Thị trường

Ngân hàng JPMorgan bị phạt 1 tỷ USD

1 tỷ USD tiền nộp phạt có lẽ là bài học cay đắng mà JPMorgan Chase & Co không bao giờ quên được.

Ngân hàng lớn nhất nước Mỹ này đã phải trải qua 4 cuộc điều tra dân sự liên quan đến vụ bê bối giao dịch "London Whale" và 2 cuộc điều tra khác liên quan sai phạm bảo hiểm của khách hàng thẻ tín dụng. Các cơ quan chức năng đã tuyên bố chấp thuận mức án phạt trị giá 1 tỷ USD đối với ngân hàng JPMorgan.

 
JPMorgan coi đây là 1 mốc quan trọng trong nỗ lực giải quyết các vấn đề về pháp lý. Tuy nhiên, ngân hàng này đã không thể lường trước được những rắc rối và chi phí phát sinh.
 
JPMorgan vẫn phải đối mặt với một loạt các điều tra hình sự liên quan đến bê bối giao dịch, doanh thu chứng khoán thế chấp tại Mỹ và thậm chí là hối lộ ở Trung Quốc. Các nhà điều tra cũng đang xem xét lại vai trò của JPMorgan trong việc thiết lập lãi suất liên ngân hàng London - Libor.
 
Số tiền phải nộp phạt bao gồm 920 triệu USD cho vụ bê bối giao dịch "London Whale". Trước đó, CEO Jamie Dimon đã phủ nhận những cáo buộc gian lận giao dịch tài chính và cho rằng các cơ quan chức năng đang cố gắng "xé chuyện bé ra chuyện to". Nhưng cuối cùng, ông đã phải thừa nhận những thiếu sót trong quản lý rủi ro dẫn tới các khoản thua lỗ khổng lồ.
 
“London Whale” là biệt danh của một tay chơi chứng khoán làm việc trong Văn phòng Giám đốc Đầu tư của JPMorgan ở London - Bruno Iksil. Bằng nhiều mánh lới, “London Whale” đã thao túng thị trường chứng khoán khi thu mua và bán lại các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng trên cùng một danh mục song với các thời hạn đáo hạn khác nhau. JPMorgan đã mất hơn 6 tỷ USD sau khi dung túng cho “con cá voi” này tung hoành trên thị trường.
 
Ngoài số tiền phạt nêu trên, JPMorgan cũng phải nộp phạt 80 triệu USD liên quan tới dịch vụ bảo vệ khách hàng dùng thẻ tín dụng.
 
Ngân hàng này cũng đạt được thỏa thuận với Văn phòng kiểm soát Tiền tệ Mỹ về việc hoàn trả 309 triệu USD cho khách hàng do thu phí quá cao trong các hoạt động giám sát tín dụng trước đó.
Văn phòng này cũng yêu cầu JPMorgan tăng cường các hoạt động thu nợ khách hàng. Tuy nhiên, yêu cầu này không bao gồm hình phạt tài chính mà chỉ liên quan tới các cáo buộc của công chúng 2 năm trước đây.
 
Vụ bê bối giao dịch "London Whale" đã khiến 4 cơ quan chức năng phải vào cuộc: Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC), Văn phòng kiểm soát tiền tệ, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Cơ quan quản lý hoạt động tài chính (FCA) của Anh. Đây được coi là vụ điều tra dân sự lớn nhất ở Mỹ liên quan tới gian lận giao dịch.
 
Chấp nhận sự thật
 
Các nhà chức trách đã dội 1 gáo nước lạnh lên JPMorgan khi cùng đưa ra các thông báo nộp phạt với tổng số tiền lên tới 1 tỷ USD vào ngày 19/9.
 
Nhưng con số này dường như không đủ để xoa dịu dư luận đang đầy phẫn nộ. Lẽ ra, mấy "ông lớn" phố Wall phải chịu trách nhiệm hình sự vì những tác động xấu của vụ bê bối này tới thị trường tài chính vốn đang trong thời gian khủng hoảng thay vì chỉ bỏ tiền ra như thế.
 
Dimon và các CEO khác của JPMorgan đã lên tiếng nhận trách nhiệm về những sai lầm trong vụ bê bối "London Whale". Ông cũng thừa nhận trước Quốc hội Mỹ rằng ngân hàng thật "ngu ngốc" vì đã không nhận ra những gian lận trong các giao dịch của Văn phòng Giám đốc Đầu tư.
 
Dimon cho biết các CEO của JPMorgan không cố ý che giấu những thiệt hại của "London Whale", bản thân ngân hàng cũng bị các nhân viên giao dịch lừa dối.
 
Tuy nhiên nhân viên giao dịch có biệt danh London Whale không phải là một trong hai cựu nhân viên nói trên. Theo hồ sơ tòa án, Bruno Iksil là người hợp tác với công tố viên liên bang, tìm cách chống lại việc che giấu các khoản lỗ khổng lồ của hai đồng nghiệp cũ là Javier Martin-Artajo và Julien Grout.
 
Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Carl Levin, Chủ tịch Tiểu ban Điều tra của Thượng viện Mỹ, tin rằng vẫn còn thời gian để thực hiện các điều tra dân sự và hình sự khác để tìm ra người chịu trách nhiệm. JPMorgan đã phải dành khoảng 5 tỷ USD mỗi năm để “đổ” vào các vụ kiện cáo trong vòng 2 năm qua.
Dương Hương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo