Văn hóa

"Nếm thử" những đặc sản "độc quyền" của người Đắk Lắk

Khi nhắc tới Đắk Lắk, nhiều người chỉ nhớ tới núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, đất đỏ bazan màu mỡ hay lễ hội đua voi tưng bừng… mà bỏ quên một nét văn hóa ẩm thực cũng đặc sắc không kém.

Bún chìa

Nếu có dịp được đặt chân đến Đắk Lắk, bạn đừng quên thưởng thức món bún chìa ngon tuyệt không thể lẫn với bất cứ nơi đâu.

Bún chìa (hay còn gọi là bún giò chìa) có nước dùng khá giống với bún bò Huế, sự khác biệt lớn nhất là ở phần nguyên liệu. Thay vì sử dụng thịt bò, người dân vùng cao nguyên này sử dụng phần tảng thịt phía chân sau của con lợn. Thịt được chọn đem về rửa sạch, sau đó ninh cho chín nhừ trong nồi nước dùng, tiếp đó vớt ra để nguội.

Một trong những món ăn nổi tiếng ở "thủ phủ cà phê Việt Nam" mà bất cứ du khách nào cũng nên thưởng thức là món bún chìa.

Mỗi khi có khách gọi món, chủ quán lại lấy từng khúc giò chìa đem thả vào nồi nước dùng cho nóng, sau đó cho vào tô bún đã có sẵn chút mắm ruốc, sau cùng là cho hành lá, hành tây và chan nước dùng nóng hổi vào bát.

Nước dùng nóng hổi thơm lừng, đậm đà và thanh dịu cộng với chút vị thơm nồng của mắm ruốc, những khúc giò chìa được ninh nhừ béo ngậy... khiến ai nấy đều tỉnh táo sau một chuyến hành trình dài. Món bún giò chìa được ăn kèm với rau sống giúp thực khách cảm thấy ngon miệng và không bị ngấy.

Cá lăng

Cá lăng, một đặc sản mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho người Đắk Lắk, là loài cá nước ngọt, thuộc bộ cá da trơn, có nhiều trên sông Sêrêpôk. Cá có vị ngọt, béo, thơm ngon nên được nhiều thực khách ưa chuộng. Cá lăng dùng để làm chả, cá lăng om chuối, cá lăng hấp, cá lăng xào tỏi hay cá lăng nấu cháo, món nào cũng thơm ngon.

Cá lăng nướng là món ngon với hương vị béo, thơm, ngọt, đậm đà. Cá lăng làm sạch, để ráo, loại bỏ da và xương, cắt miếng vừa ăn rồi ướp với nước mắm, mì chính, mẻ, nước cốt riềng, nghệ khoảng mười phút cho cá thấm gia vị. Trước khi nướng cá trên than hồng, cần phết một lớp dầu phộng lên từng miếng cá. Người đầu bếp phải khéo léo lật trở vỉ nướng nhằm tránh làm cá cháy.

 

Cá lăng có thể được chế biến thành vô vàn các món ăn khác nhau.

Khi những miếng cá lăng chảy mỡ kêu xèo xèo và từng miếng cá chuyển sang màu nâu cánh gián, dậy lên hương thơm quyến rũ của thịt cá và mẻ là khâu nướng cá đã hoàn thành. Món cá lăng nướng có thể ăn kèm với bún, cuốn cùng bánh tráng và các loại rau: khế, chuối chát, dứa, húng, quế… là món ngon rất lạ miệng. Hương vị béo, ngọt, thơm của cá quyện với vị dai của bánh tráng, tươi non của các loại rau cùng vị đậm đà của nước mắm chanh, tỏi, ớt khiến những ai lần đầu thưởng thức món ngon này sẽ nhớ mãi không quên

Lẩu cá lăng nấu canh chua cũng là một món ngon giải nhiệt, bổ dưỡng, được nhiều người lựa chọn. Lẩu cá lăng dùng kèm với bún hay ăn như một món canh chua thông thường vừa thơm ngon lại rất ngọt nước, thích hợp dùng trong những ngày hè nắng nóng.

Cà đắng

Cà đắng là một món ăn độc quyền của người Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng. Quả cà có kích thước to hơn ngón tay cái và khi mới ăn vào sẽ có vị đắng chát nhưng dần về sau sẽ cảm thấy có vị ngọt.

Cà đắng, đặc sản núi rừng Tây Nguyên.

Quả cà được cắt thành những khoanh mỏng, sau đó trộn chung với khô cá và được dùng chung với nước mắm có vị chua ngọt.Khi ăn vào, vị đắng thanh của cà trộn với vị mặn của cá khô cộng thêm vị chua ngọt của nước mắm tạo nên một cảm giác rất lạ và ngon miệng. Đây cũng là một món khoái khẩu của dân nhậu.

 

Những ai ăn cà đắng lần đầu đều có cảm giác không thoải mái với vị đắng của loại trái hoang dại, nhưng vài lần sẽ khó quên hương vị của nó. Có người so sánh mới ăn cà đắng như lần đầu uống cà phê, chỉ thấy vị đắng, nhưng sau vài lần thưởng thức thì sẽ “nghiện” từ lúc nào không biết.

Đọt mây

Cũng là đặc sản Đắk Lắk mang vị đắng đặc trưng, nhưng không phải cà đắng mà là những đọt mây mọc hoang chằng chịt trong rừng. Người ta chỉ chọn lấy những đọt mây non tơ, bụ bẫm, dài khoảng ba bốn gang tay.

Đọt mây, món ăn độc đáo của Tây Nguyên bạt ngàn nắng gió.

Để chế biến, đọt mây được tước bỏ phần lá, nướng mềm rồi xé nhỏ từng sợi. Những sợi đọt mây nấu với cá, thịt, mắm… đều trở thành những món đặc sản thơm ngon hấp dẫn.

Măng le

 

Vào mùa mưa, khi đến với núi rừng Tây Nguyên chúng ta dễ dàng bắt gặp những người dân tộc địu những gùi măng le hái được từ trong rừng đem ra các phiên chợ để bán. Cây le thuộc họ tre nứa và là giống cây khá điển hình ở vùng đất Tây Nguyên. Cây có sức phát tán rất mạnh mẽ và có sức sống dẻo dai kì lạ.

Măng le là một món ăn chân chất, mang đậm hương vị núi rừng Tây Nguyên.

Măng le mọc lên từ phần ngọn của cây có thể dùng tươi hoặc đem cắt lát và phơi khô. Măng le cũng thuộc loại ngon nhất trong số những loại măng rừng phổ biến như măng trúc, măng tre… nhờ tính đặc ruột, vị ngọt, bùi, không đắng chát.

Hương vị của măng le rất thích hợp để chế biến nhiều món ăn hấp dẫn, phải kể tới đó là: Măng trộn, măng nấu thịt vịt, măng le xào gan…

Rau dầm tang

Nếu cà đắng, đọt mây mang hương vị đăng đắng thì đặc sản rau dầm tang lại ngọt bùi. Ẩn mình dưới suối vào sáu tháng mùa khô, đến mùa mưa lại cựa mình trỗi dậy, những mầm rau xanh biếc, vươn dài như thể trong thời gian mùa khô nó đã tích tụ biết bao dưỡng chất của đất, của nước để chờ ngày khai nẩy. Ấy thế nhưng rau dầm tang lại trông khá mong manh, cọng rau giòn dễ gãy, lá như lá răm và cũng dễ bị bầm úa. Bù lại, rau có vị ngọt bùi khó tả.

 

Rau dầm tang.

Muốn ăn dầm tang phải nấu nhừ lên cùng nhiều loại thực phẩm như măng le, củ mài và nấm. Khi ăn vào có vị bùi nơi đầu lưỡi, một lúc sau thấm ngọt nơi cổ họng. Đó thực sự là một trải nghiệm khó quên khi hương vị khai mở cho người ăn cảm giác đủ đắng, cay, ngọt, bùi trong chỉ một món ăn.

Nên đọc
Theo Dân trí
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo