Doanh nhân

Ngư dân Địa Trung Hải bỏ đánh cá chuyển sang buôn người

Theo một bài báo trên The Guardian (Anh), những thành phố cảng ở miền bắc Lybia nơi từng nổi tiếng với nghề cá và các sản phẩm cá, giờ đã không còn nhiều ngư dân nữa, bởi nay họ đã có nghề mới: đứng tên mua tàu cá để bán lại kiếm lời hoặc tự đứng ra buôn người.

Để vượt biển, dù là người đến từ các nước châu Phi hay thuộc Trung Đông như Syria, tất cả đều phải tập trung ở khu vực bờ biển Lybia. Khi đến được bờ biển Lybia, yếu tố quốc tịch sẽ quyết định người đó phải trả bao nhiêu tiền để sang được châu Âu. Thông thường, người đến từ khu vực Trung Phi mức giá sẽ khoảng 800 đến 1.000 USD, nhưng người đến từ vùng chiến sự Syria sẽ phải trả 2.500 USD hoặc cao hơn.

Đó là chưa kể đến việc những kẻ buôn người thường dồn càng nhiều người lên tàu càng tốt. Đây chính là nguyên nhân của nhiều thảm họa trên Địa Trung Hải. Một chiếc tàu cá dài khoảng 18m chỉ có thể chở tối đa 300 người, nhưng những kẻ buôn người thường để nó ra khơi với số lượng người trên 350 người, thậm chí là gấp đôi con số ấy. Mỗi chuyến tàu chở người ra khơi, các băng nhóm buôn người kiếm được khoảng 37.000 USD, với khoảng 20 chuyến đi sang châu Âu hằng tuần thì mỗi tháng họ kiếm trên 2 triệu USD.

Ngư dân Địa Trung Hải

Những thành phố cảng ở miền bắc Lybia nơi từng nổi tiếng với nghề cá 

Thế nhưng không phải cứ bỏ tiền ra thì sẽ được lên tàu đi châu Âu ngay. Sau khi thanh toán nửa phần tiền, những người này sẽ bị gom vào một khu vực giống như trại tập trung, sống trong điều kiện hết sức tồi tệ, nhưng chi phí hằng ngày cao cắt cổ. Họ không dám ra thuê chỗ khác ở bởi bọn buôn người luôn miệng khẳng định có thể lên đường bất kỳ lúc nào. Điều kiện sống nguy hiểm, có những phụ nữ bị lạm dụng tình dục mà không dám bỏ đi.

Theo báo Daily Mail, thay cho việc đi trực tiếp từ khu vực Bắc Phi, người Syria còn có thể lựa chọn đi qua Thổ Nhĩ Kỳ để đến đảo Lesbos của Hy Lạp. Mỗi người tham gia hành trình sẽ phải thanh toán khoảng 1.500 USD và mọi giao dịch đều được thực hiện bằng tiền mặt. Mức chi phí trên chưa tính đến việc phải trả khoảng 300 đến 500 USD để mua giấy tờ tùy thân giả, nếu muốn nhập cảnh trót lọt vào một số nước như Đức hay Thụy Điển. Còn nếu muốn đảm bảo hoàn toàn an toàn khi đến châu Âu, mỗi người di cư sẽ phải trả ít nhất 3.500 USD.

Cho đến nay, các tuyến đường biển để sang châu Âu vẫn là lựa chọn phổ biến nhất của những người di cư Syria. Tính toán của Liên Hiệp Quốc cho thấy tám tháng đầu năm 2015, đã có 300.000 người châu Phi, Trung Đông, châu Á sang châu Âu qua các tuyến đường biển vượt Địa Trung Hải, trong khi đó con số này cả năm 2014 chỉ là hơn 200.000.

Những năm gần đây, tuyến đường vào châu Âu qua Nga cũng được nhiều người Syria lựa chọn, bởi dù xa xôi lạnh giá nhưng rủi ro mất mạng thấp hơn, ngoài ra cũng đỡ bị bọn buôn người lừa tiền. Chi phí cho chặng đường này gồm 250 USD để mua visa sang Nga, 1.600 USD để mua vé máy bay sang Moscow, khoảng 500 USD chi phí ăn uống dọc đường cùng với 150 USD để mua xe đạp đạp từ thị trấn đến khu vực biên giới Nga – Na Uy.

Theo thống kê của cảnh sát Na Uy, trong năm nay đã có khoảng 150 người Syria nhập cảnh vào Na Uy theo đường này, từ đó họ tiếp tục mua vé tàu hoặc máy bay để đến các quốc gia châu Âu khác. So với khoảng 4 triệu người Syria đã rời đất nước từ khi cuộc nội chiến bắt đầu thì con số 150 người là rất nhỏ, nhưng đáng chú ý là nó đã tăng nhanh trong năm 2015. Nhiều người Syria hiện đang còn ở Nga được dự báo sẽ tiếp tục chọn lối tương tự để sang châu Âu.

(Doanhnhansaigon)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo