Chân dung

Nghệ nhân Nguyễn Văn Trọng: Khéo tay, hay nghề

(DNHN) Làng nghề tạc đá Phụng Châu không chỉ tạo ra những đồ vật cầu kỳ, với đường nét hoa văn thanh thoát, tinh xảo mà người thợ nơi đây còn “thổi hồn” cho đá như người họa sĩ thổi hồn vào tranh vẽ. Nhờ thế, những nghệ nhân cũng như thợ chế tác nơi đây được coi là khéo tay, hay nghề.

Đến với làng nghề tạc đá Phụng Châu vào một ngày đầu xuân, chúng tôi ngỡ như vừa đặt chân vào công trường lớn. Ở đây, sắc xuân hiện rõ trên từng nét mặt người thợ - bởi qua mỗi năm người thợ làng nghề tạc đá Phụng Châu đều vui mừng, phấn khởi vì “làm không hết việc”. Mỗi người thợ chạm khắc đá mỹ nghệ ở đây đều tâm huyết với công việc để làm cho sản phẩm của mình trở thành hoàn hảo nhất. Chúng tôi như bị hút vào nhịp sống mới ở Phụng Châu với những âm thanh nghe chát tai nhưng lại rất thân thuộc với những người thợ đá. Những người thợ mỹ nghệ với đôi tay chai sần do tác động của búa, đục đá ấy, đã không còn nghĩ đến chuyện bỏ quê đi làm thêm nơi xa nữa.

Nhiều người ở xã đã bắt đầu đến với nghề bằng cả lòng đam mê và niềm kiêu hãnh. Đây là nghề gia truyền, làm từ nhiều đời nay. Ban đầu là làm thủ công, sau đó nhận thấy nhu cầu của xã hội ngày một nhiều hơn, một nghệ nhân trong làng là anh Nguyễn Văn Trọng đã mạnh dạn thành lập công ty, lấy tên là Công ty TNHH chế tác đồ đá Trọng Nghĩa.

Công ty chuyên phục vụ văn hóa cho các công trình, đền thờ miếu mạo. Xưởng chính đặt tại xã Phụng Châu – Chương Mỹ - Hà Nội, có khoảng 40 công nhân, thời gian vừa qua, Công ty mở thêm 1 xưởng ở Thanh Hóa chuyên làm phôi đá. Công ty luôn tự hào bởi các công trình đã thực hiện như: Công ty Tu bổ di tích Trung ương; Viện Bảo tồn di tích Trung ương; Công ty xây dựng và phục chế công trình Hà Nội; Văn miếu Quốc Tử Giám; Đền Hùng, Yên Tử, Khu tưởng niệm Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh… đều có sự góp mặt của  Trọng Nghĩa.     

 

 

 



Anh Nghĩa cho biết: Nghề đá nơi đây được lưu giữ, phát triển từ sự hướng dẫn “cha truyền con nối” và tự học là chính. Thế hệ này đi thì thế hệ kia tiếp nối, hầu hết trẻ em trong làng chỉ khoảng 15 tuổi là đã biết ngắm nghía, đục đẽo để làm ra những sản phẩm gia dụng đơn giản. Trải qua nhiều thăng trầm trong nghề, đã có lúc làm chỉ đủ nuôi sống bản thân nhưng bằng lòng tâm huyết, anh quyết tâm theo đuổi đến cùng với nghề.

Là người tiên phong của làng làm về nghề đá này, anh Nguyễn Văn Trọng tâm sự: “Nghề tạc đá không thể giấu giếm được, bởi ngoài cách làm truyền thống, sản phẩm đá cần có hồn, mà điều đó còn tùy thuộc vào chính người làm, có học cũng chỉ học kinh nghiệm, làm sao cho tiết kiệm được nguyên liệu và làm sản phẩm đẹp hơn mà thôi”. Đây là một công việc mà nhiều người phải nể phục bởi sự kiên trì, khéo léo và một ít “máu nghệ nhân” tiềm ẩn trong tâm hồn của những người nông dân từng được xem là chân lấm tay bùn.

 

 

 



“Việc thiếu sáng tạo, thiếu tính ứng dụng, tính thương mại trong thiết kế mẫu mã sản phẩm là một trong những rào cản khiến thủ công mỹ nghệ của Hà Nội nói chung và làng nghề tạc đá Phụng Châu kém sức hấp dẫn trên thị trường quốc tế. Vì vậy, hơn lúc nào hết, trong điều kiện cạnh tranh gay gắt để giành thị phần, doanh nghiệp cần bắt tay ngay vào việc tìm hiểu thị hiếu và sáng tạo mẫu mã để phù hợp nhu cầu khách hàng. Và hơn hết là những nghệ nhân trong làng nghề phải tâm huyết hơn để cho ra những sản phẩm có giá trị cao” anh Trọng tâm sự.

 

 



Ghi nhận những đóng góp lớn lao cho sự phát triển làng nghề, Công ty Trọng Nghĩa vinh dự được trao tặng giải thưởng “Thương hiệu truyền thống, gia truyền nổi tiếng năm 2012” do Báo Người Hà Nội tổ chức. Năm 2007, Truyền hình Việt Nam đã quay một phóng sự về cơ sở của anh như một đơn vị sản xuất điển hình tiên tiến của địa phương. Thành công ban đầu nhưng anh Trọng cũng luôn trăn trở trước những dự định mới, hướng tới Công ty phát triển ổn định, khắc phục chậm tiến độ, đầu tư vào chất lượng sản phẩm để sản phẩm có chiều sâu hơn.

Khó tìm ở đâu làng nghề nào lại có những bước thăng trầm bằng làng nghề tạc đá duy nhất ở Hà Nội. Trải qua hàng trăm năm, tưởng rằng làng nghề tạc đá Phụng Châu-Chương Mỹ-Hà Nội đã tàn lụi theo thời gian... Nhưng bằng sự đam mê, lòng nhiệt huyết với nghề cha truyền những thế hệ đi sau đã làm hồi sinh làng đá.

 

 

Dương Vân

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo