Tin tức - Sự kiện

Mưa sao băng sẽ xuất hiện vào rạng sáng ngày 4/1

Đêm nay và rạng sáng mai (4/1), người đam mê thiên văn Việt Nam sẽ được chứng kiến trận mưa sao băng Quadrantids.

Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam, cho biết đêm nay (3/1) là một đêm không trăng. Đây là thời điểm thích hợp để quan sát mưa sao băng. Thời gian quan sát lý tưởng nhất là rạng sáng ngày 4/1, khi chòm sao Bootes lên đủ cao và sáng, báo Zing.vn đưa tin.

Người yêu thích thiên văn học tại Việt Nam sẽ chào đón chuỗi sự kiện thiên văn của năm 2017 bằng trận mưa sao băng Quadrantids. Ảnh: Reuters.

Vào lúc cực điểm, mưa sao băng Quadrantids có thể đạt 50 đến 100 vệt/giờ, đôi khi còn nhiều hơn. Đây là con số không hề thua kém 2 trận mưa sao băng lớn nhất năm là Geminids và Perseids. Dù vậy, Quadrantids thường có ít sao băng dài và sáng hơn, cực điểm của nó cũng không kéo dài bằng 2 trận mưa sao băng trên.

Vào rạng sáng 4/1, chòm sao Bootes sẽ nằm ở bầu trời phía đông, hơi chếch sang đông bắc và bắt đầu lên khá cao từ 3h sáng. Tuy nhiên, nếu người ngắm sao băng chọn được vị trí tốt để quan sát được đường chân trời, họ có thể thấy sao Bootes từ lúc 1h. Nếu chưa có kinh nghiệm định vị các chòm sao, người xem chỉ cần hướng tầm nhìn về hướng đông và đông bắc để chờ đợi.

Theo tin tức trên báo VnExpress, chuyên gia khuyên người quan sát nên chọn vị trí góc rộng, nơi không có ánh đèn chiếu thắng vào mặt và không cần mang theo dụng cụ quan sát nào. Hãy để mắt trong bóng tối khoảng 20 phút để làm quen với trời đêm, giúp việc quan sát dễ dàng hơn.

Mưa sao băng Quadrantids diễn ra khi Trái đất trên quỹ đạo của nó đi ngang qua vùng đá bụi vật chất để lại bởi tiểu hành tinh 2003 EH1.

Nên đọc

 

Nguyễn Hà (tổng hợp theo báo Zing.vn, VNE)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo