Doanh nghiệp - Doanh nhân

Người kiếm tiền đáng nể

Dẫn đầu về tốc độ kiếm tiền với gần một nghìn tỷ đồng, nhân đôi tài sản và trong một năm ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch hội đồng quản trị Tâp Đoàn Hoa Sen trở thành “đại gia số 1”, dù không phải là người giàu nhất trên sàn chứng khoán.

Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa sen

Tôi đã nghe nhiều người nói về một Lê Phước Vũ ăn chay trường, một doanh nhân phật tử, với triết lí kinh doanh “chính trực”… trước khi gặp ông chủ tịch Hoa Sen, thú thực tôi cảm thấy nghi ngờ những điều này. Nhưng sau cuộc nói chuyện kéo dài gần 2 giờ đồng hồ, “đại gia số một của năm”, đã cho tôi thấy, sự chính trực tự nó giản dị hơn những gì tôi nghĩ

Đi ngược … lòng tham

Tôi hỏi Lê Phước Vũ, cảm xúc của ông như thế nào khi được gọi là “đại gia số 1 của năm”. Ông bảo đọc bản tin đó lúc đang ở Mỹ và “thấy vui vui” nhưng “không suy nghĩ gì nhiều” điều ông tự hào hơn và nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong cuộc trao đổi là: “tôi có 3.700 nhân viên thì là 3.700 người  làm sản xuất, không đầu cơ. Chúng tôi tạo công ăn việc làm thật, thu nhập thực, tạo ra giá trị gia tăng thực cho xã hội và kim ngạch xuất khẩu thực cho Việt Nam”. “nhưng ông có “lung lay không khi ngay bên cạnh ông, rất nhiều doanh nghiệp kiếm hàng trăm tỷ, hàng ngàn tỷ như đầu tư bất động sản, chứng khoán 2006, 2007?”, tôi hỏi. Ông thú thật, ông có lung lay, ông có tham. Bởi nếu đống ý lên sàn năm 2006, tài sản của ông, của tập đoàn sẽ tăng vài chục lần.Lúc đó, vốn điểu lệ của Hoa Sen khoảng 160 tỉ nhưng lợi nhuận tới 120 tỉ đồng. Tập đoàn đã thuê tư vấn và giá cổ phiếu đã lên mấy chục “chấm”. Ông quá ngạc nhiên và thực sự bị tác động. Hơn chục năm làm kinh doanh, chưa bao giờ có cơ hội kiếm tiền đối với ông lại dễ, lại nhiều như thế. Nói không tham là nói dối. Nhưng đêm về, cảnh người lao động vì món lợi trước mắt bán hết cổ phiếu, cuối cùng trắng tay; Người mua (những thầy giáo, những bà nội trợ gom góp cả đời được ít vốn, những sinh viên, học sinh nghèo mà theo ông, không thể đấu được với những “ Cá mập chứng khoán”) rồi cũng thua lỗ vì giá trị ảo của những cổ phiếu bị đẩy lên trời…ám ảnh ông. Ông phân vân, trăn trở. Mất cả tháng trời “ Đấu tranh với lòng tham” cuối cùng ông đã quyết định ngừng niêm yết để tập trung vào sản xuất. Lúc đó, không ít người hụt hẫng, thậm chí “oán” ông vì chỉ cần ông gật đầu, họ đã có thể trở thành tỉ phú, triệu phú. Nhưng đến nay, trong khi những doanh nghiệp lao theo đầu tư tài chính đều ngập trong nợ nần, khó khăn, Hoa Sen đứng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á về sản phẩm tôn mạ thì ai cũng công nhận, con đường ông chọn là đúng đắn.

Đó không phải là lần “đi ngược” duy nhất của Lê Phước Vũ. Mấy năm nay, sự trở về thị trường nội địa đã trở thành cứu cánh cho các doanh nghiệp xuất khẩu, khi thị trường thế giới gặp bão khủng hoảng. Lê Phước Vũ thì khác đây chính là giai đoạn “vượt biên giới” mạnh mẽ nhất của tôn Hoa Sen khi có mặt trên 30 quốc gia đặc biệt là thâm nhập thị trường khó tính, yêu cầu chất lượng cao như Nhật, Nga. “ Doanh số xuất khẩu năm 2013 của chúng tôi đạt 250 triệu USD và sẽ tăng lên 300 triệu USD năm 2014” ông Vũ khẳng định chắc nịch trước câu hỏi đầy tính ngờ vực của tôi, rằng “ông bán tôn, thép cho ai khi hầu hết các dự án bất động sản đều ngừng trệ”

Những mảng màu đối lập

Lê Phước Vũ là 1 doanh nhân có nhiều quan điểm lạ với thời cuộc. Ông tuyên chiến với tệ “ bôi trơn” đã trở thành luật “ bất thành văn” trong môi trường kinh doanh lâu nay. Ông không nói suông. Ông đã từng “trảm tướng” khi phát hiện ăn chia hoa hồng. Tại nhiều cuộc hội thảo ông cũng luôn phát biểu “phải làm việc 1 cách nghiêm túc và tử tế” tôi hỏi ông “có cảm thấy bạc lòng không khi môi trường kinh doanh đang vận hành với môi trường, lót tay và đi đêm?” Ông cười lớn. “Tôi không hối lộ, tôi không bôi trơn mà chính các bạn nói đấy, năm nay tôi vẫn đứng đầu. Nếu chúng ta làm ăn thật sự, làm ăn chính trực không thiếu gì cơ hội”. “Xét cho cùng tệ nạn 1 phần cũng do các doanh nghiệp..”. “ Chính xác”. Anh đến gõ cửa người ta là do anh chọn, không ai ép anh. Đừng đổ thừa môi trường trong đó có mình”, Lê Phước Vũ quyết liệt. Ông bảo doanh nghiệp nếu làm ăn chụp giật dựa trên mối quan hệ thậm chí là hối lộ thì khó tạo ra sản phẩm cạnh tranh.

Thẳng thắn đến cực đoan là điều dễ nhận ra khi tiếp xúc với ông chủ tôn Hoa Sen. Có đôi lúc trong cuộc trao đổi, tôi sử dụng từ “trung thực” nhưng ông luôn “chỉnh” lại là “chính trực”. Ông bảo người đứng đầu một doanh nghiệp phải là một người chính trực. Anh có thể chấp nhận lợi nhuận ít hơn, thậm chí chấp nhận đi chậm hơn một chút nhưng không thỏa hiệp với tiêu cực. Tôi bảo, bằng sự chính trực của mình, ông có thừa nhận ông mời người hùng khuyết tật Nick Vujicic về Việt Nam là một chiêu PR? Ông phủ nhận. Ông nói đã chứng kiến nhiều mảnh đời khuyết tật bị lãng quên. Đưa Nick tới Việt Nam ông muốn thông qua chàng trai này truyền cho họ nghị lực, niềm cảm hứng, động viên họ trong cuộc sống. Ông làm để an ủi họ. Tuy nhiên cũng thừa nhận, là một doanh nhân bất cứ việc gì ông làm đều được tính toán và mong muốn đạt được nhiều lợi ích. Nhưng mục đích tối thượng của ông là gắn thương hiệu tôn Hoa Sen với các hoạt động cộng đồng. Ông muốn gửi đi thông điệp, càng phát triển tập đoàn sẽ đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng. “Bất chấp những giải thích của anh, tôi vẫn cho rằng anh là bậc thầy về PR”, tôi vẫn ngoan cố.

Ông chủ tập đoàn Hoa Sen tặng tôi bức tranh do cô gái bị bệnh xương thủy tinh sáng tác và kể rất nhiều về cô, “gần 30 tuổi mà chỉ cao 80cm nhưng tạo công ăn việc làm cho 15 người khác”. Đến đây thì tôi hoàn toàn tin, mặc dù không thú nhận việc mời Nick Vujicic tới Việt Nam “xuất phát từ cái tâm” như lời ông nói.

Xuân này, Lê Phước Vũ đi hành hương ở Ấn Độ với một nhà sư.   

Như Trâm - Thanh Niên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo