Tin tức - Sự kiện

Năm 2030, SCIC nhắm mục tiêu đạt 46 tỷ USD tổng giá trị tài sản

(DNVN) - Tổng công ty kinh doanh và đầu tư vốn Nhà nước (SCIC) đặt mục tiêu tới năm 2030 sẽ trở thành tập đoàn tài chính quy mô khu vực và là công cụ để Nhà nước đầu tư, nắm giữ chi phối tại các ngành nghề, lĩnh vực quan trọng và có tổng tài sản 46 tỷ USD.

Theo thông tin từ SCIC, sau 10 năm hoạt động, đến nay đơn vị này đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại gần 1.000 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn hóa nhà nước hơn 8.700 tỷ đồng, trong đó có 6 tổng công ty nhà nước đã cổ phần hóa. 

Theo quyết định và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2015-2016 có 20 tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC. Trong số gần 1.000 doanh nghiệp tiếp nhận, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân đạt 15-17%. Qua quá trình thoái vốn, vốn nhà nước đã giảm từ 36% xuống còn 22%. 

Ảnh minh họa.

Hoạt động đầu tư kinh doanh vốn của SCIC đã đạt kết quả khả quan, bảo toàn và phát triển, với tổng lợi nhuận sau thuế lũy kế trên 30.000 tỷ đồng. So với thời điểm thành lập, doanh thu tăng gấp hơn 65 lần, vốn chủ sở hữu tăng 9,5 lần, tổng tài sản tăng gấp gần 14 lần, lợi nhuận sau thuế tăng gấp 61,5 lần, nộp ngân sách tăng 41 lần... 

Tính đến nay, SCIC đã thoái vốn nhà nước thu lãi hơn 5.360 tỷ đồng. Danh mục vốn tiếp nhận và đầu tư SCIC đang quản lý còn khoảng 230 doanh nghiệp, với giá trị sổ sách 17.000 tỷ đồng và giá trị thị trường gần 78.000 tỷ đồng. Hiện vốn chủ sở hữu của SCIC đạt khoảng 35.000 tỷ đồng. 

Mục tiêu phát triển đến năm 2020 của SCIC là trở thành nhà đầu tư chiến lược của Chính phủ, tập đoàn tài chính với quy mô tài sản 22,5 tỷ USD; đến năm 2030 trở thành tập đoàn tài chính quy mô khu vực và là công cụ để Nhà nước đầu tư, nắm giữ chi phối tại các ngành nghề, lĩnh vực quan trọng và có tổng tài sản 46 tỷ USD. 

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ, sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp nhà nước đạt được những kết quả rất quan trọng. SCIC đã trở thành một tổ chức thực hiện cổ phần hóa thành công nhất trong cả nước những năm qua với tỷ lệ cổ phần hóa rất cao, 90% số công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên được SCIC tiếp nhận đã thực hiện cổ phần hóa xong, số còn lại đang củng cố để đạt được hiệu quả cổ phần hóa cao nhất.

SCIC cũng cho biết, đơn vị này đã đầu tư gần 18.000 tỷ đồng vào nền kinh tế. Đây là nguồn tiền từ vốn điều lệ của công ty và vốn tích tụ trong quá trình kinh doanh. Trong các khoản đầu tư này, đầu tư mua cổ phiếu phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu tại các doanh nghiệp tiếp nhận là 9.200 tỷ đồng; đầu tư thành lập mới doanh nghiệp và đầu tư cổ phiếu là 6.480 tỷ đồng; đầu tư trái phiếu 800 tỷ đồng và đầu tư theo chỉ định hơn 2.500 tỷ đồng.

 

Cũng theo SCIC, thời gian qua, tình hình kinh tế chung có nhiều khó khăn, nhưng nhiều DN có vốn của Tổng công ty vẫn đạt kết quả tốt - đặc biệt là các DN nhóm A1. Có 19/19 DN nhóm A1 hoạt động có lãi, 12/19 DN đạt và vượt kế hoạch lợi nhuận, 13/19 DN đạt và vượt kế hoạch doanh thu. Tổng số DN nhóm A1 chiếm 6,53% số lượng DN của Tổng công ty nhưng chiếm 54% giá trị danh mục đầu tư. 

Một số DN đạt tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) trên 30%. đặc biệt có một số DN ROE bình quân rất cao trên 30% như: CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (30%), CTCP Sữa Việt Nam (39%), CTCP Dược Lâm Đồng (32%), CTCP Dược Hậu Giang (31%), CTCP Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (37%), CTCP FPT (31%), CTCP Nhựa Bình Minh (30%), CTCP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (46%)... Đối với 40 DN niêm yết đang quản lý ROE bình quân là 17,2%. Nhiều DN đã vượt chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận do ĐHCĐ giao, đồng thời vượt kế hoạch trả cổ tức, đem lại lợi ích cho cổ đông, trong đó có SCIC.

VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo