Tài chính - ngân hàng

Năm 2015 sẽ có khoảng 6 thương vụ sáp nhập, hợp nhất

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN, dự kiến trong năm 2015 sẽ có khoảng 6 thương vụ M&A, nhằm tái cơ cấu các NHTM trở thành các ngân hàng vươn ra tầm khu vực.

 Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Làm ăn gì năm 2015”, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Năm 2015, NHNN tiếp tục thực hiện các biện pháp tái cơ cấu, định hướng đề án 254, trong đó có định hướng tái cơ cấu các ngân hàng thương mại để trở thành các ngân hàng vươn ra tầm khu vực.

 

Theo đó, việc xử lý các ngân hàng yếu kém được ngành ngân hàng chủ yếu dựa vào nguồn lực trong nước để cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Có 3 hướng xử lý:

 

Thứ nhất, ưu tiên và tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tự chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại yếu kém và huy động nguồn lực tài chính của cổ đông và từ bên ngoài; khuyến khích sáp nhập hợp nhất trên cơ sở tự nguyện theo đúng quy định của pháp luật.

 

Thứ hai, trong trường hợp tổ chức tín dụng tái cơ cấu không thành công thì NHNN sẽ áp dụng các biện pháp mạnh theo quy định của pháp luật là đảm bảo an toàn của hệ thống, loại bỏ ngân hàng yếu kém ra khỏi hệ thống.

 

Thứ ba trong quá trình tái cơ cấu, Chính phủ và NHNN khuyến khích sự tham gia của ngân hàng nước ngoài, đặc biệt là tham gia vào các ngân hàng yếu kém để có thể giúp các ngân hàng cơ cấu lại hoạt động. Nghị định 01 của Chính phủ quy định trong trường hợp đặc biệt để cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, gặp khó khăn đảm bảo an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng cổ phần yếu kém được cơ cấu lại vượt quá giới hạn đối với từng trường hợp cụ thể.

 

 

 

Trên thực tế, các ngân hàng cũng đang rất nỗ lực trong việc thực hiện tái cơ cấu. Tuy nhiên, kể từ sau thương vụ hợp nhất giữa PVFC với Western Bank thành PVcomBank vào nửa đầu tháng 9/2013, cả năm 2014 không có thêm vụ sáp nhập, hợp nhất ngân hàng nào.

 

Những ngày đầu năm 2015 này, thị trường đang dấy lên thông tin Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) tìm kiếm đối tác để sáp nhập vào ngân hàng này (bên Nam Á là đơn vị nhận sáp nhập) để sớm niêm yết trên sàn chứng khoán để minh bạch thông tin. Thông tin cho hay, đối tượng thâu tóm của NamABank là một ngân hàng cổ phần có trụ sở tại Hà Nội.

 

Trước đó, cuối năm 2014, Vietcombank đã phát đi thông tin sẽ sáp nhập một ngân hàng vào hệ thống. Đối tượng được xác định là Saigonbank. Ngoài ra, BIDV và Vietinbank cũng sẽ tham gia vào quá trình tái cơ cấu này bằng cách nhận một ngân hàng vào hệ thống. Đối tượng của BIDV sẽ sáp nhập một ngân hàng phía Nam, đối tượng được xác định là ngân hàng nhà nước. Còn Vietinbank được xác nhận là sẽ nhận PGBank.

 

Trước đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2015 diễn ra ngày 24/12/2014, NHNN đã đề ra định hướng chính sách trong năm 2015 là tăng trưởng tín dụng đạt 13 - 15%, ưu tiên đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và tạo mọi điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

 

Về vấn đề nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, NHNN đã chủ động xử lý nợ xấu, chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động trích lập dự phòng rủi ro và nâng cao chất lượng tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng trong nước đã giảm xuống từ 4,17% cuối tháng 6/2014 xuống còn 3,87%  vào cuối tháng 10/2014. NHNN cũng đã đưa ra các giải pháp quyết liệt và đồng bộ để đưa tỷ lệ nợ xấu xuống đến 3% vào cuối năm 2015 như mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 01.

 

Trả lời câu hỏi: “Hiện có một hướng xử lý nợ xấu đang được một số ngân hàng sử dụng, đó là chuyển nợ thành cổ phần. Cách làm này được Vietinbank, MaritimeBank đang thực hiện. Quan điểm của NHNN về hướng xử lý nợ xấu này thế nào?”, bà Hồng cho hay: Để xử lý nợ xấu phải thực hiện bằng nhiều biện pháp. Trong thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã thực hiện nhiều biên pháp như tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu hạn chế nợ xấu mới phát sinh khi cấp các khoản tín dụng mới, tăng cường xử lý tài sản đảm bảo, bán nợ,...

 

Trong đó, một số tổ chức tín dụng thực hiện chuyển nợ thành vốn cổ phần. Đây là giải pháp đã được cho phép tại Quyết định 843 về xử lý nợ xấu của Thủ tướng Chính phủ. Bằng cách này, các tổ chức tín dụng tham gia vào đề án tái cơ cấu doanh nghiệp sau đó thoái vốn. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của bà Hồng, khi thực hiện các biện pháp này, các tổ chức tín dụng cần cân nhắc thận trọng đảm bảo các quy định về giới hạn góp vốn mua cổ phần theo quy định của pháp luật, tránh đầu tư dàn trải vào lĩnh vực phi ngân hàng.

 

Ngoài ra, việc thực hiện theo phương pháp còn phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp, phụ thuộc vào trình độ của cán bộ ngân hàng có nắm rõ tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hay không. Một điểm nữa, khi chuyển nợ thành vốn cổ phần, nếu doanh nghiệp thành công thì các tổ chức tín dụng có thể thoái vốn được nhưng nếu không thành công, việc thoái vốn sẽ khó khăn vì khi đó tổ chức tín dụng đã chuyển sang chủ sở hữu doanh nghiệp thì sẽ được thanh toán sau các chủ nợ khác.

Theo Fica
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo