Chân dung

Nghệ nhân Vũ Thị Chuyên: Tìm về chốn tâm linh Đất Việt

(DNHN) Tín ngưỡng thờ Mẫu hướng con người đến sự thanh thản, niềm vui trong cuộc sống hiện tại. Người đi lễ cầu mong đạt được những điều nằm ở chính cuộc sống này, là sức khỏe, tài lộc, thành công, may mắn. Sau nghi lễ hầu đồng, người đi lễ được thụ lộc ngay tại chỗ, được phát lộc là những vật phẩm quen thuộc, gần gũi của cuộc sống. Vì vậy mà nó xóa mờ ranh giới giàu nghèo, đã đi lễ ai cũng như ai.

Chiều cuối năm, chúng tôi đến thăm gia đình Nghệ nhân Vũ Thị Chuyên (thôn Châu Bộ, xã Hiệp Hòa, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương – hội viên Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam, đơn vị bà sinh hoạt là Trung tâm UNESCO văn hóa Đông Bắc), cái lạnh thấu da của đất trời cuối đông như dừng lại ngoài thềm. Trong ngôi nhà khang trang, ấm cúng, chúng tôi được nghe câu chuyện về tín ngưỡng thờ Mẫu, một tập tục có từ lâu đời ở Việt Nam, có sức mạnh lôi cuốn mọi người.

Đã từ lâu tâm linh, tín ngưỡng đóng vai trò rất quan trọng đối với người dân Việt. Trong đó tín ngưỡng thờ Mẫu là tập tục phổ biến và có sức ảnh hưởng lớn. Đó là tập tục thờ các vị nữ thần có từ thời nguyên thuỷ đại diện cho thiên nhiên như Mẹ Đất, Mẹ Nước, Mẹ Lúa… đến các vị nữ anh hùng, Công Chúa, Hoàng Hậu, hay bà Tổ cô của dòng họ, bà Tổ nghề của một làng nghề… trong dân gian. Các vị nữ thần thường được nhân gian suy tôn là Thánh Mẫu. Đó vừa là vị thần có quyền năng màu nhiệm, vừa là người mẹ bao dung che chở cho đàn con thơ, vừa huyền bí lại vừa gần gũi. Tín ngưỡng thờ Mẫu ở nước ta có chiều hướng phát triển trong xã hội hiện nay, ở cả nông thôn, đô thị và miền núi, tạo nên một nét khá nổi bật trong bức tranh chung vốn hết sức đa dạng và phong phú của tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam. Nó có sức ảnh hưởng rộng rãi từ Bắc vào Nam với nghi lễ đặc trưng là hầu đồng.

 

 

 

 



Thờ Mẫu không chỉ là một tín ngưỡng tôn giáo, đó còn là văn hóa. Thông qua nghi lễ hầu đồng (lên đồng), qua lễ hội, phong tục gắn liền với nó, trở thành là một bảo tàng sống của văn hóa Việt Nam. Ở đó, chúng ta nhận thấy một lối sống, quan niệm, cung cách sinh hoạt, những ước vọng của không chỉ con người xa xưa, mà cả con người hiện đại.

Hồi tưởng về miền ký ức xa xăm, bà kể cho chúng tôi nghe về những ngày gian khó. Hơn 10 năm chống chọi với bệnh tật, bà được gia đình 2 bên nội ngoại quan tâm chăm sóc, đặc biệt là người chồng hết mực yêu thương chạy chữa khắp nơi, từ tây y sang đông y nhưng không khỏi. Bà quyết định tìm về nơi Thánh Mẫu để cầu mong sức khỏe, bình an. “Ban đầu tôi chỉ thắp hương tại gia với một lòng thành kính, rồi sau đó là thường xuyên đi dự hầu đồng, trở về nhà tôi thấy tinh thần lạc quan, thoải mái, tâm tĩnh lặng, thanh thản, sức khỏe dần chuyển biến tích cực …” bà Chuyên chia sẻ.

Càng tìm hiểu về Tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam, nghệ nhân Vũ Thị Chuyên càng thêm yêu và muốn gắn bó hơn với nét văn hóa dân gian này. Tín ngưỡng thờ Mẫu rất đẹp. Nó đẹp ở lời ca tiếng nhạc, mỗi khi nhạc chầu cất lên là người lên đồng như được tiếp thêm sinh lực để “nhập đồng”, còn người đi dự hầu cũng thêm hứng khởi. Nó còn đẹp ở những bộ trang phục của các giá đồng, khi người hầu đồng nhập vai các vị thánh và bà chúa. Hầu đồng còn đẹp ở chính nghệ thuật biểu diễn của các nghệ sĩ dân gian nhưng rất chuyên nghiệp.

Mỗi khi khoác lên mình những bộ trang phục để múa từng giá, có người nói bà đẹp như một nữ tướng. “Tôi thấy hầu đồng rất đẹp, đẹp ở phong thái tôn nghiêm, đúng phép Thánh. Trình diễn các giá chính là nghệ thuật diễn xướng lại sự tích của các ngài, chứ không phải là một cái gì mờ ảo, hoang tưởng cả. ”, nghệ nhân Vũ Thị Chuyên nói.

 

 

 

Nghệ nhân Vũ Thị Chuyên ủng hộ Quỹ Khuyến học xã Hiệp Hòa



Điều đặc biệt, Tâm là giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thờ Mẫu. Mẫu dạy con người sống hướng thiện, có cái tâm trong sáng, biết đối nhân xử thế, thờ phụng ông bà tổ tiên và biết ơn những người có công với dân, với nước. Cũng chính từ điều này, những năm qua, nghệ nhân Vũ Thị Chuyên đã có nhiều hoạt động đóng góp tích cực vào phong trào “Lá lành đùm lá rách”, “Quỹ Đền ơn đáp nghĩa”, Quỹ Khuyến học tại địa phương và nhiều tỉnh thành lân cận hàng trăm triệu đồng. “Cuộc sống hiện nay còn vô số những mảnh đời bất hạnh. Tạ ơn trời đã cho ta cuộc sống bình yên. Trải qua một giai đoạn khó khăn nên tôi hiểu, một miếng khi đói bằng một gói khi no. Ta có thể chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh dù chỉ là điều nhỏ nhất. Của cho đi là của còn. Nên mình có thể làm được gì cho xã hội, cộng đồng ngày một tốt hơn thì hãy làm bằng tấm lòng chân thành nhất” bà Chuyên tâm sự.

Mới đây, Nghệ nhân Vũ Thị Chuyên vinh dự nhận cúp vàng Tấm lòng nhân ái – Trái tim vàng Việt Nam năm 2012 do Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập kết hợp với Quỹ Trái tim vàng Việt Nam tổ chức. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những cá nhân đã có tấm lòng nhân ái trong phong trào nhân ái từ thiện – vì sự phát triển cộng đồng.

Có thể nói, tín ngưỡng thờ Mẫu góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Là nền tảng để con người hướng tới những điều Chân – Thiện – Mỹ. Cũng trong các hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu, năm 2011 vừa qua bà Vũ Thị Chuyên đã được Hội UNESCO Việt Nam vùng Đông Bắc trao tặng danh hiệu Nghệ nhân trong kỳ liên hoan hầu đồng tín ngưỡng thờ Mẫu tại huyện Chí Linh. Đây là phần thưởng xứng đáng với nỗ lực khổ luyện của bà trong 30 năm theo đuổi văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu.

 

 

Hiền Vân Dương

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo