Tin tức - Sự kiện

Một bộ phận cán bộ có tài sản đang nghe ngóng... để "ứng xử"

Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) phải quy định theo hướng vừa chống được tham nhũng mà đồng tiền có trong nước không chạy ra nước ngoài. Hiện có một bộ phận cán bộ có tài sản nhất định đang nghe ngóng xem luật quy định như thế nào để "ứng xử".

Sáng  11/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi. Theo đó vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về Điều 59 quy định về xử lý tài sản thu nhập tăng thêm không giải trình được.

Đánh thuế với tài sản thu nhập tăng thêm không giải trình được

Một trong điểm mới của dự thảo Luật trình ra phiên họp lần này là bổ sung Điều 59 quy định về xử lý tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày báo cáo giải trình tiếp thu dự thảo Luật PCTN (sửa đổi).

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trên cơ sở ý kiến của Đại biểu Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng việc xử lý tài sản, thu nhập chênh lệch do kê khai tài sản không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý có liên quan đến quyền sở hữu tài sản của người kê khai và vợ/chồng, con chưa thành niên của người kê khai.

Việc áp dụng các biện pháp xử lý trực tiếp đối với tài sản, thu nhập là một vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến quyền công dân, quyền con người đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013. Trường hợp áp dụng thì cũng cần phải sửa rất nhiều các đạo luật có liên quan mới được Quốc hội thông qua như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự.

Vì thế, việc quy định các biện pháp xử lý trực tiếp đối với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà không giải trình được một cách hợp lý trong dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi lần này là chưa thích hợp.

Từ những phân tích ở trên, Chính phủ đề xuất quy định về việc xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm và người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về việc hình thành tài sản, thu nhập theo 2 phương án:

Phương án 1: Cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan thuế thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời, dự thảo Luật Sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (bổ sung Điều 18a và điểm g khoản 2 Điều 23), quy định mức thuế suất 45% đối với thu nhập chịu thuế do vi phạm quy định của Luật PCTN (Điều 123 Dự thảo Luật).

 

Phương án 2: Cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm.

Cả 2 phương án, Dự thảo Luật đều quy định người bị thu thuế hoặc bị xử phạt hành chính có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện tại tòa án hành chính về kết luận xác minh tài sản, thu nhập. Việc thu thuế hay xử phạt hành chính đều không loại trừ trách nhiệm hình sự nếu các cơ quan có thẩm quyền chứng minh tài sản đó do phạm tội mà có.

Trong 2 phương án, Chính phủ lựa chọn phương án 1, vì cho rằng phương án này phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam hiện nay. Phương án này cũng nhằm thể hiện thái độ của Nhà nước trong việc xử lý các khoản thu nhập, tài sản có nguồn gốc không rõ ràng khi cả người có nghĩa vụ kê khai và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đều không có đủ bằng chứng xác thực về căn cứ xác lập quyền sở hữu hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (UBPL) Nguyễn Khắc Định cho biết Thường trực UBPL có họp và cùng không thống nhất cả 2 phương án. "Giải trình một cách không hợp lý" trong dự thảo Luật được hiểu như thế nào, cần có quy định cụ thể, rõ ràng để áp dụng?

 

“Vì người ta có thể nói tài sản bố tôi, rồi ông tôi để lại mà việc xác định tài sản trước đây lại không hề dễ, chưa từng có tiền lệ thống kê"- ông Định phân tích.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng.

Một trong những điểm mà các đại biểu còn băn khoăn về dự thảo Luật đó là quy định thẩm tra kê khai tài sản. Theo dự thảo Luật, giữ nguyên phương án từng bước mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý về quy định đối tượng có nghĩa vụ kê khai.

Cụ thể, đối tượng có nghĩa vụ kê khai bao gồm: các đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, cán bộ, công chức, một số chức danh trong quân đội, công an, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước hoặc cử giữ chức danh quản lý trong các doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Riêng đối với nhóm đối tượng là cán bộ, công chức khi lần đầu làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc khu vực nhà nước, thì việc kê khai chỉ nhằm hình thành cơ sở dữ liệu chung phục vụ cho công tác quản lý cán bộ như đang triển khai trên thực tế hiện nay khi kê khai hồ sơ cán bộ, công chức và không thuộc diện kiểm soát tài sản, thu nhập.

Giải trình lý do giữ nguyên phương án từng bước mở rộng đối tượng, Chính phủ nêu rằng Trung ương Đảng đã 2 lần chỉ đạo về việc tiến tới, từng bước mở rộng diện kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng cho thấy, nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập còn hình thức, chưa thực chất xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có việc chưa quản lý được dữ liệu bản kê khai, chưa kiểm soát được biến động tài sản, thu nhập, chưa xác minh được nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm của đối tượng có nghĩa vụ kê khai theo quy định của pháp luật.

 

Cho ý kiến về nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thẳng thắn cho rằng hiện nay, diện đối tượng phải kê khai tài sản đã phải tiến hành theo kiểu "vừa làm vừa dò" mà luật sửa đổi tăng thêm đối tượng là rất khó thực hiện. Tổng thư ký QH cũng đề nghị cơ quan soạn thảo luật cần nghiên cứu kỹ quy định thẩm tra bản kê khai tài sản.

"Hiện nay khi đọc hồ sơ nhân sự được giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn thì đại biểu làm sao mà biết được họ kê khai tài sản đúng hay sai. Thực tế có chuyện cán bộ ta không phải là nghèo nhưng kê khai lại rất nghèo. Luật phải thiết kế làm sao có muốn tham nhũng cũng không được" – ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.

Từ đó, ông Nguyễn Hạnh Phúc kiến nghị cần có cơ quan thẩm tra độc lập một cách tương đối để biết được việc kê khai tài sản đúng sai thế nào. "Kể cả ứng cử viên bầu đại biểu Quốc hội cũng cần có thẩm tra sơ bộ về kê khai tài sản chứ để bầu rồi lại bãi nhiệm thì không hay chút nào cả. Khoá này có đến 7-8 đại biểu bị bãi nhiệm, đau xót lắm!" - ông Phúc chia sẻ.

Chung niềm băn khoăn này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết cử tri rất ủng hộ phải có biện pháp phòng, chống tham nhũng một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, ông Dũng băn khoăn về tính hiệu quả của dự thảo luật.

"Hiện có một bộ phận cán bộ có tài sản nhất định đang nghe ngóng xem luật quy định như thế nào để "ứng xử" cho phù hợp, trong đó có việc đầu tư cho con đi học nước ngoài, đi chữa bệnh nước ngoài..."- ông Dũng lo ngại.

 

Theo ông Dũng, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) phải quy định theo hướng vừa chống được tham nhũng mà đồng tiền có trong nước không chạy ra nước ngoài. "Chúng ta vay nước ngoài vài triệu USD thì cảm ơn lên, cảm ơn xuống nhưng ta không khéo làm mất hàng chục tỉ USD lại chả thấy xót xa gì. Có thời kỳ chúng ta quá cứng nhắc, không phù hợp, khiến không ít tiền chạy tuột ra nước ngoài"- ông Dũng quan ngại.

Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cũng băn khoăn tính khả thi của "giải trình hợp lý" về nguồn gốc tài sản, kể cả trường hợp không tham nhũng. Ông Dũng dẫn ví dụ Tống thống Mỹ nhận món quà trị giá trên 200 USD là không được phép và nếu có nhận thì phải kê rồi nộp thuế thu nhập cá nhân. Sau này tài sản đó phát hiện ra tham ô, tham nhũng thì xử lý theo quy định của pháp luật.

Nên đọc
Theo Infonet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo