Thị trường

Năm 2015, Xuất khẩu thủy sản dự kiến chỉ đạt hơn 7 tỷ USD

(DNVN) - Đây là thông tin được ông Nguyễn Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết tại Hội nghị giao ban trực tuyến do Bộ Công Thương tổ chức ngày 30/11.

Ông Hòe cho biết, xuất khẩu mặt hàng thủy sản đến hết tháng 11 đã giảm hơn 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái và dự kiến năm nay chỉ đạt hơn 7 tỷ USD (giảm mạnh so với mục tiêu ban đầu đề ra là 8,7 tỷ USD). 

Trong đó, giảm nhiều nhất là mặt hàng tôm, khi chỉ đạt 3 tỷ USD, giảm 1 tỷ USD so với năm ngoái. Nguyên nhân theo Vasep là do giá giảm, nếu tính từ giữa năm 2014 đến thời điểm này, mặt hàng tôm đã giảm 30% về giá, do vậy đã ảnh hưởng chung đến kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng. Bên cạnh đó, sự sụt giảm của mặt hàng cá tra cũng làm hụt thu cho ngành khoảng 100 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái. 

Từ giữa năm 2014 đến nay, mặt hàng tôm đã giảm 30% về giá.

Trên cơ sở đó, đại diện Vasep kiến nghị nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ cơ quan quản lý để ngành thủy sản giải quyết được những khó khăn đang tồn tại, giữ vững xuất khẩu. Đồng thời mong muốn, Bộ Công thương sẽ có thêm nhiều chỉ đạo quyết liệt để đảm bảo chất lượng và giá cả các yếu tố đầu vào như thức ăn, chế phẩm phục vụ nuôi tôm như kháng sinh, giúp người dân tiếp cận được các yếu tố đầu vào với giá trị thực để từ đó có điều kiện đảm bảo giá thành sản xuất thấp hơn, tăng khả năng cạnh tranh của con tôm và ổn định xuất khẩu trở lại.

Cũng tại buổi giao ban, báo cáo tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại tháng 11 và 11 tháng đầu năm, ông Nguyễn Tiến Vỵ - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương) cho biết, sản xuất công nghiệp tiết tục tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2014. 

Theo đó, tháng 11/2015, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 1,5% so với tháng trước và 8,9% so với cùng kỳ năm 2014. Tính chung 11 tháng năm 2015, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ 2 năm gần đây.

Đối với tình hình tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 10 tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2014. Tính chung 10 tháng năm 2015, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2014. 

Tình hình tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm 2014. Tại thời điểm 01 tháng 11 năm 2015, chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7% so với thời điểm năm 2014 (thấp hơn 0,5% điểm phần trăm của cùng thời điểm năm 2014).

 

Ông Nguyễn Tiến Vỵ nhấn mạnh, sản xuất công nghiệp 11 tháng tăng trưởng khá so với cùng kỳ của hai năm gần đây. Ngành sản xuất và phân phối điện, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành có đóng góp lớn nhất vào mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp. Tình hình tiêu thụ tăng trưởng khá, tồn kho ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm 2014, đây là những dấu hiệu tích cực thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.

Đối với hoạt động thương mại, tháng 11, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng hóa của Việt Nam trong tháng ước đạt 14,3 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 148,7 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó KNXK cả doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt 43,56 tỷ USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 101,6 tỷ USD tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2014.

Báo cáo của Vụ Kế hoạch cho thấy, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 11 ước đạt 14,5 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 152,5 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất, gia công, lắp ráp trong nước tiếp tục tăng cao, như nhập khẩu máy móc thiết bị tăng 25,7% so với cùng kỳ; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 27,7%; điện thoại các loại tăng 29,7%; vải và nguyên phụ liệu dệt may, giày dép đều tăng trên 8%.

VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo