Quốc tế

Malaysia đe dọa độc quyền đất hiếm của Trung Quốc?

Tập đoàn quặng mỏ Lynas của Australia vừa được cấp giấy phép để bắt đầu xử lý đất hiếm nhập khẩu tại nhà máy Vật liệu tiên tiến Lynas (LAMP) đặt tại bang Pahang, miền Đông Malaysia.

Theo giới quan sát, nhà máy này sẽ đi đầu trong việc thúc đẩy nguồn cung cấp đất hiếm trên thế giới tăng vọt. Một khi đi vào hoạt động, LAMP có thể sản xuất khoảng 11.000 tấn đất hiếm mỗi năm, tức bằng 1/3 nhu cầu của thế giới, chưa tính Trung Quốc, và sau đó có thể tăng lên mức 22.000 tấn thường niên.

 

Theo Dudley Kingsnorth, một chuyên gia đất hiếm tại công ty Khoáng sản Công nghiệp Australia, hoạt động sản xuất của nhà máy này, cộng với việc người ta tiếp tục tìm thấy nguồn khai thác đất hiếm mới và việc tăng sản lượng từ các mỏ hiện có sẽ dẫn tới sản lượng đất hiếm ở ngoài Trung Quốc tăng 10 lần lên mức 60.000 tấn mỗi năm vào năm 2016.

 

Hệ quả tất yếu sẽ là sự phá vỡ thế độc quyền hiện nay của Trung Quốc đối với những nguyên liệu tối quan trọng cho các ngành công nghệ hiện đại, từ máy nghe nhạc iPod cho đến tên lửa.



Nếu như giá đất hiếm vẫn đứng yên ở mức cao ngất ngưởng như hiện nay, nhà máy ở Malaysia sẽ kiếm được 1,7 tỷ USD trong xuất khẩu các kim loại quý này.

 

Hiện nay, kim loại đất hiếm có giá trị sống còn đối với công nghệ kỹ thuật cao. Nhưng các nhà khoa học cũng biết rõ rằng việc tinh chế quặng đất hiếm sẽ để lại đằng sau nó hàng nghìn tấn chất thải phóng xạ mức thấp.

 

Chính vì vậy mà thế giới trước đây không “đoái hoài” đến việc sản xuất đất hiếm và “nhường” lại toàn bộ cho các nhà máy tinh chế ở Trung Quốc. Do đó, ngày nay Trung Quốc khai thác mỏ, tinh chế và cung cấp cho ít nhất 95% nhu cầu đất hiếm trên toàn cầu.

 

Nhờ thế độc tôn này mà trong thời gian qua, Bắc Kinh thời gian qua sử dụng đất hiếm như một thứ vũ khí thương mại toàn cầu. Ví dụ như trong tháng 9/2010, Trung Quốc áp đặt một lệnh cấm vận đối với sự vận chuyển đất hiếm cung cấp cho Nhật Bản trong thời gian hai quốc gia này đối đầu vấn đề chủ quyền lãnh thổ và thậm chí một số chuyến hàng quý giá cung cấp cho Mỹ và châu Âu cũng bị phong tỏa trong một thời gian ngắn.

 

Cách hành xử kiểu độc quyền này của Trung Quốc đã đẩy giá nguyên liệu đất hiếm trên thế giới tăng cao đến mức kỷ lục. Điều này buộc các quốc gia công nghiệp phát triển phải “nháo nhào” tìm nguyên liệu thay thế.

 

Theo ĐV

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo