Hỗ trợ doanh nghiệp

Mumuso Việt Nam có dấu hiệu lừa đảo người tiêu dùng

Theo kết luận kiểm tra của Bộ Công Thương được công bố vừa qua, Mumuso Việt Nam có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật và lừa đảo người tiêu dùng.

Về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, Mumuso kinh doanh 2.273 loại hàng hóa, trong đó, không có mặt hàng nào nhập từ Hàn Quốc, mà 18 loại được mua trong nước và 2.257 loại (chiếm 99,3%) nhập từ Trung Quốc.

Mumuso có dấu hiệu vi phạm pháp luật

Mumuso có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng. Trong thông tin, tài liệu cung cấp công khai cho người tiêu dùng, Công ty sử dụng nhiều nội dung thể hiện sự liên quan tới nguồn gốc từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, Công ty không cung cấp được các căn cứ, tài liệu để xác minh tính chính xác của các thông tin cung cấp, đặc biệt là thông tin về nguồn gốc, công nghệ sản xuất sản phẩm.

Ngày 12/7, Bộ Công Thương đã ban hành Kết luận kiểm tra đối với Công ty TNHH Xuất Nhập khẩu Mumuso Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2016 tới ngày 31/5/2018.

Mumuso có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về cạnh tranh (quảng cáo gây nhầm lẫn về nơi sản xuất hàng hóa nhằm cạnh tranh không lành mạnh). Quá trình kiểm tra cho thấy, việc Công ty sử dụng một số nội dung quảng cáo công khai tại cửa ra vào địa điểm kinh doanh: "Mumuso; Giá chỉ từ 22.000 đồng; KOREA"; sử dụng chữ KOREA (Hàn Quốc) trên các túi đựng sản phẩm là không chính xác, có thể khiến khách hàng hiểu rằng cửa hàng, người sản xuất, nơi sản xuất, xuất xứ, sản phẩm của Công ty liên quan đến KOREA (Hàn Quốc).

Bên cạnh đó, Mumuso có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa khi kết quả kiểm tra cho thấy một số mặt hàng có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, có nhãn phụ bằng tiếng Việt nhưng có nội dung không phù hợp với hồ sơ công bố và hồ sơ nhập khẩu.

Ngoài ra, Mumuso có dấu hiệu vi phạm pháp luật về công bố sản phẩm. Quá trình kiểm tra phát hiện 2 mẫu  mỹ phẩm có nội dung về thành phần ghi trên nhãn phụ không phù hợp với nội dung về thành phần trong hồ sơ công bố. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu Công ty tiến hành thu hồi toàn bộ 2 loại mỹ phẩm nêu trên để chờ kết quả xử lý của cơ quan nhà nước.

Công ty còn có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về thương mại khác. Cụ thể, công ty không thực hiện các thủ tục liên quan đến việc đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại gắn với nhãn hiệu MUMUSOKR; Công ty có hoạt động thương mại tại địa chỉ trụ sở chính nhưng không làm thủ tục đăng ký đối với địa điểm kinh doanh; Công ty không thực hiện thủ tục thông báo tổ chức thực hiện khuyến mại đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với một số chương trình khuyến mại.

Căn cứ kết quả kiểm tra, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

 

Lập lờ thương hiệu

Những ngày qua rất nhiều người quan tâm đến thương hiệu Mumuso sau khi báo chí Hàn Quốc đặt ra nghi vấn Mumuso mạo danh thương hiệu Hàn Quốc để bán hàng sản xuất tại Trung Quốc. Báo chí xứ sở Kim Chi đặt nghi vấn có sự lập lờ thương hiệu trong trường hợp này.

Trong cuộc họp báo ngày 11/5, ông Nhâm Phi Khanh, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam - đơn vị nhận nhượng quyền thương hiệu Mumuso về Việt Nam, đã trả lời báo chí rằng: "Chúng tôi nhận giấy ủy quyền nhượng quyền thương hiệu trực tiếp từ Mumuso Thượng Hải (Trung Quốc). Đây là thương hiệu được đăng ký bảo hộ thương hiệu do Cục sở hữu trí tuệ tại Hàn Quốc cấp từ năm 2014. Sau đó, doanh nghiệp này có hoạt động ủy quyền cho Mumuso Trung Quốc, bao gồm cả chuyển giao công nghệ, quản lý thương hiệu… Còn Mumuso Việt Nam được nhượng quyền thương hiệu từ Mumuso có trụ sở tại Thượng Hải (Trung Quốc).

Khi phóng viên đặt câu hỏi vì sao sản phẩm Hàn Quốc lại không có văn phòng, cửa hàng hay sản phẩm nào tại xứ sở kim chi? Mumuso cho biết tập đoàn định hướng phát triển ban đầu không lựa chọn Hàn Quốc là thị trường tiềm năng mà chỉ chú trọng vào khu vực Đông Nam Á và các nước lân cận.

“Chúng tôi không giả bất cứ thương hiệu nào tại Hàn Quốc nói riêng và trên thế giới nói chung. Chiến lược kinh doanh của Mumuso không cho phép mở bất cứ cửa hàng nào tại Hàn Quốc bởi thị trường quá cạnh tranh”, đại diện Mumuso Việt Nam nói.

 

Còn việc không thể tìm ra trụ sở của Mumuso tại Hàn Quốc, phía Mumuso Việt Nam cho biết từ tháng 8/2017, Mumuso đã chuyển trụ sở tại Hàn Quốc và mới cập nhật địa chỉ mới vào giấy phép kinh doanh. Đó là lý do vì sao phía báo đài Hàn Quốc không tìm thấy.

Các luật sư và chuyên gia cho rằng Mumuso đang lừa dối khách hàng bằng quảng cáo sai sự thật, đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc xem xét tính chính danh của thương hiệu tại Việt Nam.

Theo luật sư Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Hãng luật IAM, theo luật Doanh nghiệp 2014, mỗi doanh nghiệp có mã số thuế duy nhất và không được sử dụng cho doanh nghiệp khác. Trong trường hợp mã số thuế của Domesky Việt Nam trùng mã số thuế của Mumuso Việt Nam, có thể thấy tiền thân của Mumuso Việt Nam là Domesky Việt Nam.

Đáng nói là đơn vị này lại công bố nhượng quyền vào Việt Nam và sau đó đã bị Bộ Công thương bác bỏ; rồi việc thay đổi thông tin đến 41 lần; nhập khẩu hàng sản xuất từ Trung Quốc, bán tại Việt Nam dưới “mác” thương hiệu Hàn Quốc là rất không rõ ràng.

Chuyên gia thương mại Vũ Quốc Tuấn cho rằng, hình thức kinh doanh của Mumuso hiện nay là lừa dối khách hàng, quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Còn chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói luôn đây là hình thức lừa đảo trong kinh doanh.

 

Nên đọc
Theo Enternews
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo