Doanh nghiệp - Doanh nhân

Người thừa kế của tỷ phú Nepal duy nhất và kế hoạch New Nepal

Rahul Chaudhary là CEO của CG Corp Global, tập đoàn đa quốc gia với với lịch sử hơn 140 năm qua 4 thế hệ của Nepal. Nắm giữ mảng dịch vụ khách sạn toàn cầu của tập đoàn, Rahul chính là thế hệ tiếp theo của gia đình tỷ phú duy nhất trong các quốc gia vùng Himalaya.

Người sáng lập CG Corp Global, cũng là tỷ phú thế giới đầu tiên và duy nhất của Nepal hiện nay - Binod Chaudhary, cha của Rahul nói rằng, ông quan điểm mình giàu có đến mức nào không quan trọng, quan trọng là cống hiến được gì cho xã hội, sức ảnh hưởng ra sao. 

"Xin chào, tôi hiện có một người vợ xinh đẹp và 31 người con", Rahul Chaudhary trả lời câu hỏi đầu tiên trong cuộc trò tại sự kiện Under 30 Summit 2018 (TP.HCM, ngày 24/4) do tạp chí Forbes Việt Nam tổ chức.

Rahul Chaudhary. Ảnh: The Condé Nast.

Thông tin này khiến nhiều người bất ngờ và ngay lập tức anh giải thích: "31 người con này vừa được chúng tôi nhận nuôi hồi tuần trước. Nó xuất phát từ việc đáng tiếc xảy ra ở Bắc Ấn vài tháng trước, một cô bé 6 tuổi đã bị hãm hiếp rất tệ hại.

Tôi biết sự việc thông qua một đường link nhờ hỗ trợ, đóng góp và kêu gọi chính quyền ở Ấn Độ phải có hành động cần thiết. Tôi chia sẻ sự việc lại với vợ mình và không ngờ rằng nó tác động rất sâu sắc khiến cô ấy đau buồn suốt 3 ngày liền. Sau đấy, chúng tôi vận động quỹ của mình hỗ trợ và quyết định đến tận nơi nhận 31 bé về nuôi dạy cho đến khi tốt nghiệp đại học, rồi chúng tôi sẽ nhận nuôi tiếp 31 bé nữa".

Đó là việc làm rất nhân văn. Nghe nói cha của ông có cách nuôi dạy con rất khắt khe?

Gia đình tôi xuất phát vốn không có giàu có gì, ngày xưa cha tôi chỉ là ông thợ bán radio cũ và chuyện kinh doanh thì không thành công lắm. Nhưng cha rất khắt khe đến mức kỷ luật sắt trong giáo dục con cái. Chúng tôi học nội trú ở Ấn Độ, cả năm chỉ có 2 ngày nghỉ mà vẫn không được cha dẫn đi chơi như ở gia đình khác. Trái lại ông bắt chúng tôi theo dõi ông làm việc hoặc gửi đến làm ở các tiệm mì để biết giá trị của sự lao động trước khi trở thành người lãnh đạo doanh nghiệp.

Khi nhận thấy tôi sẽ gặp rủi ro về tiền bạc trong một thương vụ lớn khi còn học ở Mỹ, cha nói thẳng rằng ông sẽ không giúp đỡ và đó đã trở thành bài học nhớ đời cho tôi.

 

Thực ra việc quan sát cha làm và xử lý công việc hằng ngày đã dạy tôi rất nhiều khi xử lý công việc sau này.

Rahul và vợ trong đám cưới kiểu quý tộc. Ảnh: The Economic Times.

Anh có thấy bị áp lực khi làm con của tỷ phú không?

Cũng có vài mặt bất lợi nhưng có điểm lợi là tôi luôn được tham dự nhiều sự kiện, được trân trọng, được trao cơ hội dễ dàng hơn so với người khác. Nhưng tôi có những kỳ vọng phải đáp lại như việc gánh vác, đưa công ty đến tầm cỡ cao hơn. Cha tôi còn kỳ vọng tôi tạo ra được những gì hơn cả ông đã làm trong quá khứ. Nhưng tôi nghĩ dù gộp cả 3 anh em lại chúng tôi vẫn chưa thể bằng ông.

Giả sử anh không phải là con của tỷ phú thì sao?

Thì tôi sẽ làm việc cho đến khi trở thành tỷ phú chứ sao, đơn giản thế thôi! Cha tôi vẫn thường nói rằng chúng tôi đến từ quốc gia nhỏ, xuất thân từ người lao động mà.

 

Đứng đầu mảng dịch vụ khách sạn của tập đoàn, theo anh xu hướng của giới trẻ ngày nay có ảnh hưởng nhiều đến cách kinh doanh du lịch?

Chúng ta đang trải qua cuộc tiến hoá mạnh mẽ toàn cầu. Chúng tôi đã nhìn nhận sự thay đổi từ 2 thập niên trước, thậm chí tiên đoán được ngành nào đang kinh doanh tương lai sẽ chẳng còn.

Như hiện giờ mọi trải nghiệm của người dùng đều cần đến smartphone như xem và đặt phòng khách sạn, thông qua sự hỗ trợ của nhiều đơn vị trung gian sử dụng công nghệ, nó cũng đưa đến những ngành nghề mới trong du lịch nghỉ mát...

Nepal có cuộc sống tâm linh sâu sắc và phong phú, là nơi đức Phật sinh ra... Dựa trên nền tảng đó, chúng tôi có ý định xây khách sạn ở những nơi gắn bó với Phật giáo như Ấn Độ và tôi biết có một người ở đây (trong khán phòng) đang muốn tôi xây một khách sạn gắn với Phật giáo tại Việt Nam.

Rahul và vợ trong đám cưới kiểu quý tộc. Ảnh: The Economic Times.

Vậy kế hoạch New Nepal mà chúng tôi nghe nói là như thế nào?

 

Trong 25 năm qua đất nước chúng tôi trải qua 22 đời thủ tướng và cho đến lúc này, với một chính quyền đã ổn định hơn, Nepal cần có hiến pháp được viết ra và tuân thủ, cùng với bản kế hoạch hành động cho tương lai quốc gia.

Nhiều năm qua giới trẻ đi khỏi Nepal rất nhiều. Tôi không thể trách họ vì đối với người trẻ nếu không thấy tìm thấy cơ hội họ sẽ bỏ đi thôi. Tương lai của Nepal sẽ phải có nhiều cơ hội cho người trẻ về họ làm việc, sinh sống và để xã hội phát triển hơn.

Chúng tôi sẽ thúc đẩy quỹ của mình để phát triển tại Nepal một nơi như Silicon Valley. Ngày trở về từ nơi đó cha tôi đã đưa ra rất nhiều ý tưởng công nghệ, đồng thời ông cần nhiều quỹ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nhân trẻ.

Đó cũng là lý do chúng tôi có mặt tại đây, nơi chúng tôi nhìn thấy cơ hội lớn và rất ấn tượng với nguồn năng lượng, ý tưởng mà các bạn truyền cho chúng tôi. Tôi hy vọng sẽ có thể phát triển văn phòng để làm việc với các bạn tại đây.

Rahul Chaudhary tại sự kiện của Forbes Việt Nam.

Anh đã đến Việt Nam từ 20 năm trước và giờ mới trở lại. Cha của anh cũng từng đến đây. Anh có kế hoạch cụ thể đối với Việt Nam không?

 

Cách làm của chúng tôi là thâm nhập vào thị trường nào vừa kết thúc xung đột bởi nơi đó luôn có nhiều cơ hội. Đó là điều chúng tôi đã làm với Sri Lanka khi vừa kết thúc nội chiến (2009), chúng tôi nhìn thấy cơ hội đầu tư trong khi chính những người ở đó chỉ muốn bỏ đi.

Chúng tôi đã đầu tư tại Đông Nam Á từ rất lâu và quan sát Việt Nam rất kỹ. Hiện chúng tôi đã bắt đầu trao đổi ý kiến để mở rộng đầu tư tại đây, có thể đó là lĩnh vực tiêu dùng nhanh với nhãn hiệu mì ăn liền nổi tiếng Nepal của CG Corp và 2 lĩnh vực khác là đầu tư mạo hiểm và khách sạn - nghỉ mát.

Cha tôi yêu vùng đất này. Việt Nam là miền đất hứa cho chuyện kinh doanh của gia đình tôi. Tôi hy vọng được đến Việt Nam thường xuyên hơn.

Nên đọc





Theo Một thế giới
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo