cao nhất có thể để được nhận mức lương hưu cao vì lương hưu được tính trên cơ sở bình quân toàn bộ lương tháng đóng bảo hiểm.
 
Theo Báo Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo