Tài chính - ngân hàng

M&A ngân hàng đang phát huy được hiệu quả tốt

Cho đến nay ở Việt Nam, hầu hết các hoạt động M&A trong lĩnh vực ngân hàng đã xảy ra đều đạt được mục tiêu cần thiết dưới sự giám sát của NHNN.

 

M&A được xem là cơ hội mở rộng quy mô hoạt động với nhiều ngân hàng lành mạnh
 
Chủ trương của NHNN khuyến khích các ngân hàng tự nguyện M&A và tình hình cạnh tranh ngày càng tăng của khu vực ngân hàng nên NHNN cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh M&A, kể cả với nhà băng lớn, tổ chức tài chính, tín dụng phi ngân hàng, đẩy mạnh tái cấu trúc ngành.

Đẩy mạnh M&A
 
Mục tiêu giảm số lượng ngân hàng xuống còn 20 - 25 TCTD trong toàn hệ thống đòi hỏi các ngân hàng phải có sự nỗ lực rất lớn trong hoạt động mới có thể nâng cao được nâng lực cạnh tranh và tồn tại trên thị trường, không còn cách làm như một số ngân hàng như trước đây. Do đó, trong thời gian tới, hoạt động của ngành ngân hàng cũng đòi hỏi phải có sự thay đổi về mọi mặt, cả quản trị lẫn công tác quản lý rủi ro. 
 
Về tái cơ cấu, bao gồm cả M&A trong lĩnh vực ngân hàng, tinh thần NHNN cho biết, sẽ quyết liệt hơn trong 6 tháng còn lại của năm. Vì thế, trong nửa cuối năm, việc tái cơ cấu sẽ được nâng lên tầm cao mới, dựa trên cơ sở pháp lý chặt chẽ hơn. Hay nói cách khác, làn sóng M&A lĩnh vực ngân hàng sẽ tiếp tục nóng.
 
Ông Trần Ngô Phúc Vũ, Nguyên CEO Nam A Bank
 
Trên nguyên tắc, căn cứ vào quyết định định giá, xác định giá trị doanh nghiệp và vốn chủ sở hữu theo quy định. Nếu TCTD nào không đáp ứng được vốn chủ sở hữu hoặc lỗ lũy kế ăn thâm vào vốn thì có 2 lựa chọn:  “bơm” tiền vào hoặc phải bán với giá thấp nhất. Qua đó, có thể hình dung được rằng, đối với hoạt động của ngành ngân hàng trong thời gian tới, nếu ngân hàng nào làm thực mới có thể “sống” tốt, không còn tình trạng vốn ảo và kỳ vọng lãi cao như trước đây. NHNN sẽ đẩy mạnh hơn tái cấu trúc, đẩy mạnh M&A để xóa sở hữu chéo trong hệ thống ngành ngân hàng.
 
M&A cũng được xem là cơ hội mở rộng quy mô hoạt động, đẩy mạnh tăng trưởng bằng cách rút ngắn thời gian, nhưng điều quan trọng để đạt mục đích chính là sự tích hợp trong thời kỳ hậu M&A. Vì thế, để đạt được mục tiêu kỳ vọng trong M&A thì không chỉ tìm được đối tác phù hợp mà phải làm sao tích hợp thành công, tránh xung đột và hài hòa lợi ích cổ đông… Có như vậy mới đạt hiệu quả cao trong hoạt động.
 
Về chiến lược truyền thông trong tái cơ cấu nói riêng và điều hành chính sách tiền tệ nói chung hiện nay phía NHNN đã chủ động khá tốt. Vì thế, việc M&A giữa các ngân hàng không bị rối và NHNN luôn ở vị thế chủ động, xác định M&A là một giải pháp để đảm bảo duy trì một số lượng TCTD vừa phải cho hệ thống, với khoảng 20 – 25 ngân hàng trong giai đoạn cuối 2015 – 2016, đồng thời có thể tạo ra được những TCTD quy mô lớn, trụ cột của nền kinh tế và có đủ sức cạnh tranh mang tầm cỡ với các ngân hàng trong khu vực.
 
Do đó, M&A trong lĩnh vực ngân hàng sẽ ngày càng được xem là giải pháp hữu hiệu để giúp ngành đẩy mạnh tái cấu trúc, lành mạnh hệ thống nên sẽ có nhiều ngân hàng tiếp tục M&A theo chiều hướng ngày một tốt và minh bạch hơn. M&A trong lĩnh vực ngân hàng được xem là một xu hướng tất yếu. Vì thế, việc tiên phong M&A được xem là cơ hội để tăng trưởng và phát triển.
 
Xử lý nợ xấu
 
Mục tiêu của tái cấu trúc ngân hàng là lành mạnh hệ thống và xử lý nợ xấu. Nợ xấu là vấn đề đã xảy ra trước đây, nhưng sau quá trình tái cấu trúc ngân hàng trong 3 năm qua, nợ xấu đã phần nào được xử lý. Từ năm 2012, NHNN đã sớm bắt bệnh để chữa trị, dù vẫn biết nợ xấu là vấn đề nhạy cảm của ngành. Đó là việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong hoạt động của ngành với Thông tư 02 và 09 về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro, với mục tiêu nhận diện rõ mức độ nợ xấu. Các ngân hàng buộc gọi đúng tên nợ xấu để làm sạch bản cân đối tài sản.
 
Việc xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro đã và đang được các NHTM nỗ lực, bằng cách hy sinh lợi nhuận để đảm bảo an toàn trong hoạt động. Chủ trương của NHNN đưa ra cũng yêu cầu NHTM phải trích dự phòng đầy đủ trước khi nghĩ đến chia trả cổ tức.
 
Cùng với những nỗ lực trên, VAMC đã ra đời và sau hơn 1 năm đã mua được lượng nợ xấu lớn từ ngân hàng, làm sạch bảng cân đối kế toán. Đến cuối năm 2014, VAMC đã mua trên 100.000 tỷ đồng nợ xấu từ các NHTM. Những kết quả đạt được ban đầu của VAMC rất đáng khích lệ, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu trong thời gian tới. Đặc biệt là mới đây khi Chính phủ vừa ban hành Nghị định 34 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 53/2013/NĐ-CP sẽ tác động đến tiến trình xử lý nợ xấu…
 
Rõ ràng, VAMC là một sáng kiến khi xử lý nợ xấu không dùng tiền ngân sách. Tuy vậy, VAMC không phải là cây đũa thần nên không thể một lúc có thể xử lý hết được nợ xấu. Thông qua VAMC, các ngân hàng có thể mà sạch được bản cân đối kế toán, tạo được uy tín trên thị trường cũng như tăng trưởng tín dụng thuận lợi hơn.
 
Thực tế, để xử lý được đống nợ xấu khổng lồ, các NHTM không thể đủ lực để trích dự phòng trong thời gian ngắn, nhưng thông qua VAMC, các ngân hàng có thể kéo dài thời gian trích lập dự phòng xử lý nợ lên 5 năm và thậm chí theo đề xuất của các TCTD có thể xem xét sửa đổi kéo dài lên đến 10 năm. Đây là khoảng thời gian quý báu để các TCTD giảm áp lực trích dự phòng rủi ro trong một khoảng thời gian ngắn và hoạt động có hiệu quả hơn, có điều kiện để tái cấu trúc trong giai đoạn thị trường khó khăn.
 
Ngoài ra, muốn xử lý được nợ xấu nhanh và triệt để hơn đòi hỏi có sự kết hợp đồng bộ từ nhiều phía, cơ quan ban ngành, nhất là trong khâu phát mãi tài sản đảm bảo mới giúp quá trình xử lý nợ xấu nhanh hơn. Nhìn xa hơn nữa phải có các giải pháp kích cầu sức mua thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, giảm hàng tồn kho, hình thành thị trường mua - bán nợ xấu. 
 
Cải thiện dần
 
Sau gần 4 năm thực hiện tái cơ cấu theo Đề án 254, đến thời điểm này, hệ thống ngân hàng đã đạt được kết quả khả quan. Thứ nhất, thanh khoản của các NHTM được củng cố, tạo lòng tin đối với người gửi tiền. Thứ hai, ngành ngân hàng đã nỗ lực rất lớn để xử lý nợ xấu. Thứ ba, việc xử lý sở hữu chéo, lũng đoạn cũng đã có những tiến bộ bước đầu. Những biện pháp đã thực hiện trong vài năm gần đây như là kiểm soát chặt chẽ quan hệ sở hữu, cho vay người có liên quan, cho vay với mục đích đầu cơ. Thứ tư là hệ thống ngân hàng đã áp dụng chuẩn mực quản trị, quản lý rủi ro, chuẩn mực kế toán, báo cáo tài chính, chỉ tiêu an toàn hệ thống tiệm cận với thông lệ quốc tế.
 
Tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức đối với hệ thống ngân hàng. Điển hình như việc xử lý nợ xấu vẫn tiếp tục là một khó khăn lớn khi mà các biện pháp tái cơ cấu theo Quyết định 780 hết hiệu lực và đồng thời Thông tư 02 bắt đầu có hiệu lực.
 
Điều này đòi hỏi không chỉ hệ thống ngân hàng mà cơ quan hoạch định chính sách phải tạo những điều kiện thuận lợi hơn về mặt pháp lý và nguồn lực để VAMC cũng như các NHTM giải quyết nhanh chóng nợ xấu theo những chuẩn mực về hạch toán nợ cao hơn, hoặc ít nhất bằng chuẩn mực áp dụng trong khu vực Đông Nam Á.
 
Việc áp dụng các quy định của Thông tư 36 cũng từng bước hướng đến chuẩn mực quốc tế. Trong số các chuẩn mực quốc tế cần phải được áp dụng, quan trọng nhất là chuẩn mực kế toán và báo cáo tài chính cộng với chuẩn mực an toàn hệ thống. Đây là những yêu cầu cấp bách để làm rõ vấn đề ngân hàng đang ở đâu, sức khoẻ thế nào, có khả năng duy trì lâu dài lòng tin của thị trường và ổn định kinh tế vĩ mô hay không.
 
Có thể nói, ưu điểm lớn nhất của các phương án tái cơ cấu trong giai đoạn vừa qua là không dùng đến ngân sách nhà nước, một đặc điểm mà nhiều nước trên thế giới thực hiện. Các ngân hàng đã tự nguyện sáp nhập hoặc dùng vốn của nhà đầu tư, tập đoàn tư nhân nước ngoài. Minh chứng là việc tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, trong 9 NHTM đã cơ bản tái cơ cấu xong đều do sáp nhập và tự các ngân hàng giải quyết như: tái cơ cấu của Ngân hàng SCB, Đệ Nhất và Đại Tín; sáp nhập Tiên Phong Bank - Doji, Habubank - SHB, PVcomBank - Ngân hàng Phương Tây, Navibank…
 
Về cơ bản, các mục tiêu đến năm 2015 trong đề án tái cơ cấu các TCCD đã được thực hiện. Đến nay, thành công chính của quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nổi bật nhất ở việc đảm bảo được tính thanh khoản hệ thống, không để xảy ra đổ vỡ, tạo ổn định ngành, ổn định kinh tế vĩ mô. Ba nhóm mục tiêu quan trọng nhất cuối cùng là mua bán, sáp nhập các TCCD; tăng vốn điều lệ và xử lý nợ xấu; cơ cấu lại hoạt động và quản trị đã đạt được những kết quả ban đầu, nhưng cần có thời gian và những giải pháp để giải quyết triệt để, bởi đây là một việc khó đối với bất kỳ một quốc gia nào.
 
 
Theo Trần Ngô Phúc Vũ, Nguyên CEO Nam A Bank Đặc s
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo