Chân dung

Người bảo tồn và phát huy truyền thống làng nghề

(DNHN) Cuộc sống hiện đại kéo theo nghề nghiệp được phát triển theo hướng mở, ngoài việc tạc tượng, hoành phi câu đối như vốn có của làng nghề. Ngày nay, những nghệ nhân giỏi trong làng còn được mời về trang trí nội ngoại thất trong gia đình có liên quan tới sản phẩm gỗ.

Hà Nội ngàn năm  văn hiến là cái  nôi của  rất nhiều làng  nghề nổi  tiếng. Sơn Đồng – Hoài Đức – Hà Nội được mọi người biết đến  không chỉ  như một địa chỉ du lịch mà còn là làng nghề không kém  phần phong phú, sôi động:  nghề tạc  tượng.  Sản  phẩm nổi tiếng của làng là tượng Phật, đồ thờ, hoành phi câu  đối... được các  nghệ nhân luôn tận  tâm,  tận  lực thổi hồn vào từng  sản phẩm. Tiếng lành  đồn xa, nhiều nơi trên đất  nước  đã  tới đây để  đặt  hàng của  họ.  Trong tương  lai, sản phẩm của  làng  còn phát triển và vươn xa hơn nữa...

Mới chỉ đến  đầu  thôn, lắng tai nghe, lọc qua tiếng xe cộ qua lại tấp nập sẽ thấy âm thanh của nhát đục, nhát gõ, tiếng cưa, xẻ gỗ rộn ràng, không ngừng nghỉ. Đi sâu vào giữa làng ta còn cảm nhận được mùi gỗ mới, mùi của nước sơn. Theo các cụ kể lại thì nghề tạc tượng gỗ đã tồn tại ở Sơn Đồng từ khá lâu, đã có từ hàng trăm năm nay, chính vì thế nghề tạc tượng như mạch ngầm ngấm sâu vào máu cảu người dân nơi đây.

Hiện nay, Sơn Đồng có đến trên 80% lao động làm nghề chạm khắc truyền thống, giải quyết lao động và tạo thu nhập chính cho người dân, thu hút nhiều lao động ở các vùng lân cận đến học nghề, tham gia sản xuất. Nghề tạc tượng chiếm tỷ trọng chính trong sự phát triển kinh tế của thôn và mang lại cuộc sống sung túc, người dân nơi đây có thể yên tâm sống với nghề. Đội ngũ lao động lên tới hàng trăm, hàng ngàn người, có thể làm công hoặc khoán theo sản phẩm.

 

 



Tạc tượng có nhiều công đoạn như: xẻ gỗ, đục phá, đục gọt, sơn tượng. Khâu nào cũng cần tỉ mỉ và có cái tâm với nghề mới cho ra những sản phẩm có hồn từ những khúc gỗ vô tri.

Theo giới thiệu, tôi đến thăm xưởng sản xuất của anh Nguyễn Viết Cường - Chủ xưởng sản xuất có tiếng của làng. Mới đây, anh đã vinh dự nhận giải thưởng “Cúp vàng Thương hiệu truyền thống, Gia truyền nổi tiếng” do Báo Người Hà Nội tổ chức. Là nghệ nhân giỏi của làng, nhiều tượng Phật do anh chế tác đã có mặt ở nhiều chùa chiền, miếu, điện trên khắp đất nước như: Đền Kiếp Bạc ở Chí Linh - Hải Dương, Quần đảo Trường Sa, Chùa Bái Đính – Tràng An, Đền Cửa Ông…

 

 

 

 



Theo anh Cường, công việc tạc tượng đòi hỏi người thợ phải kết hợp nhiều yếu tố, quan trọng phải có cái tâm với nghề. Cái tâm là  yếu tố quyết định  để sản phẩm có hồn, có vẻ đẹp linh thiêng qua từng hình khối, đường nét. Đây là nghề cũng tương đối đặc biệt, mình mang cái tâm đến cho mọi người nên tuyệt đối không được buôn thần bán thánh. Nếu biết khách hàng vì mục đích thương mại hóa, dù họ trả nhiều tiền đến mấy anh cũng không hợp tác. Ngoài ra, nghề tạc tượng cũng đòi hỏi sự kiên trì tỉ mỉ, khéo léo, có tư duy hội họa, thêm nữa cũng cần phải có cái duyên với nghề. Có người đến học cả năm trời nhưng sản phẩm vẫn chưa đạt, có người chỉ mất 1-2 tháng đã thành thạo nghề.

Nguyên liệu để tạc tượng chủ yếu là gỗ mít. Gỗ dổi và vàng tâm để làm hoành phi câu đối. Trải qua nhiều năm trong nghề nên anh Cường đã rút ra cho mình nhiều kinh nghiệm. Trong từng khâu đều có cái quan trọng riêng của nó. Ví dụ như khâu quét sơn cũng đòi hỏi kỹ thuật cao. Trước khi sơn tượng được bó một lớp mỏng sơn ta trộn với đất sét và mùn cưa. Mỗi bức tượng thường được quét khoảng mười lần sơn ta. Cuối cùng là công đoạn  phủ và lọng son. Chú ý trước khi dùng sơn, các phần của tượng  thường được thếp vàng hoặc bạc. Với nghệ nhân Cường, sản phẩm làm ra phải thực sự đạt về chất lượng, đảm bảo giá trị văn hóa lịch sử và nghệ thuật. Tượng Phật làm ra phải mang thần thái, có hồn thì mới toát ra vẻ uy nghi, linh thiêng vốn có.

 

 

 



Cuộc sống hiện đại kéo theo nghề nghiệp được phát triển theo hướng mở, ngoài việc tạc tượng, hoành phi câu đối như vốn có của làng nghề. Ngày nay, những nghệ nhân giỏi trong làng còn được mời về trang trí nội ngoại thất trong gia đình có liên quan tới sản phẩm gỗ.

Hiện tại, sản phẩm của làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng chiếm khoảng trên 50% thị phần toàn quốc về tượng và đồ thờ sơn son thếp vàng, thếp bạc phủ màu hoàng kim, phục vụ mảng đời sống văn hoá tâm linh, tín ngưỡng của người dân. Nhờ có đôi bàn tay khéo léo của người thợ Sơn Đồng, những khúc gỗ vô tri trở nên có hồn mang theo những an lành cho những người đặt mua.

 

 

Dương Hiền

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo